Thủy điện An Khê - Kanak tích nước: Nông dân kêu trời vì thiếu nước

29/03/2011

Từ cuối tháng 1.2011, Thủy điện An Khê - Kanak (Gia Lai) bắt đầu tích nước để chuẩn bị phát điện tổ máy số 1 khiến các nhà máy trên địa bàn thị xã An Khê đang sử dụng nguồn nước từ dòng sông này cũng tạm dừng hoạt động. 70.000 dân thị xã An Khê thiếu nước sinh hoạt, hàng ngàn hộ trồng mía thì kêu trời vì nhà máy đường “đứng bánh”.

Khi nước sông Ba chảy qua Bình Định
Nhà máy thủy điện An Khê-Kanak nằm trên sông Ba, thuộc địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê. Dự án này có hai bậc, bậc 1 ở phía thượng nguồn sông Ba là Thủy điện Kanak, có hồ chứa nước dung tích 285 triệu m3 nhưng công suất chỉ trên 10 MW, bậc 2 nằm ở phía hạ lưu là Thủy điện An Khê, dung tích hồ chứa này chỉ có 5,6 triệu m3 nhưng công suất lên đến... 160 MW!
Sở dĩ có sự “vô lý” này là vì, Thủy điện An Khê, sau khi chảy qua các tổ máy, nước sẽ đổ trở lại sông Ba như các nhà máy thủy điện khác, nhưng các nhà thiết kế đã cho đục hầm đèo, lắp đường ống dẫn nước đổ về sông Kôn tỉnh Bình Định- nơi có các tổ máy phát điện của nhà máy này “đợi sẵn” ở đó. Độ dốc của đường ống quá lớn nên công suất của nhà máy theo đó cũng tăng lên. Do phải “chảy qua Bình Định” (thay vì chảy về Phú Yên) nên sông Ba chỉ còn trơ đáy.
Chính quyền các địa phương nằm phía hạ lưu của con đập chặn dòng sông Ba tại thị xã An Khê, nhất là tỉnh Phú Yên, đã phản đối quyết liệt trước bản thiết kế “cải tạo dòng chảy” của công trình thủy điện tiêu tốn đến 3.755,8 tỷ đồng này, song chủ đầu tư (EVN) vẫn “thuyết phục” các cơ quan thẩm quyền cao hơn bằng lý lẽ của họ.
Theo đó, ngoài việc mỗi năm cung cấp cho quốc gia 685 triệu kWh điện, Thủy điện An Khê - Kanak còn tưới cho vùng lưu vực sông Kôn tỉnh Bình Định 4.703ha đất (?!). Sông Ba, quãng từ thị xã An Khê đến huyện Kông Chro là 28km bây giờ trở thành dòng sông chết vì toàn bộ nước đã được tích lại, chuẩn bị theo đường ống đổ về Bình Định để phát điện.
Khi Thủy điện An Khê - Kanak bắt đầu chặn dòng vào tháng 1.2011 thì cũng là lúc Nhà máy nước An Khê, nơi cung cấp nước sạch cho 7 vạn dân của thị xã cao nguyên này “chết từ từ”. Đến thời điểm đầu tháng 3.2011, nhà máy nước dừng hoạt động vì nguồn nước bổ sung từ sông Ba không còn nữa. Đúng lúc sông Ba cạn kiệt thì tại An Khê, Kbang xảy ra dịch ở gia súc, gia cầm. Hàng ngàn con heo, gà, vịt chết dịch đã được người dân quăng xuống sông Ba khiến dòng sông cạn kiệt này gánh thêm mùi hôi thối.
Bảy vạn dân An Khê, sau khi nhà máy nước dừng hoạt động, họ tự đào giếng lấy nước sinh hoạt, nhưng không ai có thể biết được rằng, hàng ngàn con gia súc chết nằm dọc sông Ba trong hai tháng qua lại không thẩm thấu qua các giếng nước tự đào này.
