Thanh niên nông thôn: Hai bàn tay trắng thì mơ ước gì?

28/07/2010

AGROINFO - Ước mơ, thanh niên nông thôn không bao giờ thiếu, nhưng những ước mơ ấy phần lớn bị ngắc ngoải và chết yểu. Vì sao?

"Chỉ có sức" 

Giáo sư Đào Thế Tuấn cho rằng, tài sản lớn nhất và duy nhất của thanh niên nông thôn chỉ là sức khỏe. Thiếu trình độ chuyên môn nên thất nghiệp là chuyện lẽ thường. Đó là sự bế tắc buộc phải an phận vì không biết làm gì.

Mang đánh giá của GS Tuấn nói với thanh niên nông thôn, người gật đầu thừa nhận nhưng cũng không ít tỏ ra chẳng hài lòng. Bí thư Đoàn xã Giao Hải (huyện Giao Thủy, Nam Định) Đoàn Thị Dậu thậm chí còn tỏ ra gay gắt: Nói thế không được, thanh niên mà không có ước mơ thì hỏi anh độ tuổi nào có nữa? 

Vậy họ đang mơ gì?

Nhiều lắm, mơ làm giàu từ nghề biển, mơ làm chủ các đầm nuôi trồng thủy sản… chỉ có điều hoàn cảnh khó khăn bó ước mơ của họ lại thôi.

 
             Nếu có tiền cũng chưa có cách nào lằm ăn

Dường như vẫn còn hơi bức xúc vì đánh giá hơi buồn về thanh niên nông thôn bây giờ nên Dậu dẫn tôi đi gần hết 11 xóm của Giao Hải. Gặp bất cứ thanh niên nào chị cũng gọi lại thẳng thắn: Đấy, bạn nói cho nhà báo xem thanh niên quê mình cần gì, mơ ước gì?

Mỗi người mỗi kiểu, nhưng chung quy lại câu trả lời của họ cũng chỉ loanh quanh chuyện cần vốn, mơ có các dự án đầu tư…Và thực trạng đó được đúc kết trong câu nói tỏ ra bất lực của thanh niên Giao Hải: “Không có tiền thì mơ gì cũng chịu anh à”.

Xã Giao Hải là vùng biển nên thanh niên lớn lên làm ngư dân gần như là chuyện đương nhiên. Nhưng trong câu chuyện của thanh niên của những chàng trai, cô gái vùng chài này có điều lạ là chẳng mấy ai mong muốn trở thành các chủ tàu ra khơi. Đơn giản bởi họ thấy đó là điều quá xa vời. Dọc con kênh dẫn ra bãi biển Giao Long thuyền thúng, thuyền con giằng lại với nhau thành từng tốp. Còn các chủ tầu mà Dậu gọi là “những thanh niên chịu khó bám biển” ở địa phương đang đánh trần chơi tá lả. Sao họ không ra khơi? Tất cả lần lượt trả lời tôi vẻ chán nản: “Ra cũng có được gì đâu. Toàn ăn xái của mấy tàu thuyền lớn thôi. Đã không được miếng gì còn tốn thêm dầu thì nhà cho khỏe xác”.

Nổ máy lái thuyền ra khỏi kênh nước rồi lại quay vào, Đoàn Văn Hiển (25 tuổi) quyết định cho thuyền tiếp tục được nghỉ ngơi. Trong tất cả những thanh niên ở xóm chài này tôi ấn tượng với Hiển nhất. Có lẽ là vì câu chuyện mà Hiển tâm sự dù khá bi đát nhưng luôn có thừa khát khao. Cho dù cả cậu, cả tôi đều thấy đó là điều viển vông.

Nhà đông anh em, không có điều kiện học cao nên khi hết cấp III Hiển chính thức tiếp quản con thuyền đánh cá 12 mã lực từ bố mình với sứ mệnh lo toan cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên thời của Hiển không còn là thời của con thuyền lạch bạch đánh bắt mấy con tôm con sứa loanh quanh cửa lạch nữa. Nhìn nhận được điều đó, Hiển bàn với bố cắm sổ đỏ ngân hàng vay 70 triệu đồng mua một chiếc thuyền lớn hơn. Con đường ấy nhanh chóng trở thành cứu cánh của thanh niên Giao Hải. Lần lượt nhà này, nhà khác mua thuyền để hi vọng rằng con mình đến tuổi thành ngư dân có thể bám trụ được với biển mà không phải rời làng. Tuy nhiên cũng rất nhanh chóng, niềm hi vọng ấy trở thành gánh nợ bởi so với biển những “chiếc thuyền sổ đỏ” mà họ đã cố bằng cả gia tài ấy chẳng thấm tháp vào đâu. “Vắt kiệt sức lực mua được chiếc thuyền mới cứ tưởng đã là oách lắm rồi, nhưng càng ra khơi xa mới biết thuyền nhà mình cũng chỉ hạng tép riu. Ông không ra ông, thằng chẳng ra thằng, năng suất có cải thiện chút ít nhưng không đáng kể. Hầu như tôm cá đều chui vào thuyền to máy lớn cả. Lọt con nào mới đến lượt mình”, Hiển phân bua. 

