Thái Nguyên: Liên kết để duy trì và phát triển làng nghề

10/08/2010

AGROINFO - Việc duy trì và phát triển làng nghề hiện nay đang được xem là một yêu cầu tất yếu trong xây dựng nông thôn mới.

 
Liên kết sẽ là một giải pháp giúp các làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển (Ảnh minh họa )

Sự ra đời của các làng nghề trên địa bàn Thái Nguyên thời gian qua chủ yếu là tự phát, thiếu sự liên kết, nên đã tạo ra không ít khó khăn trong hoạt động. Bởi vậy, Thái Nguyên đã thành lập Hiệp hội làng nghề, đây là một tất yếu bởi Hiệp hội là đầu mối liên kết không chỉ với các làng nghề trong tỉnh mà với cả làng nghề của các tỉnh lân cận nhằm giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tạo mối liên kết kinh doanh hiệu quả.

 

Từ nguy cơ bị mai một

 

Cách nay cả nửa thế kỷ, làng nghề ở Thái Nguyên đã hình thành với số lượng ban đầu không nhiều (chưa đầy 10 làng nghề), các sản phẩm làm ra chủ yếu là để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, đôit thay của lịch sử và những biến động của nền kinh tế, giống như nhiều làng nghề khác trong cả nước, đa số các làng nghề của Thái Nguyên rơi vào cảnh lao đao. Một số nghề, làng nghề dần bị mai một, thất truyền, một số nghề tồn tại nhưng trong tình trạng lay lắt, không ổn định. Làng nghề của chủ yếu được du nhập vào theo hình thức tự phát, nhỏ lẻ, không mang tính đa dạng, độc đáo. Các ngành nghề chủ yếu gồm: làm chè, mây tre đan, dệt thổ cẩm, vật liệu xây dựng, làm bánh, bún... Chất lượng các sản phẩm làm ra của các làng nghề chưa cao, mẫu mã, kiểu dáng còn nghèo nàn, sản phẩm sơ sài, phổ thông.

 

Do phát triển tự phát nên vấn đề xây dựng thương hiệu, tạo uy tín cho sản phẩm của làng nghề ít được người dân quan tâm; cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất còn khiêm tốn, thiết bị tận dụng, cũ kỹ, công nghệ lạc hậu, chi phí tiêu hao nguyên vật liệu lớn, giá thành cao; lực lượng lao động phổ thông là chủ yếu, ít có nghệ nhân cũng như thiếu lao động có tay nghề cao. Hơn nữa, trình độ, năng lực quản lý tại các làng nghề còn thấp; sự liên kết giữa các làng nghề hầu như chưa có. Tất cả những điều đó đã tạo ra sự nép vế trong cạnh tranh trên thị trường, dẫn tới tính bất ổn, dần mai một, thất truyền của các làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống.

 

Đến nỗ lực hồi sinh

 

Có những lúc (ở vào thời điểm khó khăn nhất) tưởng chừng các làng nghề của chúng ta không thể tồn tại, nhưng những người có tâm huyết đã “sống chết” vượt qua mọi khó khăn cố giữ nghề truyền thống và chủ động du nhập thêm nghề mới. Từ chỗ chỉ có chưa đầy 10 làng nghề, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 157 làng nghề, trong đó có 32 làng nghề được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận. Các ngành nghề đã được mở mang và đa dạng ngành nghề hơn rất nhiều so với trước đây (làm chè, nhãn, vải, bánh chưng, sản xuất bún, bánh, đậu phụ, đường phên, dâu tằm tơ, miến, nấu rượu, trồng hoa, rau sạch, may, thêu ren, dệt thổ cẩm, đồ gỗ, mây tre đan, mành cọ, sản xuất vật liệu xây dựng...).

