Lào Cai: Cải tạo hủ tục trên vùng cao huyện Bát Xát

09/08/2010

AGROINFO - Bên cạnh những nét văn hoá đặc sắc, các dân tộc thiểu số vùng cao Bát Xát vẫn tồn tại một số hủ tục, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bao đời nay, một số hủ tục: cưới tảo hôn, lấy vợ, lấy chồng cùng hoặc cận huyết thống, nghiện ma tuý… đeo bám cuộc sống của người dân.

Trước thực trạng đó, Bát Xát đã thực hiện Dự án 01, Đề án 16 của UBND tỉnh Lào Cai về "Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hoá giai đoạn 2006 - 2010" mà trọng tâm là vận động nhân dân các dân tộc vùng cao cải tạo tập tục lạc hậu. Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể và nòng cốt là Mặt trận TQVN, sau 3 năm thực hiện dự án đã làm thay đổi rất lớn về nhận thức của đồng bào trong việc cải tạo hủ tục và xây dựng đời sống văn hoá mới.

 
     Bản định cư ở xã A Lù - huyện Bát Xát - tỉnh Lào Cai                     

Ủy ban MTTQ huyện Bát Xát đã triển khai đến các xã, thị trấn, đồng thời phối hợp với các tổ chức thành viên, ban dân vận, phòng tư pháp, phòng văn hoá mở các hội nghị "cải tạo phong tục tập quán lạc hậu trong đám ma"; "chống cưới tảo hôn, lấy vợ, lấy chồng cùng hoặc cận huyết thống"; "chống thả rông gia súc" ở các xã được coi là nhiều tập quán lạc hậu như: Sảng Ma Sáo, Dền Thàng, Trung Lèng Hồ, Tòng Sành, A Mú Sung, Nậm Chạc, Trịnh Tường, A Lù, Ngải Thầu, Ý Tý. Đặc biệt, địa phương đã tổ chức hội nghị gặp mặt những người hành nghề tín ngưỡng, mời thầy mo, thầy cúng hành nghề lâu năm về dự. Tại hội nghị này, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN huyện đã thống nhất nội dung Nghị quyết "5 không và 5 tích cực". Đó là: Không cưới tảo hôn, lấy vợ, lấy chồng cùng hoặc cận huyết thống; không thách cưới cao, ăn uống nhiều bữa, dài ngày; không để người chết trong nhà quá 48 giờ và phải cho người chết vào quan tài; không bói toán, cúng ma khi có người ốm; không cấm bang, kiêng kỵ những ngày: Gió, sấm sét, con hổ… và không thả rông gia súc. Tích cực lao động phát triển kinh tế; tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước, các quy định của địa phương; tích cực giúp đỡ gia đình khó khăn hoạn nạn, người già, trẻ em cô đơn không nơi nương tựa; tích cực học tập để nâng cao trình độ mọi mặt, không để con cháu thất học; tích cực tham gia cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", thực hiện tốt việc cải tạo hủ tục trong đám cưới, đám tang và lễ hội; tích cực làm công tác từ thiện nhân đạo và công tác hoà giải ở cơ sở.

Sau một năm triển khai, các hội nghị cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu tại các xã đã được tổ chức sơ kết để đánh giá. Từ những bài học kinh nghiệm rút ra qua các hội nghị, Mặt trận TQVN huyện đã bổ sung nội dung, hình thức và biện pháp tuyên truyền, vận động cho phù hợp với từng vùng, từng dân tộc.

Với phương châm "gần dân, sát cơ sở"; "lấy người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc để tuyên truyền, vận động", cuộc vận động đã đạt được kết quả cao. Đặc biệt là trong Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", Mặt trận TQVN huyện đã chỉ đạo Mặt trận TQVN các xã, thị trấn tổ chức hàng nghìn buổi họp dân. Các thôn, bản, khu dân cư đã xây dựng được hương ước, quy ước thực hiện nếp sống văn hoá. Trong suốt quá trình tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo các tập quán lạc hậu, cán bộ mặt trận rất kiên trì để người dân hiểu đúng quan điểm chỉ đạo của huyện và đồng tình ủng hộ. Các tổ chức quần chúng và các ngành hữu quan tại địa phương cũng đến tận các thôn, bản, các lều lán của dân để vận động triệt phá cây thuốc phiện; vận động hàng trăm đối tượng đi cai nghiện tại trung tâm của tỉnh, huyện. Khi người cai được nghiện trở về tái hoà nhập cộng đồng, địa phương tạo điều kiện thuận lợi để giúp họ có việc làm, tránh xa các tệ nạn xã hội.

"Mưa dầm thấm lâu", nhận thức của đồng bào trong việc cải tạo các tập tục lạc hậu dần chuyển biến. Do vậy, đến nay huyện Bát Xát không còn hiện tượng người dân trồng cây thuốc phiện, đồng bào dân tộc Mông không còn chia của cho người chết và 100% người chết đã được đưa vào quan tài mai táng đúng thời gian quy định. Tiêu biểu trong thực hiện phong trào này là xã Ngải Thầu, mỗi gia đình khi có người già, con cháu đã làm sẵn quan tài. Đám cưới đã được tổ chức gọn nhẹ, việc tảo hôn giảm đáng kể. Đặc biệt, không còn tình trạng lấy vợ, lấy chồng cùng hoặc cận huyết thống...

Từ đó, cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao Bát Xát ngày càng khởi sắc, từng bước đẩy lùi đói nghèo và lạc hậu.

Phạm Khánh (Theo Báo Lào Cai)

Tin khác