Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tập trung thu gom khoai mì, gạo, dừa, thuỷ sản… để xuất sang Trung Quốc, giá cả tăng khá mạnh. Tuy nhiên, hầu hết nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn dưới dạng nguyên liệu thô.
Bà Cầu, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở Tây Ninh vừa bán thành công 4.000 tấn khoai mì lát loại hai cho đầu mối xuất sang Trung Quốc với giá 5.600 đồng/kg, tăng khoảng 600 đồng/kg so với cuối năm ngoái.
Trung Quốc ăn hàng mạnh
“Từ cuối năm 2010, thương nhân Trung Quốc sang tận đây thu gom khoai mì khô. Sản lượng khoai mì nội địa nhiều lúc không đủ cung ứng, doanh nghiệp phải tìm thêm nguồn từ Campuchia. Bây giờ có bao nhiêu khoai mì trong kho cũng bán hết”, bà Cầu nói. Tác động từ việc xuất khẩu khoai mì lát sang Trung Quốc đến thị trường nội địa là khá rõ, khi giá khoai mì loại một dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng thêm 1.000 đồng lên 6.500 đồng/kg và doanh nghiệp phản ánh rất khó mua.
Ngoài mặt hàng khoai mì, giới thương nhân Trung Quốc tiếp tục vào tận các vùng nuôi ở miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long tìm mua tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra. Tại miền Trung, cuối năm ngoái, tôm thẻ tại đầm có 60.000 đồng/kg, nhưng nay thương nhân Trung Quốc trả giá 85.000 đồng. Họ mua xong thì ướp đá chở thẳng ra cửa khẩu.
Giữa quý 3/2010, nhu cầu mua gạo từ Trung Quốc cũng đẩy giá lúa gạo nội địa tăng đột ngột ngay trong vụ thu hoạch rộ. Quý 1 năm nay, bộ Công thương thống kê có 150.000 tấn gạo xuất chính ngạch sang Trung Quốc. Còn tiểu ngạch thì mặc dù chưa có thống kê chính thức nhưng bộ này luôn luôn “nhắc nhở” hiệp hội Lương thực Việt Nam phải theo dõi sát sao tình hình Trung Quốc, bởi giá lúa gạo hiện nay đã ngang với cơn sốt năm 2008.
Cuối năm 2010, giá dừa khô ở Bến Tre tăng vọt lên gần 110.000 đồng/chục, là mức cao nhất trong lịch sử. Nhưng hiện nay giá còn cao hơn, khoảng 120.000 đồng/chục. Bà Tâm Ái, chủ công ty Trí Đức (Củ Chi) chuyên sản xuất nước cốt dừa nói rằng, hiện nay thương lái tiếp tục tranh mua dừa bán cho Trung Quốc, đẩy giá tăng và các nhà máy chế biến trong nước bị thiếu nguyên liệu.
Chỉ bán được hàng phẩm cấp thấp?
Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agrifish An Giang kể, năm 2009, công ty xuất khẩu cá tra sang Hong Kong, Trung Quốc nhưng chỉ lựa chọn cá thịt vàng, phẩm cấp thấp và tỷ lệ mạ băng cao hơn 10% so với ở thị trường khác, và điều quan trọng là giá bán khá thấp. Tại Trung Quốc, theo ông Ký, nếu đem cá thịt trắng, tiêu chuẩn và giá bán ngang châu Âu vào sẽ khó cạnh tranh với con cá rô phi của họ có chất lượng thịt hơn hẳn cá tra, buộc lòng doanh nghiệp phải chọn phân khúc sản phẩm riêng giá rẻ để xuất.
Chị Lê, phụ trách kinh doanh của công ty xuất khẩu thuỷ sản HT, có trụ sở tại quận 6, TP.HCM cũng xác nhận thị trường Trung Quốc khá dễ tính, nhiều khi họ không cần sản phẩm chất lượng mà chỉ chuộng giá rẻ. “Cùng là loại cá tra philê, xuất đi châu Âu thì hồ sơ lý lịch hàng hoá và các phiếu kiểm tra chất lượng sản phẩm lên đến 20 tờ, nhưng xuất sang Trung Quốc chỉ có 5 tờ”, chị Lê dẫn chứng. Theo chị, hàng gửi sang châu Âu nhiều lúc còn bị rắc rối khi hàm lượng chất này chất kia kiểm tại Việt Nam có sai số một vài phần ngàn so với họ kiểm tại chỗ. Còn xuất sang Trung Quốc thì hồ sơ chỉ cần đầy đủ giấy kiểm tra, kiểm định của hải quan, trọng lượng miếng cá hay con tôm có thể sai số khoảng 5 – 7%... Một số cơ sở chuyên xuất bán tôm sú sang Trung Quốc ở Cà Mau còn bật mí, khách hàng đôi khi còn yêu cầu bơm tạp chất cho nặng ký.
Vì sao Trung Quốc thích nhập nguyên liệu thô?
Nói như vậy không phải mặt hàng nông sản nào cũng dễ dàng vượt qua rào cản chất lượng và bán giá thấp khi vào thị trường Trung Quốc. Bài học nhiều loại trái cây bị dội ngược trở lại, phải bỏ do hư hỏng ở cửa khẩu là một ví dụ. Giám đốc một doanh nghiệp chuyên cung cấp nguyên liệu thức ăn ở TP.HCM cho biết, mỗi năm Trung Quốc nhập trung bình 1,5 – 2 triệu tấn khoai mì lát từ Việt Nam với giá rẻ hơn so với mua khoai mì viên của Thái Lan 20 – 30 USD/tấn. Sở dĩ doanh nghiệp Trung Quốc thích mua hàng xô giá rẻ từ Việt Nam, theo vị này, là vì khi mang về họ sẽ lựa chọn ra loại nào xấu thì sử dụng chế biến ethanol (pha trộn trong xăng), loại trung bình thì đưa vào sản xuất thức ăn, loại tốt thì sử dụng trong công nghệ tinh bột thực phẩm cho người.
“Khoai mình cứ nghĩ họ mua xô về cho gia súc ăn, nhưng không phải như vậy. Tất cả đều đã được đưa vào chế biến làm gia tăng giá trị”, vị giám đốc này nói. Và ông cho hay, đang chuẩn bị đầu tư dây chuyền ép viên từ khoai mì lát khô sang khoai mì viên, công suất 15 – 17 tấn/giờ, vốn đầu tư phần công nghệ khoảng 500.000 USD. “Không xuất sang Trung Quốc thì thị trường Nhật ngay bên cạnh chúng ta cũng có nhu cầu rất lớn đối với khoai mì viên dùng làm thực phẩm. Không cớ gì phải bán nguyên liệu thô mãi như vậy”, ông này quả quyết.
Nhà máy chế biến thực phẩm của công ty Trí Đức ở Củ Chi có công nghệ hiện đại, sản xuất theo tiêu chuẩn ISO và HACCP có thể cung cấp nước cốt dừa hoặc các chế phẩm khác từ dừa như sấy khô, tẩm đường… đạt chất lượng tốt. Nhưng, cho đến nay các thương nhân Trung Quốc không đặt hàng giá trị cao mà chỉ gom nguyên liệu, vì theo bà Hoàng Thị Tâm Ái, giám đốc công ty, họ có thể “ăn thêm” ở phần chế biến.
AGROINFO – Theo Cafef.vn
Nguồn: http://cafef.vn/2011042411358381CA39/lua-chon-cach-xuat-khau-nong-san-vao-trung-quoc.chn