Vì sao rau sạch TP.HCM "chết yểu"?

16/07/2010

AGROINFO - Từng được xem là một trong những chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp TP.HCM từ năm 2002, đến nay sản xuất rau sạch ngày càng bộc lộ sự đuối sức; nhiều hợp tác xã (HTX) phải giải tán, các mô hình sản xuất rau sạch còn lại thì đang hoạt động cầm chừng, đối diện với thua lỗ...

Những khu ruộng trồng rau sạch ít ỏi ở xã Tân Phú Trung

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.HCM, nhu cầu tiêu thụ rau xanh của người dân khoảng 1.200 tấn/ngày. Trong đó, chỉ có 5-6 tấn rau là được sản xuất theo tiêu chuẩn rau sạch, chủ yếu cung cấp cho hệ thống các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn.

Sống dở, chết dở!

Rau sạch từng được xem là loại cây trồng trọng điểm với nhiều sự hỗ trợ từ các ban ngành và được phát động rầm rộ như một phong trào, nay cứ ngày một teo tóp lại. Nhiều HTX rau sạch hiện nay chỉ sản xuất cầm chừng hoặc giải thể do giá cả quá "bèo", không đủ tái đầu tư sản xuất. Điển hình như, HTX Ngã Ba Giồng, Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn) sản xuất từ 15-20 tấn/ngày nhưng lượng hàng có hợp đồng đưa vào các siêu thị chưa tới 1 tấn.

Khu vực ấp Đình, xã Tân Phú Trung và xã Nhuận Đức (H.Củ Chi) sản xuất 20-25 tấn rau/ngày, nhưng cũng chỉ giao hàng, có hợp đồng 2-3 tấn. HTX rau sạch Tân Phú Trung (H.Củ Chi) là mô hình trồng rau sạch trọng điểm của TP trong chủ trương phát triển rau sạch được lập ra cách nay 3 năm, nhưng đến nay chỉ lay lắt hoạt động, chờ ngày... giải tán.

Rau sạch dành cho ai?

Hiện rau sạch phần lớn được bán trong hệ thống siêu thị. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người nội trợ cho rằng rau sạch chủ yếu phục vụ cho những người có thu nhập tương đối cao trong xã hội. Một tiểu thương bán rau ở chợ Vườn Chuối (Q.3) lý giải: "Biết là rau sạch chất lượng tốt, an toàn nhưng giá cao gấp 4-5 lần rau thường thì thử hỏi dân mình mấy người đủ điều kiện ăn khi đa phần là dân nghèo. Thực tế cho thấy rau sạch chỉ trồng theo đơn đặt hàng của siêu thị, nhà hàng phục vụ khách nhiều tiền thôi".

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp (Sở NN-PTNT TP.HCM), cho hay từ 2005 đến 2010 có 6 HTX và 1 liên tổ trồng rau sạch được thành lập. Thế nhưng, đến nay đã có 1 HTX giải thể, 1 HTX hoạt động cầm chừng, các HTX còn lại chỉ hoạt động tương đối.

Nói về nguyên nhân giải thể của HTX rau sạch, ông Đinh Văn No, Chủ nhiệm HTX rau sạch tại H.Củ Chi, cho rằng rau sạch trồng ở TP.HCM gần như không có đầu ra, giá thành sản phẩm cao nên bán ở chợ không được, còn nếu bán bằng giá rau thường thì HTX bị lỗ nặng. Muốn đưa sản phẩm vào siêu thị cũng không được, vì không có nhà máy sơ chế, không có bao bì... Nếu muốn làm được việc này cần phải có vốn lớn. “Tôi từng đi “gõ cửa” vay nhiều nơi, nhiều quỹ hỗ trợ nhưng không vay được. Trong tình trạng đầu ra sản phẩm bế tắc, xã viên dần “bỏ của chạy lấy người”, các thành viên ban chủ nhiệm cũng không còn tin tưởng vào mô hình sản xuất rau sạch nên không chịu góp thêm vốn đầu tư, cuối cùng HTX đành giải thể sau khoảng 18 tháng hoạt động. Tính sơ tui lỗ hơn 100 triệu đồng”, ông No than thở.

Thực tế, giá thành cao là nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng xa lánh rau sạch. Theo các HTX, sở dĩ giá rau cao là do các khoản chi phí ngoài sản xuất (vận chuyển, bao bì, nhãn mác, phân phối...) mà rau thường không có, hoặc chi phí rất thấp.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Chủ nhiệm HXT rau an toàn Tân Phú Trung (H.Củ Chi), bức xúc: “Rau tại nơi sản xuất rẻ bèo nhưng chi phí trung gian đẩy giá lên quá cao, có khi hơn 100% giá gốc. Rau tôi bán cho siêu thị 5.000 đồng/kg, họ bán lên đến 10.000 đồng/kg - 12.000 đồng/kg. Chợ lẻ tôi bán 2.000 đồng/kg, họ bán lại 4.000 đồng - 5.000 đồng/kg".

