Xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai: Doanh nghiệp cần tích cực vào cuộc

08/04/2011

Điều kiện sản xuất và đời sống của nông dân ở khu vực nông thôn Lào Cai còn rất nhiều khó khăn, rủi ro; sản xuất nông nghiệp chịu tác động rất lớn của dịch hại, thiên tai … Để giúp cho nông thôn phát triển và đời sống nông dân không ngừng nâng cao thì cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của doanh nghiệp.

Băn khoăn thiếu vốn
 
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh, tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM)trên địa bàn tỉnh Lào Cai đang được triển khai tích cực. Đến nay, đã thành lập các Ban chỉ đạo từ tỉnh đến các xã, tiến hành rà soát từng xã và đánh giá theo tiêu chí NTM, hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng đề án và lập đồ án quy hoạch NTM. Đến nay, tất cả 143 xã đã hoàn thành xong việc lập đề án, trong đó, các xã Quang Kim, Bản Qua (huyện Bát Xát) và xã Nậm Cang (huyện Sa Pa) hoàn thành đồ án quy hoạch, các xã còn lại đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. Dự kiến đến 30/6/2011 sẽ hoàn thành xong đồ án quy hoạch cho 100 xã, 43 xã còn lại xong trước 31/10/2011.
 
Tuy là tỉnh khó khăn nhưng Lào Cai là một trong những tỉnh có tỷ lệ xã xây dựng NTM cao nhất cả nước, có 35 xã thuộc hầu hết các huyện, thành phố được chọn làm điểm xây dựng NTM. Trước mắt, tỉnh tập trung xây dựng mô hình điểm tại 2 xã Nậm Cang (huyện Sa Pa) và Quang Kim (huyện Bát Xát).
 
Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, Chương trình đã nảy sinh nhiều vấn đề đáng bàn như: làm thế nào để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa trong khi trình độ sản xuất của bà con còn lạc hậu; khả năng tiếp cận thị trường, nhận thức của người dân, một bộ phận cán bộ cấp xã còn hạn chế. Hơn nữa, việc phân bố dân cư ở các thôn, bản còn rải rác, công tác quy hoạch chưa được thống nhất, lâu dài, vị trí trung tâm của các xã còn hạn hẹp, hết quỹ đất. Hạ tầng nông thôn còn nhiều yếu kém. Công tác vệ sinh làng, bản, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế... ..
 
Đặc biệt, huy động vốn là vấn đề khó khăn nhất bởi để xây dựng toàn bộ các xã đạt chuẩn nông thôn mớicần phải có nguồn lực lớn; theo tính toán của cơ quan chuyên ngành cần phải có khoản kinh phí đầu tư khoảng 27.600 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cho giai đoạn 2011-2015 là trên 14.775 tỷ đồng, gồm từ nguồn ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác.
 
Theo chủ trương hiện nay, thì nguồn lực thực hiện chương trình NTM chủ yếu là các chương trình mục tiêu quốc gia, ngoài ra hàng năm Nhà nước hỗ trợ thêm khoảng 17% để đạt nguồn vốn đầu tư từ ngân sách là 40%; phần còn lại 60% sẽ có một phần nguồn tín dụng, còn lại là xã hội hóa, trong đó có vài trò rất quan trọng của các doanh nghiệp và người dân tham gia đóng góp dưới mọi hình thức.
 
Tích cực vào cuộc
 
Theo thống kê của cơ quan chuyên ngành, hiện nay số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại trên địa bàn tỉnh là 1.837 doanh nghiệp và chi nhánh (số doanh nghiệp được quản lý mã số thuế). Năm 2010, số tiiền thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp trên địa bàn đạt trên 754 tỷ đồng. Có thể khẳng định đây là lực lượng rất hùng hậu đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp vừa thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh vừa đóng góp đáng kể cho các chương trình phát triển của tỉnh như chương trình 135, chương trình 30a với số kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trực tiếp tham gia lĩnh vực sản xuất, kinh doanh về nông nghiệp đã tạo công ăn việc làm, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho nông dân…
 
Chương trình xây dựng nông thôn mới đòi hòi phải có nguồn kinh phí khá lớn để thực hiện trong khi nguồn lực của nhà nước còn hạn chế, do đó rất cần có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp. Hơn nữa, điều kiện sản xuất và đời sống của nông dân ở khu vực nông thôn Lào Cai còn rất nhiều khó khăn, rủi ro; sản xuất nông nghiệp chịu tác động rất lớn của dịch hại, thiên tai … Để giúp cho nông thôn phát triển và đời sống nông dân không ngừng nâng cao thì cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ của toàn xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của doanh nghiệp.
 
Xuất phát từ thực tế trên cho thấy, để doanh nghiệp trên địa bàn tích cực vào cuộc, việc làm cấp thiết hiện nay là địa phương cần vận động và lập danh sách các doanh nghiệp (kể cả trong và ngoài tỉnh) có tiềm lực đề nghị giúp trực tiếp một hoặc một số công trình xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới; trước mắt trong giai đoạn 2011-2015 tập trung thực hiện ở 35 xã đã được tỉnh chọn làm điểm xây dựng NTM.
 
Hơn nữa, các cấp chính quyền cần tích cực vận động các doanh nghiệp đang tổ chức, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đóng góp kinh phí, vật liệu xây dựng để địa phương có thêm nguồn lực phân bổ giúp đỡ các xã xây dựng NTM. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp; hợp tác với nông dân tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm như sản xuất kinh doanh lúa hàng hóa chất lượng cao, các loại cây công nghiệp; liên kết trồng rừng kinh tế để có nguyên liệu cho sản xuất lâm sản…
 
Xây dựng nông thôn mới là chiến lược dài hạn và là chương trình tổng hợp về tất cả các mặt kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội mà chủ thể là người dân. Đặc biệt, đây là chương trình được thực hiện trên cơ sở có sự đầu tư của Nhà nước và sự phát huy nội lực của địa phương. Nhưng cần nhấn mạnh một điều là tránh tư tưởng ỷ lại, bởi nhiều nơi người dân vẫn chờ đợi ngân sách Trung ương hỗ trợ. Chẳng hạn làm một con đường nhỏ, nhiều nơi chỉ chờ đợi nguồn vốn từ bên trên, trong khi họ cũng có thể đóng góp một phần công sức.
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài, vì vậy địa phương phải biết huy động mọi nguồn lực, có như thế mới đáp ứng được yêu cầu và đảm bảo thành công. 
 
AGROINFO - Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

 


Tin khác