Thực trạng sản xuất lúa giống: Nhìn từ “thủ phủ” Quảng Nam

23/12/2010

Hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất lúa giống, trong những năm qua tỉnh Quảng Nam được các đơn vị SXKD giống chọn làm địa điểm sản xuất giống để cung ứng cho các tỉnh trong khu vực và các tỉnh phía Bắc, nhưng đằng sau những lợi ích vẫn còn nhiều vấn đề.

Vùng lúa Quảng Nam
 
Quảng Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nhiều loại cây trồng sinh trưởng phát triển. Bên cạnh điều kiện nông hoá thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, người nông dân xứ Quảng đã được đào tạo, tiếp nhận nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật qua các chương trình như: IPM, Bucap, ICM và có kinh nghiệm sản xuất giống, đặc biệt là cơ cấu mùa vụ lệch so với các tỉnh phía Bắc và Bắc miền Trung, do đó nhiều đơn vị, Cty, doanh nghiệp đã chọn Quảng Nam là điểm tổ chức sản xuất nhiều loại giống cây trồng, nhất là giống lúa trong vụ ĐX để cung ứng cho vụ mùa các tỉnh ngoài Bắc.
 Ông Trần Hồng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Quảng Nam, đơn vị được Sở NN - PTNT giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về giống cây trồng cho biết: Chỉ tính trong năm 2010, Quảng Nam đã có 20 Cty, đơn vị tổ chức sản xuất giống cây trồng, với tổng diện tích 3.276,4ha trong đó chủ yếu là lúa giống chiếm 3.148,9ha (diện tích lúa thường: 2.399,7ha; lúa lai 749,2ha).
Việc các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực giống tổ chức sản xuất giống tại Quảng Nam không thể phủ nhận đã góp phần đa dạng cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người nông dân bởi sản xuất mỗi ha lúa giống người nông dân có thu nhập cao hơn so với lúa thịt từ 3 – 4 triệu đồng/ha, đặc biệt là nông dân được tiếp cận với các bộ giống mới nhất có năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, do có quá nhiều đơn vị cùng tổ chức sản xuất lúa giống khiến công tác quản lý của ngành chức năng về sản xuất tại Quảng Nam gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Hồng, hiện nay mới chỉ có huyện Đại Lộc quy hoạch được vùng sản xuất lúa lai, còn lại các địa điểm sản xuất giống lúa thuần chưa có quy hoạch cụ thể, diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trong khi đó, thời gian qua nhiều đơn vị đã không thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Giống cây trồng, thiếu sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, nông dân, gây khó khăn trong công tác quản lý.
Ngay trong vụ ĐX vừa qua, mặc dù có rất nhiều đơn vị tổ chức khảo nghiệm, trình diễn và sản xuất thử giống lúa và ngô mới nhưng chỉ có 3 đơn vị có báo cáo bằng văn bản về Chi cục BVTV Quảng Nam. Ông Hồng bức xúc: "Trước khi vào vụ sản xuất chúng tôi đã có công văn đến các Cty, doanh nghiệp tham gia sản xuất giống trên địa bàn tỉnh, trong đó yêu cầu báo cáo về diện tích, chủng loại, quy trình sản xuất từng loại giống song chỉ có một số đơn vị phối hợp và báo cáo bằng văn bản. Diện tích sản xuất giống chúng tôi có được là Trạm BVTV huyện tự điều điều tra thu thập tại từng HTXNN chứ không có một đơn vị nào báo cáo với chúng tôi".

Trong vụ ĐX 2009 – 2010, một số đơn vị tiến hành sản xuất giống lúa lai F1 hai dòng như TH3-3, TH3-4, TH3-5, TH5-1, Việt Lai 20 nhưng do ảnh hưởng của thời tiết đã xảy ra hiện tượng tự thụ phấn, không thể sử dụng làm giống. Khi vấn đề này xảy ra, một số Cty doanh nghiệp lại tỏ ra thờ ơ, thiếu quan tâm, bỏ mặc nông dân. Đã gần một năm trôi qua mà người sản xuất lúa lai 2 dòng tại huyện Đại Lộc vẫn chưa được nhận tiền đền bù.

Không những không thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh Giống cây trồng, nhiều đơn vị sản xuất giống lúa tại Quảng Nam do chạy theo lợi nhuận trước mắt đã để lại nhiều hậu quả. Với chủ trương giảm lượng giống nhưng thực tế một số đơn vị sản xuất vẫn sử dụng lượng giống nhiều (trên 100kg/ha) dẫn đến mật độ lúa trên đồng cao, không phát huy trong sản xuất, tạo điều kiện cho dịch hại phát triển, do đó công tác tuyên truyền giảm lượng giống trong nhân dân tỏ ra không hiệu quả.
Theo ông Hồng, để bảo vệ sản phẩm các đơn vị đã sử dụng thuốc BVTV quá lớn trên diện tích sản xuất giống ngay cả khi chưa xuất hiện dịch bệnh mà chủ yếu phun phòng, thông thường lúa lai các đơn đơn vị hướng dẫn người nông dân phun thuốc BVTV 5 - 6 lần/vụ. Sử dụng thuốc BVTV khi chưa cần thiết đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, khiến chi phí sản xuất tăng lên.

Trong khi đó đến mùa thu hoạch tình trạng tranh mua tranh bán lúa giống giữa các đơn vị sản xuất tại Quảng Nam cũng diễn ra hết sức phức tạp. Theo ông Hồng, nhiều đơn vị không tham gia sản xuất nhưng lại “nhảy dù” vào mua của đơn vị khác, thậm chí khi khan hiếm giống một số đơn vị “bạo gan” mua cả lúa thịt của người dân về làm giống, đó là chưa kể đến một số Cty, doanh nghiệp liên kết với nhiều nông dân để sản xuất với diện tích lớn nhưng lại thu mua ít, mua không hết lượng giống sản xuất ra, hậu quả là người nông dân gánh chịu bởi chi phí sản xuất lúa giống bao giờ cũng cao hơn lúa thường.

Theo Ngọc Khanh (Báo Nông nghiệp Việt Nam)


Tin khác