Rau sạch chưa thể ra chợ

Rau "bẩn" vẫn tung hoành, người tiêu dùng cần có rau sạch để bảo vệ sức khỏe hơn bao giờ hết, trong khi các mô hình trồng rau sạch ở TP.HCM thì lại lâm cảnh “khó sống”. Vì sao lại có nghịch lý cung cầu như vậy? Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thỏ Việt - một trong những đơn vị sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi VN), cung cấp phân bón, giống và bao tiêu sản phẩm cho xã viên - cho biết HTX bắt đầu hoạt động từ năm 2008, nhưng năm đầu HTX đều lỗ và đến nay mới hòa vốn. "Khó khăn lớn nhất là đầu ra của sản phẩm. HTX có hơn 80 ha đất nhưng đưa vào sản xuất chỉ khoảng 10 ha. Nhân công có, cơ sở có sẵn, cái thiếu duy nhất là... đơn đặt hàng. Sản phẩm rau VietGAP của Thỏ Việt chủ yếu chỉ quanh quẩn các siêu thị với số lượng không lớn. Nhiều người hỏi tôi mua rau sạch ở đâu, tôi tìm cách đưa sản phẩm ra các chợ đầu mối, chợ lẻ để rau sạch dễ đến với người dân nhưng cũng gặp khó, vì giá sang sạp quá cao. Như tại chợ Bình Tây, chợ Bình Điền đều có giá khoảng 350 triệu đồng/sạp, làm sao HTX có đủ vốn đầu tư sạp. Vào siêu thị vừa bị chê đắt chê rẻ, chê xấu chê tốt, họ lại thu mua rất phập phù, chậm thanh toán tiền...", bà Ngọc than và cho rằng "nếu Nhà nước hỗ trợ sạp chợ lẻ trong thời gian đầu thì đầu ra sản phẩm rất khả quan”.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, phân tích một nguyên nhân khác: “Rau sạch sản xuất theo tiêu chuẩn về chợ rất ít, giá thành quá cao nên người dân không mua vì tâm lý rau là phải... rẻ. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ rau tại các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện... rất cao. Nếu tất cả các nơi này đều dùng rau sạch thì các HTX không đủ hàng để cung cấp, đầu ra rau sạch rất tốt. Nhưng thực tế họ dùng rau thị trường cho rẻ”.

Cần sự hỗ trợ

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các chợ, rau muống bình thường giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, trong khi đó rau muống sạch của HTX Thỏ Việt có giá từ 14.000 - 16.000 đồng/kg. Bà Ánh Ngọc giải thích rằng rau sạch trồng theo tiêu chuẩn VietGAP rất khắt khe, không được xịt thuốc trừ sâu, chỉ ngừa bệnh theo kiểu thủ công, bón phân vi sinh giá rất đắt, công đoạn sơ chế rất công phu, rau thu hoạch thấp, chỉ bằng 1/2 năng suất rau trồng bình thường, tỷ lệ hao hụt sản phẩm lớn vì phụ thuộc vào thời tiết... nên giá thành sản phẩm hơi cao. “Chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, hạ giá thành. Nếu có được sạp ở chợ lẻ, chúng tôi phân loại sản phẩm, loại 1 đưa vào siêu thị, loại 2 vào chợ đầu mối, chợ lẻ, loại 3 cung cấp cho bếp ăn công nghiệp, khu công nghiệp tùy loại mà giá thành cao thấp khác nhau. Để làm được điều này thì chúng tôi khát khao nguồn vốn nhất”, chị Ngọc tâm tư.

Về vấn đề này, bà Lê Hồng Hoanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, cho biết TP có các quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ hỗ trợ xã viên HTX nhưng vốn ít nên chỉ cho người dân, xã viên vay với số tiền nhỏ. “Nếu HTX muốn mở rộng kinh doanh, đầu tư phát triển HTX thì phải có tài sản thế chấp vay ngân hàng, TP sẽ hỗ trợ lãi suất. Nếu không có tài sản thế chấp ngân hàng thì chúng tôi đành chịu”, bà Hoanh nói.

Theo ông Phạm Thiết Hòa, TP hiện có 2.800 ha đất canh tác rau, trong đó có 95% diện tích có thể trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong thời gian tới, cần tập trung sản xuất rau VietGAP để thay thế rau thường hiện nay không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Muốn vậy, Nhà nước cần hỗ trợ các HTX sản xuất rau VietGAP về chính sách như hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thiết bị kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ về truyền thông, hỗ trợ về mặt bằng tại các chợ...”, ông Hòa đề xuất.


Phạm Khánh (Theo Báo Thanh Niên)

Tin khác