Gốm Phù Lãng, cần một hướng đi đúng và trúng

06/07/2010

AGROINFO – Từ lâu, gốm Phù Lãng đã nổi tiếng, không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều thị trường nước ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia… Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, làng nghề này vẫn chưa thành lập được một tổ chức ngành, nghề cho riêng mình, thiếu một tiếng nói chung cho cả làng nghề.

Gốm Phù Lãng – tiềm năng và cơ hội phát triển

Không chỉ làm hàng sử dụng trong nước, gốm Phù Lãng còn rất hấp dẫn thị trường nước ngoài với những sản phẩm trang trí nội thất luôn đảm bảo chất lượng và uy tín. Gốm Phù Lãng đã có mặt tại Italia, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaixia … và được đánh giá cao bởi nó không chỉ là sản phẩm thủ công 100% mà còn bởi sự độc đáo, có giá trị thẩm mỹ cao. Đặc trưng của gốm Phù Lãng là dùng củi để nung, nhờ sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế nổi.

Sản phẩm làm ra luôn được kiểm tra giám sát chặt chẽ, qua nhiều công đoạn, bảo đảm sản phẩm khi xuất bán phải đạt chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của mọi khách hàng.... Từ những chum, vại đựng tương cà, mắm muối, các nghệ nhân Phù Lãng đã biến thành chiếc bình, lọ, đĩa treo tường, gạch ốp, tranh gốm, đèn vườn và nhiều sản phẩm trang trí nội, ngoại thất giàu chất sáng tạo, mang dấu ấn riêng của làng nghề gốm Phù Lãng. Nghề gốm không chỉ tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động mà còn khiến người dân nơi đây ngày càng trở nên yêu và gắn bó với nghề. Trong làng, có nhiều người đã sớm ăn nên làm ra, khẳng định uy tín của mình trên thương trường. Đã có thời kỳ, nhiều xưởng sản xuất gốm ở Phù Lãng làm hàng ra đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đó, thậm chí nhiều đơn đặt hàng còn không làm kịp.

Gốm Phù Lãng đang đối mặt với nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: Internet)

Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Sau khủng hoảng, gốm Phù Lãng đang dần phục hồi. Tuy nhiên, đối mặt với nhiều kho khăn do khủng hoảng để lại, làng nghề Phù Lãng hiện đang gặp khá nhiều khó khăn. Nhiều hộ đã ngừng sản xuất gốm, chuyển sang sản xuất, kinh doanh các ngành nghề khác. Hiện tại, lượng hàng tồn kho còn khá nhiều. Khó khăn nhất hiện nay là việc tiếp cận nguồn vốn kích cầu còn hạn chế . Thêm nữa, việc chủ động về thị trường vẫn là khâu yếu với nhiều cơ sở sản xuất ở Phù Lãng. Phần lớn các sản phẩm đều được bán thông qua đại lý ở Hà Nội và các thành phố lớn. Ví dụ: sản phẩm bình gốm trung bình có mức giá 40- 45 nghìn đồng/chiếc nhưng tại thị trường Hà Nội có giá gấp đôi hoặc cao hơn.

Dù xuất hiện trên thị trường đã lâu nhưng rất nhiều lô hàng gốm của Phù Lãng xuất ra nước ngoài vẫn phải thông qua các cơ sở gốm của Bát Tràng. Chỉ có một số ít sản phẩm được bán cho khách du lịch và khách tham quan. Hiện nay, sản xuất gốm ở Phù Lãng chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ theo hộ gia đình, mạnh ai nấy làm. Tình trạng làm theo phong trào khiến lượng hàng hóa cung vượt cầu cũng khiến sản phẩm bị tồn đọng.

Sau khủng hoảng, để đảm bảo sự phát triển bền vững, nhiều doanh nghiệp làng nghề thay đổi cơ cấu thị trường, quay lại chú tâm nhiều hơn cho thị trường trong nước. Tuy nhiên không dễ dàng để cho các doanh nghiệp làng nghề ở Phù Lãng quay về thị trường nội địa. Còn nhiều lúng túng trong các bài toán về vốn, về thiết kế mẫu mã, giá cả phù hợp với khách hàng trong nước. Đặc biệt, phát triển ở thị trường nội địa, việc bảo hộ, sở hữu trí tuệ với các doanh nghiệp này cũng không phải là điều dễ dàng. Một mẫu gốm thiết kế của Phù Lãng khi xuất khẩu ra thị trường ra nước ngoài rất ít khi bị học theo về mẫu mã. Nhưng ở trong nước, chẳng ngạc nhiên gì khi một mẫu mới vừa xuất hiện thì ngay lập tức hàng loạt những kiểu dáng tương tự, thậm chí là nguyên xi mẫu thiết kế đó được tung ra thị trường từ hàng hoạt những cơ sở khác. Ở nội địa, việc quyền bảo hộ, sỡ hữu trí tuệ vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Hội ngành nghề gốm Phù Lãng – điều kiện cần để làng nghề phát triển

