AGROINFO – 103 trong tổng số 111 doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài kinh doanh trà ở Lâm Đồng liên tục nhiều năm báo cáo kinh doanh thua lỗ. Dù lỗ, các DN này vẫn có tiền đề đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. "Đây là hiện tượng bất bình thường” - Cục trưởng Cục Thuế Lâm Đồng Trần Ngọc Hương phát biểu.
Lỗ giả...
Theo Cục Thuế Lâm Đồng, hiện các doanh nghiệp nước ngoài thuê đất để sản xuất và kinh doanh chè trên địa bàn Lâm Đồng chiếm đến 18.000ha trong tổng số 24.075ha chè toàn tỉnh (3/4 diện tích). Đặc biệt, trà xuất khẩu hằng năm của các doanh nghiệp này chiếm đến 90% trong tổng giá trị trà xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng. |
Mặc dù luôn báo cáo thua lỗ, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất và xuất khẩu trà ở Lâm Đồng vẫn không ngừng mở rộng quy mô diện tích chè |
Thế nhưng, trong rất nhiều năm qua, tỉnh Lâm Đồng không hề thu được đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào từ các đơn vị này; bởi lý do rất đơn giản là sản phẩm trà của các doanh nghiệp đó làm ra luôn được bán với giá thấp hơn nhiều so với giá thành và so với giá bán trong nước.Hơn thế, trong hai năm 2008 – 2009 và 4 tháng đầu năm 2010, ngành thuế Lâm Đồng còn phải hoàn thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với con số 519 tỉ đồng; trong đó, khoản hoàn thuế cho 39 doanh nghiệp Đài Loan chiếm đến 80%.
Qua khảo sát của Cục Thuế Lâm Đồng, giá xuất khẩu trà của các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh trà nói trên là khá... lạ lùng: Giá thu mua nguyên liệu đầu vào đến những 35.000 đồng/kg chè búp tươi; cứ 5kg chè búp tươi thì mới chế biến được 1kg trà ô long – tương đương 175.000 đồng, chưa kể tiền điện, nước, công lao động, phí quản lý...
Thế nhưng, các đơn vị này sẵn sàng bán ra nước ngoài với giá chỉ 4USD/kg trà ô long loại 1. Trong khi giá 1kg trà ô long loại 1 của các doanh nghiệp này đưa ra nước ngoài bán với giá chỉ 4USD, thì giá 1kg trà ô long cấp tương đương ở thị trường VN cùng thời điểm lại lên đến 1,2 triệu đồng, cao hơn gấp 18 lần.
Ví dụ, sản phẩm trà ô long của Cty Haiyih (100% vốn Đài Loan, trụ sở đóng tại Cầu Đất, Xuân Trường, Đà Lạt) có giá xuất khẩu chỉ bằng 13% so với giá bán trong nước cùng thời điểm; sản phẩm trà của Vina-suzuki (trụ sở tại huyện Di Linh) được bán ở nước ngoài chỉ bằng 61% giá trong nước; thậm chí ở nhiều doanh nghiệp khác, giá trà xuất khẩu chỉ bằng 42% so với giá thành sản phẩm.
... để lời thật
“Thua lỗ” là vậy, nhưng trong thực tế, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu trà trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn không ngừng đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm phương tiện, tiếp tục thuê đất của nông dân để trồng chè... Vậy, vốn từ đâu mà các doanh nghiệp này tiếp tục “trụ” được trên đất Lâm Đồng? Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp “thua lỗ” này luôn chứng minh được nguồn vốn để đảm bảo kinh doanh: Tăng vốn đầu tư từ các cuộc họp hội đồng thành viên, tăng vốn từ tiền hàng ứng trước của bên nhập khẩu, vay vốn nhập khẩu, tiền hàng từ phía nước ngoài ứng trước cho các thành viên của công ty ở VN...
Rồi nữa, không ít trường hợp chồng là giám đốc hiện kinh doanh tại VN và vợ là nhà đầu tư ở nước ngoài (hoặc ngược lại) “rót” vốn cho nhau để “kinh doanh”, nên cơ quan chức năng không thể tính lãi và cũng không thể xác định được thời gian trả; trong khi thực chất đây là mối quan hệ vốn vay (rót vốn) giữa công ty mẹ ở nước ngoài và công ty con ở VN. Và, hình thức thường gặp ở mối quan hệ này là công ty con ở VN “trả nợ” vốn vay cho công ty mẹ ở nước ngoài bằng sản phẩm (trà) với giá bán cực kỳ thấp, mà cơ quan thuế VN... không biết kiểm soát bằng cách nào.
Đây thực chất là hình thức chuyển giá và lách thuế của các doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh trà tại Lâm Đồng (VN), nhằm mục đích tăng lợi nhuận cho công ty mẹ ở nước ngoài. Ông Trần Ngọc Hương – Cục trưởng Cục Thuế Lâm Đồng – gọi đó là hiện tượng “chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua giá bán”, một hiện tượng rất đáng lo ngại hiện nay.
Như vậy, trong thực tế, sản phẩm trà Lâm Đồng xuất khẩu ra nước ngoài luôn mang lại lợi nhuận nhưng về hình thức, với giá bán luôn thấp hơn giá thành thì các doanh nghiệp nước ngoài ở Lâm Đồng có đủ cơ sở để báo cáo thua lỗ, còn các khoản lãi thật thì công ty mẹ ở nước ngoài được hưởng. Trước thực trạng “chuyển lợi nhuận ra nước ngoài” này, “Cục Thuế Lâm Đồng chúng tôi đã không ít lần tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp nước ngoài; và mới đây, đã có văn bản gửi Tổng cục Thuế đề nghị “tháo gỡ” những vướng mắc đó, nhưng kết quả là vẫn còn là... vướng mắc” – một lãnh đạo ngành thuế Lâm Đồng phát biểu.
Phạm Khánh (Theo Báo Lao Động)