Các ngân hàng dồn vốn cho nông nghiệp, nông thôn

04/08/2010

AGROINFO - Ngoài Agribank được coi là hạt nhân, hiện có một số ngân hàng thương mại quy mô lớn như Vietinbank, BIDV, LienVietBank đang tích cực "dồn" vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn với tổng giá trị lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Dồn vốn, kéo lãi suất...

Vietinbank vừa công bố từ nay đến cuối năm sẽ dành từ 27.000-30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với nông nghiệp, nông thôn. Với chương trình này, khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi 12%/năm, so với lãi suất cho vay thông thường là 13,5%/năm.

Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, đối tượng cho vay với khu vực nông thôn được mở rộng. Theo đó, không chỉ có cá thể, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến, cung ứng dịch vụ nông nghiệp được vay ưu đãi mà doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực phi nông nghiệp nhưng có cơ sở sản xuất hoạt động trên địa bàn nông thôn… cũng được vay. Điều này có nghĩa, đối tượng liên quan đến nông nghiệp, nông thôn đều được vay vốn ưu đãi tại Vietinbank.

Mức cho vay không cần thế chấp dành cho khu vực này lên đến 200 triệu đồng. “Nếu dự án được các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức cho thấy tính khả thi và hiệu quả cao thì mức vay không cần thể thế chấp hoàn toàn có thể vượt con số trên,” ông Hùng nhấn mạnh.

Chỉ trong một thời gian ngắn triển khai, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực này của Vietinbank đã đạt tới 27.000 tỷ đồng và nhiều khả năng từ nay đến cuối năm, Vietinbank cũng sẽ giải ngân được thêm 20-30 nghìn tỷ đồng phục vụ cho vay nhóm này...

Không thuộc hàng "đại gia" như Vietinbank và chỉ khiêm tốn với tổng vốn tín dụng dự kiến từ 3.000-5.000 tỷ đồng, song LienVietBank lại là Ngân hàng thương mại thuộc nhóm cổ phần sớm nhất tham gia chương trình tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Nguồn vốn này sẽ được ngân hàng cho vay phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2010-2013; riêng năm 2010 sẽ cho vay khoảng 1.200 tỷ đồng thí điểm ở Hậu Giang, Cần Thơ và An Giang.

Cả Vietinbank và LienVietBank đều khẳng định rằng, việc các ngân hàng này ưu đãi tín dụng đến người nông dân sẽ kéo lãi suất vùng nông thôn xuống thấp, khắc phục tình trạng cho vay nặng lãi và bán lúa non ở nông thôn.

 
Các ngân hàng đang đẩy mạnh vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Vẫn ngại rủi ro

Sau 10 năm thực hiện Quyết định 67 của Chính phủ, tổng dư nợ tín dụng cho khu vực nông thôn của ngành ngân hàng đã tăng 9 lần đạt gần 293.000 tỷ đồng, trong đó riêng Agribank đã chiếm 70% tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống.

Tuy nhiên, ông Kiều Trọng Tuyến, Phó Tổng giám đốc Agribank vẫn phải thừa nhận, nhu cầu vốn của nền kinh tế và khu vực nông nghiệp vẫn lớn hơn nhiều khả năng đáp ứng của ngân hàng.

Vì thế, ông Tuyến kiến nghị “cho phép Agribank được giữ lại 2% vốn không kỳ hạn phục vụ cho vay, thay vì chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội như quy định có thể giảm bớt một phần khó khăn về vốn.”

Bên cạnh áp lực về vốn, ngân hàng cũng gặp phải nhiều rủi ro đối với những khoản vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

"Từ trước đến nay, nhiều ngân hàng thương mại e ngại cấp tín dụng cho khu vực nông thôn bởi chi phí lớn mà rủi ro lại cao hơn những khu vực khác," ông Phạm Huy Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho hay, ngân hàng xác định không mong chờ mức lợi nhuận lớn từ khu vực này. “Có đối tượng phải chấp nhận cho vay với lợi nhuận thấp hoặc hòa vốn, thậm chí là lỗ. Mục tiêu lâu dài đối với khu vực này là thúc đấy kinh tế nông thôn phát triển,” ông Hùng nói.

Lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, cho vay là có rủi ro, nhưng riêng với lĩnh vực nông nghiệp chịu nhiều rủi ro hơn bởi các yếu tố thiên tai, bão lụt. Chính vì vậy mà đến nay vẫn chưa có bất kỳ công ty bảo hiểm nào đứng ra bảo hiểm cho các khoản vay đối với lĩnh vực này.

Theo thống kê của Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính), hiện tỷ trọng tham gia bảo hiểm của nông dân rất thấp, chỉ chiếm chưa tới 1% tổng diện tích cây trồng, vật nuôi. Chính vì vậy, đã có một số doanh nghiệp tham gia lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp nhưng đều thất bại, trong đó có Bảo Việt và Groupama Việt Nam và đến nay chưa có thêm một hãng bảo hiểm nào "dấn thân" vào thị trường bảo hiểm nông nghiệp...

Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng, nông nghiệp-nông thôn là lĩnh vực sản xuất chịu nhiều rủi ro về thiên tai, thời tiết song việc tăng mạnh tín dụng vào lĩnh vực này không đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ rủi ro cũng như tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng.

"Rủi ro trong tín dụng phụ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan nên nếu tạo được môi trường kinh doanh tốt, ý thức khách hàng tích cực và phương thức quản lý của ngân hàng hiệu quả sẽ hạn chế được tối đa tỷ lệ rủi ro này," Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Tĩnh - ông Vũ Văn Chân nói./.


Phạm Khánh (Theo Báo Kinh Tế Hợp Tác)

Tin khác