Một liều ba bảy cũng liều, dừng đi biển đồng nghĩa với món nợ khổng lồ và chiếc sổ đỏ gia đình không bao giờ lấy về nổi. Những thanh niên cùng cảnh ngộ với Hiển lên ngân hàng xin vay thêm vốn thì họ thông báo rằng, số tiền vay đã “kịch kim”. Kể đến đây Hiển có phần cay cú rồi quay sang đám bạn đang đánh tá lả xằng giọng: “Mấy cái ngân hàng keo kiệt quá. Nếu ông mà có tiền, ông sắm con tàu lớn, đánh bắt cho nó sướng. Chứ cứ đà này thì chỉ có nước bỏ làng mà đi thôi. Kiểu gì cũng phải sắm tàu lớn. Có thuyền to máy lớn rồi thì cá tôm sẽ vào tay ông hết”. 

Nhưng dường như đó chỉ là câu nói cho sướng miệng, bởi khi tôi hỏi bây giờ định kiếm tiền đâu để sắm tàu thì Hiển tiếp tục nhìn bạn rồi lắc đầu. Cả nhóm hàng chục thanh niên trai tráng hàng ngày đánh tá lả giết thời gian vì ngoài nghề biển ra họ cũng chẳng biết làm gì.

"Vốn quả ổi", chết là hết 

Ngồi nghe hết câu chuyện của Hiển và đám bạn, Dậu nhìn tôi tỏ ý rằng “thanh niên vùng này chỉ thiếu vốn chứ không thiếu ước mơ”. Dậu tiếp tục dẫn tôi đi gặp những thanh niên thâm niên hơn trong nghề biển và những câu chuyện mà mỗi lần kể đến là những tiếng thở dài: “Phải chi có vốn”. Với những người này thì cô Bí thư Đoàn xã không còn hùng hổ hỏi mơ gì, cần gì mà chỉ đơn giản muốn tìm hiểu xem nguyện vọng của họ sau không ít lần thất bại. Thực tế tiền cũng không phải là vấn đề duy nhất.

Dù đói nghèo đã phơi ra từ những đội thuyền cọc cạch hết thời, nhưng bằng cách này hay cách khác họ vẫn xoay được tiền để tiếp tục bám biển. Họ sợ số nợ ngân hàng dai dẳng năm này qua năm khác nhưng vẫn bất lực vì trong suy nghĩ thì đã hết cách. Những năm trước, thanh niên Giao Hải không đi biển thì mơ đi xuất khẩu lao động. Họ nghĩ đơn giản rằng, xuất ngoại vừa oai vừa lắm tiền. Chỉ đến khi mấy thanh niên xã bên trở về mang theo món nợ lúc đi không thể trả thì họ mới an phận bám biển.

Chẳng lẽ hết cách? Đoàn Trình, một thanh niên khá nhiều kinh nghiệm đi biển trả lời thắc mắc của tôi bằng giọng chán nản: “Còn. Nhưng nếu xác định sống chết với biển thì phải thật nhiều vốn. Nghề đi biển cũng như đánh bạc vậy, “vốn quả ổi” thì chết là hết luôn. Một lần thất bại không cách gì gượng dậy nổi”.  

Tất cả những thanh niên tôi gặp ở những vùng quê như Giao Hải đều khẳng định không có vốn. Nhưng ước mơ ấy không biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực.  

Trái ngược với những suy nghĩ có phần viển vông của Hiển, Trình thực tế hơn nhiều bởi chính anh thấu hiểu cảm giác ít vốn từ thất bại của mình. Cũng phải vay mượn ngân hàng mua thuyền, Trình đến với "nghề gia truyền" khi đã phiêu bạt từ Bắc chí Nam làm đủ thứ nghề. Ban đầu cậu cũng nghĩ vay được tiền đầu tư tất sẽ thành công. Nhưng rồi, thuyền nhỏ máy bé, cá tôm đánh được không đủ tiền trả lãi ngân hàng. Giấc mơ nhanh chóng vụt tắt. Mấy ông bạn cùng mua thuyền đợt ấy đều bỏ làng đi làm ăn nơi đâu không biết, để lại món nợ ngân hàng cho gia đình mà khả năng không bao giờ trả nổi. “Đã là dân vạn chài thì ai lớn lên chẳng muốn kế tục làm ngư dân như cha ông mình. Nhưng bây giờ bám biển số tiền đầu tư lên đến hàng trăm triệu rồi mà vẫn thất bại thì hỏi anh còn cách nào không. Người ta đi biển về lưới rách là có tiền mua lưới mới ngay. Còn mình không có tiền đành vá trái vá phải, đánh cho đến khi nào toang hoác mới vứt thì làm sao sống được với nghề”. Người đi nhiều biết nhiều như Trình cũng chẳng mưu nổi cách nào để thay đổi thì còn ai. Thành thử ở làng, có rất nhiều trường hợp bỏ làng đi vì hết cách làm ăn mà vì nợ nần đổ bể.

Không bám biển thì làm nghề khác. Thanh niên ở Giao Hải không phải chưa nghĩ đến điều này nhưng đụng đến nghề nào cũng quá xa lạ. Nuôi tôm sợ tôm chết, chăn nuôi lợn gà lại sợ dịch bệnh… bởi đơn giản họ bị thất bại ám ảnh. Trong khi để tìm một mô hình khá khẩm cho họ noi theo thì chỉ có trong tương lai.

Ai cũng bảo rằng có vốn sẽ giàu. Nhưng hỏi họ đã hoạch định cách làm ăn chưa thì phần đa đều chịu. “Không có vốn thì nghĩ làm gì cho mệt”.

Đi hết các xóm với tôi, nét mặt cô Bí thư Đoàn dần thay đổi. Dù đã cố chứng minh này nọ nhưng cuối cùng Dậu vẫn thừa nhận đánh giá của GS Đào Thế Tuấn không phải không có lý.


Phạm Khánh (Theo Báo NNVN - Còn nữa)

Tin khác