AGROINFO - Hơn 1 tuần qua, bệnh heo tai xanh đã bùng phát ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và mới đây nhất, dịch bệnh xuất hiện ở xã Đạo Thạnh - vùng ven Tp Mỹ Tho. Trước diễn biến phức tạp của dịch bênh, tỉnh Tiền Giang đang chỉ đạo nhiều phương án nhằm khống chế dịch.
|
Bệnh heo tai xanh đang bùng phát trên địa bàn tỉnh Tiền Giang |
Ngày 1-7 tại ấp Nam, xã Nhị Bình (Châu Thành) là địa phương phát hiện ổ bệnh tai xanh đầu tiên, hiện nay dịch tai xanh đã tán phát ra 9 xã của huyện Châu Thành gây nhiều quan ngại cho các cấp, các ngành và nhân dân. Tỉnh đã công bố mức hỗ trợ những hộ có heo bệnh bị tiêu hủy 25.000 đ/kg đối với trường hợp chăn nuôi có đăng ký còn những hộ nuôi không đăng ký nhận 50% mức hỗ trợ trên.
Theo ông Cao Văn Thật, quyền Trưởng phòng chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang), ngay khi phát hiện ổ bệnh tai xanh đầu tiên các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã và đang thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch tai xanh trên heo như: củng cố mạng lưới thú y cơ sở để kiểm soát dịch tễ, kịp thời phát hiện các ổ dịch và khoanh vùng dập dịch ngay; tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng 100% hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc vùng có dịch; quản lý chặt chẽ việc xuất nhập gia súc ra vào vùng có dịch, kiểm tra việc giết mổ gia súc cũng như lưu thông sản phẩm thịt gia súc đã giết mổ ngoài thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp đảm bảo tuân thủ những biện pháp phòng chống dịch, gắn với tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về phòng chống dịch bệnh tai xanh trên heo; kịp thời phát hiện và báo ngay những trường hợp bệnh mới phát sinh, tập trung tiêm phòng 4 loại bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc: thương hàn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng và tả. Bệnh heo tai xanh xuất hiện nhiều nơi
Những ngày qua, người chăn nuôi ở xã Đạo Thạnh hoang mang lo lắng vì trên một số đàn heo xuất hiện bệnh ho, sốt, đỏ da, sổ mũi, khò khè, dẫn đến chết. Chị Cổ Thị Thanh Kiều, ấp 4, xã Đạo Thạnh cho biết, cách nay 10 ngày, đàn heo 5 con nái, 7 con thịt và 10 heo con của chị đang khoẻ mạnh bắt đầu có dấu hiệu biếng ăn, ho, da đỏ. Lúc đầu, những triệu chứng trên xuất hiện ở heo nái, sau đó lây sang heo con. Gia đình mua thuốc về phòng trị nhưng không cải thiện được gì. Bầy heo 10 con chết dần nay chỉ còn 1 con. Anh Huỳnh Thanh Nhàn, ấp 3A, xã Đạo Thạnh cũng có heo bị bệnh tương tự như đàn heo của chị Kiều, kịp thời phát hiện báo với Thú y xã để hướng dẫn phòng trị. Đến nay, tình hình bệnh trên heo đã được khống chế phần nào mặc dù chưa khỏi hoàn toàn, một số con vẫn còn rất yếu.
Ông Lê Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND xã Đạo Thạnh cho biết, bệnh heo tai canh tập trung nhiều ở ấp 2, 5, 3A, 4. Theo ước tính của ông, riêng ở ấp 5 có khoảng 80% hộ có heo bị nhiễm bệnh. “Ngay cả đàn heo của nhà tôi cũng bị nhiễm bệnh. 5 bầy heo con (60con) khoảng 1 tháng tuổi chết dần đến nay chỉ còn 20 con. Tiền mua thuốc phòng trị đã trên 2 triệu đồng nhưng chưa mang lại hiệu quả nào”- ông Hải cho biết. Dù vậy, đến ngày 10-7, Thú y xã Đạo Thạnh chỉ ghi nhận được 5 hộ chăn nuôi có heo bệnh tai xanh với số lượng 120 con, trong đó có 41 con bị bệnh do họ chủ động đến báo. Còn những hộ bị bệnh khác trên địa bàn Thú y xã không nắm được. “Hộ có heo bệnh thường giấu, không muốn cho người khác biết nên chúng tôi không nắm được số hộ và số con bị bệnh”- bà Huỳnh Thị Vân, cán bộ Thú y xã Đạo Thạnh bày tỏ.
