Dạy nghề cho nông dân ở vùng cao: Khó đủ đường

04/08/2010

AGROINFO - "Dạy nghề cho nông dân đã khó, dạy nghề cho nông dân ở vùng cao lại càng khó khăn hơn", ông Phạm Văn Thuân, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh Lào cai chia sẻ.

Khó khăn chung

Ông Ngô Đức Hoàng, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: "Hiện toàn tỉnh có 17 trung tâm dạy nghề, trong đó có 2 trường trung cấp nghề. Tuy nhiên, do kinh phí hạn chế nên số trường được trang bị các thiết bị phục vụ cho học và thực hành của học viên chỉ đếm được trên đầu ngón tay".

Do thiếu các trang - thiết bị phục vụ giảng dạy cho nông dân, nên ở nhiều trung tâm chỉ có thể đào tạo một số nghề như: dệt mành cọ, thêu thổ cẩm, xây dựng... những nghề không đòi hỏi nhiều chi phí để thực hành. Tuy nhiên, ngay cả những dụng cụ ít ỏi phục vụ cho những nghề đơn giản đó cũng đang xuống cấp.

Bà Chảo Sử Mẩy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thổ cẩm truyền thống xã Tả Phìn (Sa Pa) cho biết: "Hiện trụ sở của Câu lạc bộ phải kiêm luôn nhiệm vụ làm lớp học và xưởng thực hành cho học viên. Tuy nhiên, do căn nhà đã sử dụng từ mấy chục năm rồi nên không an toàn".

 
Bất đồng ngôn ngữ là một khó khăn trong công tác dạy nghề cho người dân vùng cao (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Khổ nhất chuyện ngôn ngữ bất đồng

Dạy nghề cho nông dân miền xuôi đã khó khăn, dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi còn khó khăn gấp nhiều lần. Ngoài những khó khăn chung như: kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu, kinh phí mở lớp còn hạn chế... đào tạo nghề cho nông dân miền núi còn gặp phải bất đồng ngôn ngữ giữa giáo viên giảng dạy và đồng bào dân tộc theo học các lớp đào tạo nghề.

Chảo Mẩy Piết, 17 tuổi (dân tộc Dao) cho biết: "Em học đến lớp 3 là nghỉ theo mẹ đi bán thổ cẩm cho khách nước ngoài, lâu ngày quên mất tiếng phổ thông. Giờ đi học nghề, các thầy giáo nói em nghe câu được, câu không nên cũng ngại học".

Ông Phạm Văn Thuân, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội Nông dân tỉnh cho biết: "Lào Cai là nơi sinh sống của 25 dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 64%, ở nhiều nơi đồng bào dân tộc không biết chữ. Muốn dạy nghề cho họ phải thông qua người thứ 3. Điều này khiến chất lượng dạy và học bị hạn chế nhiều".

Lớp thêu thổ cẩm truyền thống xã Tả Phìn là một trường hợp cụ thể. Cả lớp có gần  30 học viên, nhưng số người biết nói tiếng phổ thông chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bà Chảo Sử Mầy bùi ngùi: "Các học viên ở đây nghèo lắm, bố mẹ các em không muốn cho đi học mà muốn chúng chạy theo khách du lịch để bán hàng. Như cái Piết, Khé ấy... vừa học, vừa đi bán hàng cho khách du lịch".

Ông Thuân cho biết thêm, hiện tại, trung tâm đang cố gắng xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên là thợ giỏi, nông dân sản xuất giỏi biết tiếng dân tộc. Tuy nhiên, điều này hết sức khó khăn và không thể giải quyết một sớm một chiều.

Phạm Khánh (Theo báo Dân Việt)

Tin khác