Khó "dụ" nông dân đến lớp học nghề

04/08/2010

AGROINFO - Có một nghịch lý là nông dân có nhu cầu học nghề nhưng khi vận động họ đến lớp lại không đơn giản. Phần lớn các lớp đào tạo nghề mở tại chỗ (trụ sở ấp, nhà dân) nên thiếu thốn thốn đủ thứ, gây khó khăn cho cả thầy lẫn trò.

 
Được học nghề sẽ là cơ hội để người nông dân làm tăng thu nhập kinh tế cho gia đình và góp phần phát triển nông thôn (Ảnh minh họa - nguồn Internet)

Chúng tôi tìm gặp thầy Lưu Bá Hòa, giảng viên Trường Trung cấp nghề Kiên Giang khi thầy đang dạy lớp kỹ thuật trồng trọt cho nông dân ở ấp Hòa Thạnh, xã Minh Hòa (Châu Thành). Trong căn phòng 15m2 (trụ sở ấp), khoảng 30 học viên của lớp ngồi chật cứng, người nọ chen vai thích cánh người kia. Phần đông học viên đã cao tuổi, còn lại vài ba em chỉ hơn chục tuổi. Thầy Hòa cho biết: “Nhiều lớp mở tại nhà dân, không có ghế ngồi cũng chẳng có bảng để viết. Khổ nhất là những lớp mở ở vùng sâu, vùng xa, trời mưa xe cộ không thể đi lại được. Dạy xong, giáo viên xin ở lại luôn nhà dân, đến khi hết khóa mới về”.

Bà Lê Thị Hồng Gấm, cán bộ phụ trách LĐ-TB&XH xã Minh Hòa cho biết, học tại ấp tuy khó khăn về cơ sở vật chất nhưng thuận tiên cho học viên đi lại, họ lớn tuổi nên ngại đi xa. Hơn nữa phải tranh thủ việc nhà, đồng áng nữa. Nếu mở lớp tại trường, phải đi lại mấy chục cây số chắc chẳng ai thèm đăng ký học. Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có 28 cơ sở hoạt động dạy nghề, gồm cả công lập và ngoài công lập. Các cơ sở này phân bố đều khắp ở các huyện, thị trong tỉnh. Tuy nhiên, rất khó vận động nông dân đến đây học tập trung dài hạn. Trong tổng số khoảng 320 lớp dạy nghề cho nông dân mà Kiên Giang triển khai cho nông dân (chủ yếu là sơ cấp nghề) trong năm nay thì phần lớn triển khai tại chỗ. Việc kéo nông dân đến trường học là không khả thi. Vì vậy, chọn phương án mở lớp tại chỗ mới hoàn thành chỉ tiêu.

Chính vì tâm lý ngại đến lớp mà tỷ lệ lao lao động qua đào tạo nghề, nhất là LĐNT ở ĐBSCL hiện rất thấp. Năm 2009, tỷ lệ này mới chỉ đạt 20,58%, trong khi bình quân cả nước là 25%. Và có sự chênh lệch lớn giữa các tỉnh Cần Thơ, Long An với tỷ lệ đạt từ 24% đến 35,2%, trong khi Bến Tre và Hậu Giang, Kiên Giang…chỉ đạt từ 11,4% đến 15,4%.

Nông dân An Giang vốn có tiếng là chịu học hỏi và áp dụng tiến bộ vào SX nhưng tỉnh này cũng gặp khó khi kéo nông dân đến trường. Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh từng có chủ trương đưa nông dân ra lớp đào tạo, hỗ trợ cho tiền ăn thế nhưng cũng mấy người chịu chịu đi. Nhưng dạy theo kiểu khuyến nông tại ruộng thì nhiều người lại hăng hái.

Thạc sĩ Lê Thái Dương - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và nông nghiệp Nam Bộ (thuộc Bộ NN-PTNT) đóng tại TP Cần Thơ cho biết, đối với dạy nghề ngắn hạn thường là phải về vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa mở lớp mới thu hút được học viên, chi phí thuê giảng viên xuống dạy tăng cao, cộng thêm dụng cụ giản dạy cồng kềnh, khó có thể vận chuyển xa. Còn các lớp chính quy dài hạn cũng gặp không ít khó khăn. Chính vì lẽ đó trường luôn đối mặt với tình trạng học viên không thể đóng học phí cho trường. Có khi học viên học xong không đủ tiền học phí đành bỏ bằng quay về quê đợi khi nào có tiền quay lên đóng đủ học phí mới được nhận bằng ra.

Một khó khăn lớn nữa mà khi đào tạo nghề cho LĐNT các trường thường gặp phải là nông dân trình độ thấp và không đồng đều. Nên khi gom chung vào một lớp rất khó cho giáo viên giảng dạy. Đó là chưa kể người thích trồng cây này, người muốn trồng thứ khác, người muốn học chuyên sâu về kỹ thuật bón phân, người lại muốn học về phòng trừ bệnh cây trồng…đều được ghép chung vào một lớp. Trình độ, sở thích đã "năm cha ba mẹ" thì thật khó để có sản phẩm "ra lò" đạt chất lượng cao.


Phạm Khánh (Theo Báo NNVN)

Tin khác