Tìm giống lúa mới thích nghi với biến đổi khí hậu

04/08/2010

AGROINFO - Biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, vùng ĐBSCL sẽ là một trong ba đồng bằng chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trong khi đây là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, trong đó đất lúa tạo nguồn lương thực chủ yếu và chiếm hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tìm giống lúa thích nghi với BĐKH rất cấp thiết và đang được các nhà khoa học tập trung nghiên cứu.

Theo các nhà khoa học nghiên cứu chọn tạo giống lúa ở Viện Lúa ĐBSCL, Viện đã thực hiện chọn tạo giống lúa chịu mặn khá lâu. Tuy nhiên, phần lớn các thử nghiệm giống chịu mặn đều thực hiện trong dung dịch nước muối ở phòng thí nghiệm, nên chưa kiểm chứng đầy đủ khả năng chịu sức nóng mặt trời, môi trường đất, phèn và độ mặn tăng lũy tiến sau mỗi lần cho nước lợ vào ruộng... của giống lúa này. Do vậy, khi đưa thí nghiệm thực tế tại địa phương có diện tích nhiễm mặn, nhiều nông dân vẫn chưa mặn mà. Mặt khác, những giống lúa có khả năng chống chịu mặn khá như OM1490, AS996, OM576 (Hầm Trâu), Tài nguyên đột biến, OM2395... nông dân đã phát hiện được khả năng chịu mặn từ kinh nghiệm sản xuất trên đồng ruộng; sau đó, cán bộ khoa học kiểm tra lại trong phòng thí nghiệm.

 
Tìm giống lúa mới có khả năng thích nghi với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay là rất cần thiết cho ĐBSCL - vựa lúa lớn nhất cả nước (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Tiến sĩ Phạm Trung Nghĩa, Trưởng bộ môn Công nghệ sinh học Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Theo chỉ đạo của Bộ NN & PTNT, trong giai đoạn 2009-2013, cả 2 vùng trọng điểm lúa của cả nước bắt tay vào thực hiện đề tài chọn tạo giống lúa chịu mặn. Hiện Viện Lúa ĐBSCL đang thực hiện đề tài nghiên cứu chọn tạo bộ giống chịu mặn trong 5 năm. Thời gian từ lai tạo - tuyển chọn, đến khi có được một số dòng lúa mới, thuần mất ít nhất là 6-7 vụ lúa và cần thêm 2-4 vụ lúa nữa để đánh giá về năng suất, khảo nghiệm đặc tính của giống. Thời gian chọn tạo giống tương đối dài”. Từ năm 2009 đến nay, Viện lúa đã tìm 30 dòng lúa có triển vọng chịu mặn là những dòng lúa kế thừa, được phát hiện chịu mặn qua nhiều lần thanh lọc trong phòng thí nghiệm và bể nhà lưới. Những dòng lúa triển vọng này đang được Viện phối hợp khảo nghiệm, đánh giá ở một số trung tâm giống tại các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu...

Bên cạnh việc nghiên cứu chọn tạo giống lúa chịu mặn, Viện Lúa ĐBSCL còn có những công trình nghiên cứu về các biện pháp kỹ thuật liên quan đến canh tác lúa như sử dụng phân bón giàu khoáng vi lượng-vitamin, chế phẩm sinh học... giúp cây lúa chịu đựng tốt hơn trong điều kiện bị nhiễm mặn. Ngoài tính chịu mặn ra, giống lúa mới cần phải có năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, kháng sâu bệnh, thích nghi với điều kiện tự nhiên để sớm đưa vào sản xuất.

Còn theo Tiến sĩ Võ Công Thành, Trưởng bộ môn Di truyền giống nông nghiệp - Khoa nông nghiệp & Sinh học ứng dụng Trường ĐH Cần Thơ, trong 2 năm 2008-2009, giống lúa BN được chọn tạo từ giống lúa IR 50404 đột biến cho thấy khả năng thích nghi trên vùng đất phèn, chịu hạn ở Đồng Tháp, Trà Vinh và ở Hậu Giang với diện tích được gieo trồng 400- 500ha. Giống BN chất lượng gạo mềm cơm, hàm lượng amylose trên 22%, tỷ lệ bạc bụng 5% (ngưỡng cho phép 15%); kháng rầy, đạo ôn, bệnh cháy lá, lúa von... Riêng giống Một bụi đỏ Hồng Dân, từ tháng 2-2009 bắt đầu thực hiện đến nay có được kết quả bước đầu với 100kg giống chuyển giao về huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) nhằm đáp ứng cho mô hình lúa-tôm, không sử dụng thuốc trừ sâu để sản xuất gạo sạch.

Hiện nay, một số giống lúa mới của Viện Lúa ĐBSCL xác định có khả năng kháng mặn ở mức từ 0,3-0,4%0 như OM6976, OM6677, OM5464, OM5629, OM5166,... đã và đang được khảo nghiệm ở một số tỉnh: Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre. Kết quả khảo nghiệm ban đầu ghi nhận khá khả quan, trong đó giống lúa OM5464 đang được đề nghị nhân rộng và trình Bộ NN&PTNT công nhận là giống lúa sản xuất thử trong năm 2010. Hai giống OM6976 và OM5166 đang được tiếp tục khảo nghiệm, xác định biện pháp kỹ thuật thích hợp để tăng tính chịu mặn và năng suất của giống. Hai giống lúa mới này dự kiến đăng ký công nhận trong năm 2011.


Phạm Khánh (Theo Báo Cần Thơ)

Tin khác