Ông Nguyễn Trí ở thị xã An Khê nói: “Nhà tôi phải dùng nước tinh khiết để ăn chứ không dám xài nước giếng. Nhưng giá nước tinh khiết và nước khoáng đang tăng từng ngày, không biết người dân An Khê trụ được bao lâu hay phải chịu khát?”.
Ngửa mặt kêu trời
Không có nước máy thì dùng nước giếng tạm, nhưng Nhà máy đường An Khê “đứng bánh” thì hàng vạn hộ trồng mía tại đây phải ngửa cổ kêu trời.
Phó Chủ tịch UBND xã Tơ Tung huyện Kbang- Trần Xuân Nam, thở dài: “Xã có 1.657ha mía nhưng mới thu hoạch được khoảng 800ha, một nửa còn lại đang chín rũ ngoài đồng mà nhà máy đường thì “tạm dừng” hoạt động. Một ngàn hộ dân Ba Na chúng tôi đang ngắc ngoải”!
Ông Đinh Duen - chủ của 12ha mía ở Làng Len, xã Tơ Tung bạc mặt khi nghe nhà máy đường “lắc đầu” tạm dừng mua mía: “600-700 triệu đồng của gia đình mình sắp thành tro rồi!”.
Nhà máy đường An Khê, công suất 4.500 tấn mía/ ngày, sau khi Thủy điện An Khê - Kanak cắt nguồn nước đổ về sông Ba từ tháng 1.2011 là bắt đầu hoạt động cầm chừng vì có thể “mót vét” số nước còn đọng lại dưới lòng sông. Nhưng đến ngày 23.3.2011 phải dừng hẳn vì lượng nước không đủ để nhà máy làm nguội các máy móc khi hoạt động.
Bức xúc vì không có nước để hoạt động, Nhà máy đường An Khê làm văn bản gửi tỉnh Gia Lai cầu cứu. Tỉnh “thăm hỏi” Thủy điện An Khê, lãnh đạo thủy điện trả lời: “Xả nước rồi!”. Thế nhưng, chiều 23.3, đại diện Sở TNMT Gia Lai về nhà máy để xem xét, và đo được con số rất… rầu lòng: Lượng nước cần cho nhà máy đường là 2,5 - 3 khối/giây nhưng thủy điện chỉ “cho” có 0,47 khối/giây. Thế là nhà máy đành… đứng bánh tiếp.
Lãnh đạo nhà máy lại tiếp tục kêu và xin nước. 13 giờ chiều 26.3, thủy điện lại “mở van xả” với lời hứa là sẽ cấp 150 nghìn khối, thế nhưng nhà máy đường chỉ “nổ máy” đến 7 giờ sáng ngày 27.3, lại khô nước như cũ.
Trả lời câu hỏi của PV về “cơ chế xin-cho nước” rất lạ đời này, ông Nguyễn Văn Tặng - Phó Ban quản lý, trực tiếp phụ trách Thủy điện An Khê, nói: “Đơn vị nào, kể cả nông dân cần nước sinh hoạt và nước tưới thì cũng phải có “tờ trình” để chúng tôi phân bổ, không thể xả nước tràn lan sẽ gây lãng phí!”.
Dĩ nhiên là nông dân trồng mía ở vùng An Khê, Kbang sẽ không biết làm “tờ trình xin nước”. Họ chỉ biết kêu trời vì nguồn nước sông Ba từng nuôi sống họ hàng bao đời nay, giờ bị nhà máy thủy điện lấy làm tài sản riêng của họ.
“Chờ xin nước thủy điện đã”
Trên 300 xe chở mía đang sắp hàng dài trước cổng nhà máy đợi đến lượt cân nhưng đã nhiều ngày qua, trạm cân cũng “đứng”, trong lúc đó, hàng trăm xe chở mía khác ùn ùn đổ về nhà máy, buộc nhà máy phải “phản hồi cấp báo” với nông dân: “Bà con bình tĩnh, không nên thu hoạch cấp tốc, đợi nhà máy đi xin nước của thủy điện đã!”.
 
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay

 


Tin khác