Doanh nghiệp - hàng xáo chưa có tiếng nói chung

21/09/2010

Doanh nghiệp với hàng xáo (người thu mua, bán lúa) chỉ gắn kết với nhau bằng cam kết, thỏa thuận chứ chưa có hợp đồng kinh tế mang tính pháp lý chặt chẽ.

Hầu hết các vướng mắc trong mối liên kết giữa hàng xáo với doanh nghiệp nhằm tiêu thụ lúa cho nông dân được đặt ra hơn bốn tháng trước tại Cần Thơ. Hôm qua tại An Giang, Hiệp hội Lương thực (VFA) đã sơ kết mô hình thí điểm tổ chức lực lượng hàng xáo ở ĐBSCL.

Hàng xáo trở thành chân rết của doanh nghiệp thì tính liên kết sẽ chặt chẽ hơn. Ảnh: VĨNH SƠN

Thiếu cơ chế liên kết

Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính từ 12-3, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 340/TTg-KTN về việc xây dựng phương án liên kết giữa doanh nghiệp với hàng xáo trong tiêu thụ lúa gạo cho nông dân thì VFA đã triển khai cho 15 doanh nghiệp với 1.426 hàng xáo và 87 nhà máy xay xát tham gia. Qua đó đã tiêu thụ được lượng lớn lúa trong dân. Thông qua mô hình, sự trao đổi thông tin hai chiều giữa hàng xáo với doanh nghiệp về tình hình sản xuất, tiêu thụ được cập nhật thường xuyên. Hàng xáo được doanh nghiệp thông báo giá thu mua từng thời điểm để chủ động tính toán chi phí và mua lúa của dân với mức phù hợp hơn.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mô hình trên vẫn còn nhiều vấn đề nan giải, đòi hỏi phải có sự sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật liên quan. Theo VFA, do thị trường lúa gạo trong và ngoài nước thường xuyên biến động đã gây khó khăn cho mối liên kết hàng xáo - doanh nghiệp. Khi giá gạo tăng thì hàng xáo không giao hàng cho doanh nghiệp, găm hàng chờ giá lên kiếm lời. Dẫn đến doanh nghiệp thâm hụt chân hàng cung ứng cho xuất khẩu. Ngược lại, giá gạo xuống thấp thì doanh nghiệp bẻ kèo, ngưng mua lúa của hàng xáo.

“Vấn đề ở đây là giữa doanh nghiệp với hàng xáo chỉ gắn kết với nhau bằng cam kết, thỏa thuận chứ chưa có hợp đồng kinh tế mang tính pháp lý chặt chẽ. Sở dĩ tồn tại vấn đề này là do tập quán mua bán của hàng xáo là không đăng ký kinh doanh, mua đứt bán đoạn. Nếu ký kết hợp đồng với doanh nghiệp phải cung ứng số lượng lúa gạo lớn thì họ phải chịu thuế VAT và thuế thu nhập cá nhân. Về phần doanh nghiệp, khi mua hàng của hàng xáo thì đòi hỏi người bán phải có hóa đơn nhưng cái này hàng xáo không đáp ứng được. Việc thanh toán mua bán bằng hóa đơn có giá trị trên 20 triệu đồng phải qua chuyển khoản gây khó khăn cho cả hai phía” - ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, nói.

Bên cạnh đó, lực lượng hàng xáo luôn gặp khó khăn về vốn lưu động để thu mua lúa trong dân. Một khi chưa ký kết hợp đồng ràng buộc quyền lợi và nghĩa vụ với doanh nghiệp thì hàng xáo không thể ứng vốn của doanh nghiệp. Đại diện của nhiều doanh nghiệp cũng như lực lượng hàng xáo tại các tỉnh ĐBSCL cũng đồng tình với nhận định trên của VFA. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề nằm ngoài tầm giải quyết của họ.

Cần miễn thuế cho hàng xáo

Ông Đoàn Hữu Gặp, một hàng xáo tại Tiền Giang, than: “Hàng xáo là người phải dãi nắng dầm sương khi ra tận đồng mua lúa của nông dân nhưng mãi đến giờ mới được quan tâm. Để mối liên kết giữa hàng xáo với doanh nghiệp ổn định hơn, chúng tôi kiến nghị doanh nghiệp gia giảm về độ ẩm. Chúng tôi đa phần phải mua lúa tươi của nông dân tại ruộng nên độ ẩm thường cao hơn quy định của doanh nghiệp”. Theo ông Gặp, lâu nay hàng xáo quen mua lúa của nông dân không có hóa đơn, mà thanh toán với doanh nghiệp phải bằng hóa đơn, tốn thêm khoản thuế VAT thì khó làm ăn. “Chúng tôi kiến nghị Chính phủ cho xóa bỏ khoản thuế này” - ông Gặp bày tỏ.

Chị Đinh Thị Thu Trang, một hàng xáo của tỉnh Long An, kiến nghị doanh nghiệp gia hạn thời gian thu mua lên năm ngày do phải chạy ghe đi mua lúa ở nhiều vùng xa xôi, không kịp về giao hàng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần hỗ trợ vốn tạm ứng cho hàng xáo là mối làm ăn quen thuộc và có số lượng lúa gạo cung ứng ổn định.

“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về kinh doanh, sản xuất lúa gạo. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT cho hàng xáo. Bỏ cơ chế thanh toán trên 20 triệu đồng qua tài khoản. Ngân hàng cần có chế độ tín dụng ưu đãi cho hàng xáo. Kéo dài thời gian cho nông dân vay vốn sản xuất tệ nhất là sáu tháng để họ có thời gian chờ giá lúa có lời mới bán” - ông Phong kiến nghị.


Tin khác