 

Theo thống kê, tại các làng nghề hiện có trên 11.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh, thu hút khoảng 26.300 lao động, chiếm 25% lao động ngoài quốc doanh. Tổng thu của các làng nghề những năm gần đây đạt trung bình trên 200 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân hàng tháng của lao động tại các làng nghề là khoảng 830 nghìn đồng/người. Ngoài hình thức hộ sản xuất cá thể chiếm tỷ lệ lớn, tại một số làng nghề đã hình thành các công ty, HTX sản xuất, kinh doanh và là đầu mối tiêu thụ các sản phẩm xuất khẩu của làng nghề. Có thể kể tên một số đơn vị cụ thể như: Nhà máy chè xuất khẩu của Công ty CP tập đoàn Tân Cương-Hoàng Bình; Công ty CP chè Vạn Tài; HTX chè La Bằng...

 

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua cũng đã ghi nhận sự phát triển lớn mạnh của không ít làng nghề trên địa bàn. Xin nêu một số làng nghề tiêu biểu: Đó là làng nghề truyền thống chè Hồng Thái II, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) hình thành cách nay hơn 60 năm. Hiện tại, làng nghề có 147 hộ làm nghề chế biến chè với sản lượng 140 tấn chè búp khô/năm, thu nhập bình quân người lao động trong làng nghề là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đó là làng nghề làm miến Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) hình thành và phát triển trên 35 năm. Có 53 hộ làm nghề với khoảng 300 lao động, đạt sản lượng 36 tấn miến/năm, thu nhập bình quân người lao động là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đó là làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Giã Trung, xã Tiên Phong (Phổ Yên) hình thành cách nay 15 năm với sản lượng 8.200 sản phẩm/năm. Làng nghề có 61 hộ tham gia với thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng... Có thể nói, trong đầy dẫy những gian khó, vướng mắc, nhưng bằng tinh thần yêu nghề, ý thức giữ nghề và lòng quyết tâm phát triển nghề của phần đông người dân địa phương, các làng nghề của chúng ta giờ đây đã bắt đầu hồi sinh trở lại.

 

Duy trì và phát triển

 

Qua khảo sát, đánh giá của các nhà chuyên môn cho thấy, mặc dù có sự hồi sinh đáng khâm phục, song sự phát triển của các làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn bộc lộ một số yếu điểm: Khả năng tiếp cận thông tin và kỹ năng thị trường còn hạn chế; tổ chức sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ; máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu; tay nghề lao động còn thấp; cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh...

 

Để giải quyết những yếu điểm trên, nhiệm vụ được đặt ra là phải hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin về sản phẩm làng nghề; chú trọng bảo tồn giá trị truyền thống sản phẩm thủ công mỹ nghệ, xây dựng hệ thống phát triển mẫu mã thủ công mỹ nghệ; xây dựng các dự án phát triển nghề và làng nghề, các sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường; thực hiện chương trình cải thiện môi trường làng nghề; tăng cường năng lực quản lý làng nghề, chú trọng đến nghề thủ công của đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó triển khai các giải pháp về khai thác, phát triển thị trường, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn, đào tạo nhân lực, thực hiện các cơ chế chính sách ưu đãi làng nghề và quan trọng nhất là thành lập Hiệp hội làng nghề.

 

Theo ông Lê Huy Nhỡn, Phó Giám đốc Sở Công Thương thì việc thành lập Hiệp hội làng nghề là một tất yếu bởi đây là đầu mối liên kết không chỉ với các làng nghề trong tỉnh mà với cả làng nghề của các tỉnh lân cận nhằm giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tạo mối liên kết kinh doanh hiệu quả. Ngoài ra, Hiệp hội sẽ có trách nhiệm đứng ra tổ chức các hoạt động quảng bá, tìm kiếm thị trường để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề, đồng thời tư vấn kỹ thuật và hướng dẫn pháp luật cho hội viên. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, Hiệp hội giữ vai trò phối hợp với các cơ quan hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế tạo môi trường tốt nhất cho các làng nghề; đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hội viên; tìm kiếm các nguồn hỗ trợ, tài trợ phù hợp với quy định của pháp luật phục vụ mục đích phát triển các làng nghề

Phạm Khánh (Theo Báo Thái Nguyên)

Tin khác