Xương sống của "Tam nông": Nhân rộng mô hình nông thôn mới ra cả nước

28/07/2010

AGROINFO - Ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 800/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Đây là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng.

Mục tiêu của Chương trình này là xây dựng nông thôn mới (NTM) có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; xây dựng NTM theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, đến năm 2011 cơ bản phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn cả nước làm cơ sở đầu tư xây dựng NTM, làm cơ sở để thực hiện mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020. Năm 2009, Ban chấp hành Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM, trong thời gian 2 năm 2009 - 2011, tại 11 xã điểm thuộc loại trung bình và hầu hết thuộc vùng sâu vùng xa.

 
Cần huy động các nguồn lực lồng ghép với các nguồn vốn để xây dựng nông thôn trong thời kỳ mới (ảnh minh họa - nguồn Internet_

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương, chương trình xây dựng NTM trong 6 tháng đầu năm 2010, công tác triển khai quy hoạch NTM ở các xã điểm, nhất là đầu tư xây dựng cơ bản, đều đảm bảo đúng kế hoạch được duyệt. Một nội dung được các xã quan tâm và triển khai thực hiện nhiều nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng. Hầu hết các xã đã huy động các nguồn lực và lồng ghép các nguồn vốn, để triển khai thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về cải thiện điều kiện sản xuất, văn hóa và sinh hoạt cho người dân trong xã, tạo niềm tin và không khí phấn khởi làm động lực cho người dân tham gia xây dựng NTM. Trong số hơn 200 hạng mục công trình cơ sở hạ tầng đã được triển khai trên địa bàn 11 xã, đã có 96 công trình hoàn thành, chủ yếu là đường giao thông thôn, xóm, trường học, nhà văn hóa; bình quân mỗi xã có 5-7 hạng mục được đưa vào hoạt động.

 

Vấn đề khó nhất và mang tính quyết định đến xây dựng NTM là phát triển sản xuất

và tổ chức sản xuất, được Ban chỉ đạo Trung ương đặc biệt quan tâm đôn đốc, Bộ NN-PTNT và Ban chỉ đạo các tỉnh đầu tư nhiều công sức và sáng kiến. Tất cả 11 xã điểm đều có ít nhất 2-3 dự án, điểm trình diễn về sản xuất nông nghiệp, cùng lúc tổ chức các HTX làm đầu mối đưa nhanh tiến bộ KH-KT vào sản xuất, hợp tác với doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Bước đầu các xã quan tâm đến đào tạo nghề cho nông dân gắn với phát triển cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, để chuyển dịch cơ cấu lao động. Có thể kể đến Tân Thịnh sản xuất mì sợi, đá xẻ; Gia Phố sản xuất muối iốt, bún; Tân Hội (Lâm Đồng) thành lập 14 tổ hợp tác trồng hoa lan, nuôi cá cảnh; Thụy Hương (Hà Nội) có 5 chương trình hoa, rau, quả, chăn nuôi, cơ giới hóa nông nghiệp; Định Hòa (Kiên Giang) có mô hình ruộng "4 tốt"; Thanh Chăn (Điện Biên) phát triển HTX thủy sản; Tam Phước (Quảng Nam) lập tổ dịch vụ làm đất, tổ thu gom rác, đội xây dựng nông thôn v.v. Nhìn chung, giá trị trên đơn vị diện tích và thu nhập của nông dân đều tăng. Đến nay đã có 9/11 xã điểm được duyệt kinh phí xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao xã, 84 trong tổng số 123 thôn đã có nhà văn hóa thôn, 31/123 thôn có sân thể thao; một số xã như Hải Đường, Gia Phố, Tân Thông Hội xử lý tốt rác thải, nước thải, xây dựng nghĩa trang, trồng cây xanh. Đến tháng 6/2010, lũy kế vốn thực hiện đạt 498,7 tỉ đồng (tăng 82% so với năm 2009), trong đó vốn ngân sách Trung ương và địa phương, vốn lồng ghép các chương trình mục tiêu chiếm 66%, vốn dân đóng góp 22%, còn lại 12% là vốn doanh nghiệp...

 

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong hướng dẫn các qui hoạch còn hạn chế, chậm chạp, có khi chưa sát với quy hoạch vùng và huyện. Một số tỉnh như Quảng Nam, Lâm Đồng cho rằng ch t lượng quy hoạch chưa tốt và các viện quy hoạch của các bộ không thể đủ sức làm rộng ra các xã. Vì vậy, đề nghị giao cho UBND tỉnh quyết định quy hoạch, vừa nhanh chóng, vừa đảm bảo chất lượng, không nhất thiết phải dựa vào các viện Trung ương. Tiến độ thực hiện một số dự án hạ tầng còn chậm so với kế hoạch, một số công trình chưa đảm bảo tiêu chuẩn, nhiều dự án, công trình vẫn không huy động nhiều lao động địa phương, không do nhân dân tổ chức thực hiện. Đây là căn bệnh đã có từ những ngày đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 135, đã bị Quốc hội và xã hội phê phán gay gắt, nay không thể để lặp lại tại 11 xã thí điểm.

 

Tiến độ thực hiện Chương trình thí điểm còn chậm, còn có nguyên nhân là các cấp ủy Đảng và chính quyền, các tổ chức đoàn thể chưa thật sự quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, chưa có biện pháp tổ chức để người dân và cộng đồng tham gia ngay từ

khâu lập đề án, qui hoạch và triển khai thực hiện các nội dung của đề án. Mặt khác, không có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành đối với địa phương có 11 xã điểm. Ví dụ, nông thôn hiện đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề. Việc này không thể phó mặc cho một mình Bộ Y tế, mà phải có sự kết hợp hành động cụ thể của các Bộ: NN - PTNT, Công Thương, Tài nguyên - Môi trường, Công an, Khoa học - Công nghệ... Thiết nghĩ, đã đến lúc cần qui về một đầu mối chỉ đạo và điều hành việc thực hiện Chương trình thí điểm, để tiến tới thực hiện Quyết định 800/QĐ-TTg bởi thực chất đây là xương sống của "Tam nông".


Phạm Khánh (Theo Thời Báo Tài Chính VN số 89)

Tin khác