Thừa Thiên - Huế: Hướng tới mỗi làng một nghề, mỗi làng một sản phẩm

27/04/2011

Giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn nhất là vào thời điểm nông nhàn - vấn đề cốt lõi là làm sao tạo ra những mô hình thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, không những tạo được công ăn việc làm cho nông dân mà qua đó, có thể khai thác được thế mạnh của ngành nghề nông thôn vốn đang có nhiều tiềm năng, thế mạnh - ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết như vậy.

Giai đoạn từ nay đến 2012, trong nguồn vốn 42 tỷ 680 triệu đồng của Thừa Thiên - Huế đầu tư cho chương trình khuyến công, tỉnh ưu tiên tập trung cho việc xây dựng "mỗi làng một nghề", "mỗi làng một sản phẩm". Trong đó, tỉnh tập trung khôi phục và phát triển làng nghề, nhất là các nghề truyền thống, chú trọng phát triển các ngành nghề mới phù hợp với xu thế thị trường, tăng thêm giá trị thu nhập cho lao động trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay...
Thừa Thiên – Huế hướng tới mỗi làng một nghề, mỗi làng một sản phẩm 
 
Lao động trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay ở Thừa Thiên - Huế mỗi năm tập trung vào 2 vụ sản xuất chính là đông xuân và hè thu, tính tổng cộng khoảng 4 tháng; phần lớn thời gian còn lại đều nhàn rỗi. Để khắc phục tình trạng nói trên, tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp gồm: Chủ động liên kết với các nơi có nhu cầu, tạo điều kiện đưa lao động đến làm việc, hoặc thông qua đào tạo người lao động tự tìm việc; có chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút, kêu gọi các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện, nhằm thu hút lao động giải quyết việc làm tại chỗ; đưa lao động nông thôn đi làm việc ngoài huyện, ngoài tỉnh ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; có chính sách hỗ trợ cho lao động nghèo, người dân tộc thiểu số đi lao động; và đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...
Tỉnh nhân rộng các mô hình hiện có nhằm hướng tới việc phát triển và xây dựng mỗi làng một nghề. Hợp tác xã (HTX) mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú (huyện Quảng Điền) tận dụng tốt nguồn lao động nông nhàn sau mỗi vụ thu hoạch lúa, phát triển thêm các mặt hàng mây tre mỹ nghệ như đèn, quạt, rổ, rá... để bán cho các cơ sở du lịch. HTX đã giải quyết được việc làm thêm cho 50 lao động trong địa phương, bình quân mỗi lao động thu nhập ở hợp tác xã từ 1 triệu đến 1,3 triệu đồng mỗi tháng. Hiện nay, các mặt hàng mây tre mỹ nghệ đã trở thành sản phẩm chủ lực của hợp tác xã. Thị trường chủ yếu của các mặt hàng này là ở thành phố Huế; ngoài ra HTX cũng đã bắt đầu giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ của mình đến với các tỉnh thành phố trong nước như Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội...
HTX Tân Mỹ, xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) mở hướng sản xuất, kinh doanh nấm. Cơ sở sản xuất nấm Tân Mỹ được xây dựng trên diện tích 2000 m2 bao gồm các nhà chứa nấm, ủ men và văn phòng làm việc, tạo việc làm cho 22 lao động. Sản phẩm chủ yếu của cơ sở này là nấm sò, ngoài ra HTX cũng đã sản xuất thử nghiệm nấm Linh chi, nấm Mộc nhĩ...sản phẩm tiêu thụ nhanh ở thị trường trong tỉnh; doanh thu đạt khoảng 300 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của mỗi người lao động đạt 1,2 triệu đồng/tháng…
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=456420


Tin khác