Xây dựng mô hình nông thôn mới ở Thái Bình: Khó

13/07/2010

AGROINFO - Dù không có địa phương nào nằm trong 11 xã được Chính phủ chọn làm thí điểm xây dựng nông thôn mới, song ngay khi có Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, Thái Bình vẫn chủ động bắt tay vào thí điểm mô hình này trên 8 xã. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương này trên đất lúa gặp vô vàn khó khăn.

 
 Xây dựng mô hình nông thôn mới ở Thái Bình đối mặt với nhiều khó khăn
Khó từ vật chất...

Theo số liệu điều tra của ngành nông nghiệp Thái Bình, bình quân mỗi gia đình trong tỉnh chỉ có hơn 2.000m2 đất nông nghiệp, với khoảng 3 thửa ruộng. Mặc dù nhiều năm qua, Thái Bình đã có chủ trương dồn điền đổi thửa nhưng do thiếu quy hoạch đồng bộ nên đến nay không còn phù hợp. Ông Khúc Văn Lượng, Phó trưởng phòng Tổng hợp quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình cho biết, hiện 8 xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới đã được khởi động, tuy nhiên mọi thứ mới chỉ bắt đầu.

Căn cứ vào các tiêu chí về nông thôn mới, Thái Bình đưa ra kế hoạch là các xã làm điểm theo mô hình này phải đạt các mục tiêu: mỗi hộ chỉ sản xuất trên một thửa ruộng, theo tiêu chuẩn bờ cách bờ 50m, thửa cách thửa 100m. Có vậy mới nói tới chuyện sản xuất hàng hoá. Tuy nhiên, hiện nay, đất nông nghiệp manh mún đã cản trở việc quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Đó là khó khăn mà các xã xây dựng mô hình nông thôn mới ở đất lúa đang gặp phải.

Không phải đến bây giờ, khi Thái Bình bắt tay vào triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới, vấn đề tích tụ ruộng đất mới được nhắc đến, mà chủ trương này được thai nghén từ lâu, song diễn ra khá ì ạch. Cùng với đó, tỉnh cũng đang phải đối mặt với hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ, xuống cấp. Hiện tỷ lệ cứng hóa giao thông nội đồng chỉ đạt 5,3%; còn hệ thống thuỷ lợi chỉ khoảng 7-10%. Trong khi, theo tiêu chí xây dựng mô hình nông thôn mới thì 100% trục đường liên xã, liên thôn phải được cứng hoá. Đặc biệt, nếu ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp, phải hoàn thiện mạng lưới giao thông nội đồng, cứng hoá kênh mương.

Thực tế, nhiều địa phương đã chủ động bằng nội lực của dân, tự lo trước. Xã An Ninh (huyện Tiền Hải), đã chủ động xây dựng hạ tầng giao thông như làm cầu nối liền khu dân cư với vùng sản xuất hàng hoá trọng điểm trên 70ha của xã. ông Nguyễn Văn Thất, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết, hiện xã có 37.000m kênh mương nhưng cố gắng lắm mới cứng hoá được trên 3.000m. Như vậy, dù cố mấy, kế hoạch xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình vẫn phải trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước là chính. Tuy nhiên, theo tiết lộ của ông Lượng, nguồn vốn dành cho xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình khá hạn hẹp. Trong khi, trung bình mỗi xã phải cần tới hàng chục tỉ đồng thì mới đáp ứng được tiêu chí đề ra nhưng ở Thái Bình hiện mỗi xã chỉ có vẻn vẹn hơn 3 tỉ đồng.

... Đến tinh thần

Kinh phí thiếu đang là vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý. Tuy nhiên, có một vấn đề khác nữa là, ngoài quy mô địa chính là làng xã, Thái Bình còn tồn tại nhiều loại hình cư dân tập trung nhỏ lẻ. ông Lượng cho biết, nếu chỉ tính tại 8 xã điểm, trung bình mỗi xã có từ 5 - 6 trại lẻ, mỗi trại có từ 5 - 7 hộ gia đình. Họ đã sống và gắn bó ở đây qua nhiều thế hệ. Nếu thực hiện di dời, ngoài việc đền bù, xây dựng nơi ở mới còn đụng chạm đến cả giá trị truyền thống, tinh thần vốn đã ăn sâu vào gốc rễ của người dân. Vấn đề quy tụ các ngôi mộ nhỏ lẻ ở các xã vào khu nghĩa trang tập trung càng khó khăn hơn vì sợ đụng chạm đến vấn đề tâm linh. Hiện, ở Thái Bình, một xã có tới 4 - 5 khu nghĩa trang, có những điểm chỉ tồn tại 5 - 7 ngôi mộ. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho bản quy hoạch tổng thể của nông thôn mới vẫn còn dang dở. Đó là chưa tính đến góc độ văn hoá, nếu không quy hoạch hợp lý sẽ vô tình phá vỡ những nét đẹp làng quê vốn có.

Có thể coi xây dựng nông thôn mới như một cuộc đại phẫu, loại bỏ dần những chất liệu thừa, chưa hợp lý. Nhưng với những khó khăn trên, việc Thái Bình mạnh tay chọn 8 xã điểm để xây dựng mô hình nông thôn mới, trong khi cả nước chỉ chọn 11 xã là khá mạo hiểm và khó khả thi.


Phạm Khánh (Theo Báo KTNT)

Tin khác