Đối mặt với những khó khăn, thách thức đó, không thể chỉ có từng doanh nghiệp, từng hộ nghề Phù Làng lần lượt lên tiếng. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sẽ rất khó để phát triển bền vững. Vấn đề thành lập hội ngành nghề gốm Phù Lãng không phải là vấn đề mới bởi nó đã là đề tài gây nhiều trăn trở cho các hộ sản xuất gốm có ý thức quảng bá, xây dựng thương hiệu cho gốm quê hương mình. Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp hội làng nghề ở 3 chức năng chính: các hội viên giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên; tham gia cùng các cơ quan nhà nước trong việc hoạch định chính sách liên quan đến ngành nghề.

Anh Ngọc, chủ cơ sở sản xuất gốm Ngọc chia sẻ: “Điều tôi mong muốn nhất hiện nay là thành lập một hội sản xuất gốm Phù Lãng, điều này giống như thành lập gia đình gốm Phù Lãng. Có như vậy, giá trị gốm Phù Lãng mới được bảo vệ, thương hiệu gốm Phù Lãng mới vững chắc”. Đồng quan điểm với anh Ngọc, anh Phạm Văn Thành, chủ cơ sở sản xuất gốm Thành Thành cho biết: “Nếu thành lập được hội sản xuất gốm thì không gì tốt bằng, bởi nó liên kết, bảo vệ cho các hộ sản xuất. Đó sẽ là “đầu não” của gốm Phù Lãng để giải quyết những vấn đề chung của làng nghề. Hơn nữa, có tổ chức hội thì các khách hàng về đây tìm hiểu về gốm hay mở các tour du lịch dễ dàng hơn nhiều bởi có tổ chức đón tiếp họ. Hiện nay, tôi thấy nhiều khách hàng về đây muốn tìm hiểu về dòng gốm lại không biết vào đâu trước, tìm hiểu như thế nào bởi không có một cá nhân, tổ chức nào phụ trách vấn đề chung này”.

Hiện tại, Phù Lãng có khoảng 250 hộ làm gốm nhưng chỉ có ba cơ sở có thể tự xuất khẩu sang nước ngoài, đó là công ty gốm Nhung, công ty Trí Việt và hợp tác xã (HTX) gốm. Tại sao cho đến thời điểm này Hội sản xuất gốm Phù Lãng chưa ra đời? Theo anh Phạm Văn Thành, nguyên nhân quan trọng nhất là chưa có sự thống nhất của tất cả các hộ sản xuất gốm trong xã. Điều này bắt nguồn từ việc gốm Phù Lãng hiện nay được chia làm hai dòng: gốm mỹ nghệ và gốm truyền thống, lợi ích của hai dòng gốm này là khác nhau và nhất là không chung thị trường. Mặt khác các hộ sản xuất gốm truyền thống ở Phù Lãng chưa hiểu về mục đích, ý nghĩa, phương thức hoạt động… và lợi ích được thụ hưởng khi tham gia.

Ông Nguyễn Tiến Nên, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lãng cho biết: “Chính quyền xã luôn cố gắng hết sức tạo điều kiện cho các hộ sản xuất gốm phát triển, những việc gì có lợi cho sự phát triển làng nghề thì xã nhất định sẽ làm”. Tuy nhiên, khi hỏi về việc thành lập hội ngành nghề, ông Nên cũng thừa nhận xã chưa nắm rõ các thủ tục thành lập như thế nào nên xã chưa đứng ra vận động thành lập.

Như vậy, vấn đề ở chỗ từ trước đến nay chưa có một tổ chức hay cá nhân nào đứng ra kêu gọi thành lập hội sản xuất gốm Phù Lãng, vận động và giải thích cho người dân hiểu về lợi ích của hội. Các hộ sản xuất gốm cũng chưa thông, chưa hiểu nên ngại thủ tục. Trong khi đó, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội đã nói rõ về việc thành lập hội ở địa phương với thủ tục khá đơn giản.
Sản xuất gốm Phù Lãng hiện nay vẫn chưa hồi phục lại hoàn toàn do ảnh hưởng của đợt suy giảm kinh tế toàn cầu, tuy nhiên việc thành lập Hội ngành nghề càng trở nên bức thiết hơn. Phù Lãng cần có một tổ chức hội ngành nghề cho riêng mình để có chiến lược dài hơi trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu gốm Phù Lãng.


Lê Huê

Tin khác