Không chỉ TP Mỹ Tho, đến thời điểm này, bệnh heo tai xanh cũng đã xảy ra ở 3 huyện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, huyện có bệnh tai xanh nhiều nhất là Châu Thành với 9 xã. Ngoài ra, huyện Cái Bè có 2 xã là Thiện Trí, Đông Hoà Hiệp; Cai Lậy có 2 xã là Mỹ Thành Nam, Phú An xảy ra dịch bệnh heo tai xanh. Theo thống kê của Chi cục Thú y, từ ngày 1 đến ngày 10-7, trên địa bàn 4 huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và Tp Mỹ Tho đã ghi nhận 58 hộ chăn nuôi heo nhiễm bệnh, với tổng đàn là 2.361 con có dấu hiệu bệnh heo tai xanh. Trong đó, số heo bệnh là 1.285 con, số đã tiêu hủy 385 con và trọng lượng tiêu hủy là 16 tấn. Tuy nhiên, chi cục Thú y cũng cho rằng, không ngoại trừ những nơi khác có bệnh tai xanh nhưng không phát hiện. Đến thời điểm này, ngành Thú y mới chỉ ghi nhận số heo bệnh do người dân trình báo.
Kiên quyết xử lý, không để dịch bệnh phát tán
Theo ông Lê Minh Khánh, chi cục trưởng Chi cục Thú y thì bệnh heo tai xanh xảy ra ở những hộ nuôi không có đăng ký theo Quyết định 14/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Đa số các hộ này không áp dụng tiêm phòng các bệnh bắt buộc trên heo như: dịch tả, thương hàn, tụ huyết trùng, lỡ mồm long móng. Ngoài ra, hiểu biết về bệnh tai xanh của người nuôi còn hạn chế. Khi heo bệnh, người chăn nuôi tự mua thuốc về phòng trị mà không báo cáo cho ngành Thú y, đến khi heo bị bệnh nặng không còn khả năng chửa trị nữa thì họ bán với giá rẻ để chạy bệnh. Số còn lại bán không được hoặc chết tại chuồng, họ mới báo cáo với cơ quan thú y, dẫn đến dịch bệnh lây lan cả trại và heo của những hộ chăn nuôi xung quanh.
Sau khi nhận thông tin về dịch bệnh, cơ quan Thú y các cấp đã tổ chức xác minh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm; đồng thời báo cáo Ban chỉ đạo huyện xử lý theo hướng: Đối với heo bệnh nặng, không có khả năng phục hồi bắt buộc phải tiêu hủy; những heo mới phát hiện bệnh tiến hành cách ly, số heo khoẻ còn lại thường xuyên theo dõi, tăng cường sức đề kháng; cơ quan Thú y phát thuốc tiêu độc chuồng trại cho dân để phun thuốc 2 lần/ngày đối với hộ có heo bệnh và 1lần/ngày đối với các hộ chăn nuôi chung quanh. Ngoài ra, Ban chỉ đạo tỉnh về dịch bệnh cây trồng và vật nuôi cho rằng: Nếu phát hiện heo bệnh tai xanh ở các lò giết mổ tập trung phải luộc trước khi đưa ra thị trường; đối với heo sống trên đường không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật thì xử phạt hành chính và trả về nơi xuất phát. Nếu có bệnh tai xanh và bệnh truyền nhiễm khác buộc phải xử phạt hành chính, giết mổ tại cơ sở gần nhất và luộc chín trước khi đem tiêu thụ.
Về vấn đề phòng chống bệnh heo tai xanh trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Khang - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, hệ thống giám sát dịch bệnh chưa tốt, không phát hiện kịp thời. Ban chỉ đạo cấp huyện chưa có biện pháp xử lý triệt để khiến dịch bệnh heo tai xanh lây lan. “Trong thời gian tới, cơ quan Thú y cần kết hợp với các ngành chức năng có liên quan xử lý triệt để, không để bệnh phát tán”, ông Khang chỉ đạo.
Phạm Khánh (Theo Báo Kinh Tế Nông Thôn)