Thay đổi từ những chuyến hàng
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), đơn vị trúng gói thầu đưa hàng Việt về nông thôn của Bộ Công Thương cho biết, sau hơn 1 năm triển khai chương trình đưa hàng Việt về với người tiêu dùng nông thôn, người dân đã bắt đầu dành sự quan tâm hơn đối với hàng Việt Nam. Điều này cũng đã được Công ty TV Plus khảo sát và thừa nhận, sau 1 năm thực hiện, tỷ lệ quan tâm của người Việt đối với hàng Việt đã tăng lên 58%, thay cho 23% như công bố trước đây của Tập đoàn Grey Group (Mỹ).
Bản thân các DN trực tiếp tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng thừa nhận, họ đã có những chuyển biến tích cực sau những chuyến đi về nông thôn, trực tiếp gặp gỡ và tiếp xúc với khách hàng. Ông Tăng Quang Trọng - Giám đốc kinh doanh toàn quốc Công ty Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho biết, những chuyến đi như vậy không chỉ giúp người tiêu dùng biết nhiều hơn về các sản phẩm hiện có của Mỹ Hảo mà còn giúp doanh thu của công ty tăng lên 15%. Đặc biệt, từ khi tham gia chương trình hàng Việt về nông thôn, Mỹ Hảo đã có cơ hội được tiếp xúc, tìm hiểu và nắm bắt rõ hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các địa phương, từ đó có những cải tiến phù hợp với nhu cầu tiêu dùng. Đơn cử như, nhờ có những chia sẻ của người tiêu dùng tại các phiên chợ đưa hàng về nông thôn mà hiện nay tất cả nước xả vải Siuop của Công ty Mỹ Hảo đã tăng độ đậm đặc lên gấp 3 lần mà giá vẫn giữ nguyên.
Ông Đỗ Hoàng Nam - Giám đốc marketing Công ty Bếp gas Namilux cũng cho biết, đa số người tiêu dùng nông thôn hiện nay vẫn chưa sử dụng bếp gas, nên Namilux đánh giá đây là thị trường tiềm năng mà công ty hướng vào trong thời gian tới. Vì thế, qua các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn tại các tỉnh thành trên cả nước, Namilux đều cố gắng tăng cường sự hiện diện của mình bằng cách làm thêm các bảng hiệu cho các cửa hàng, đại lý để trưng bày sản phẩm, cho người dân thấy được sự đa dạng của sản phẩm bếp gas Namilux…
Như vậy, có thể nhận thấy, những chuyến đưa hàng Việt về các vùng nông thôn không chỉ tạo điều kiện để người dân dành sự quan tâm hơn đối với hàng hóa do các DN Việt Nam sản xuất mà còn giúp các DN có những nhìn nhận, đánh giá chính xác nhất về tiềm năng và thói quen tiêu dùng của người dân nông thôn, từ đó có hướng điều chỉnh cho phù hợp. Đó không chỉ là thành công của DN mà còn là thành công của chính những người tiêu dùng khi được tiếp cận với những sản phẩm chất lượng do chính những nhà sản xuất Việt Nam làm ra.
Để thị trường nông thôn thuộc về DN Việt
Tuy nhiên, theo như phản ánh trực tiếp của rất nhiều DN và những người tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng như tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, hàng Trung Quốc được bày bán tràn lan tại các chợ, và hàng nhái, hàng giả các thương hiệu của DN trong nước vẫn đang tồn tại phổ biến.
Bà Vũ Kim Hạnh cho biết, trong chuyến đưa hàng Việt về nông thôn Bắc Giang, bà tận mắt chứng kiến hầu như tất cả những sản phẩm quần áo bán tại chợ Bắc Giang đều là hàng Trung Quốc. Thấy lạ, bà Hạnh mới hỏi một tiểu thương ngoài chợ: “Chị ơi, toàn bộ hàng may của chị có cái nào là hàng Việt Nam không?” thì được chị này trả lời ngay: “Đất này là bán hàng Trung Quốc, biết không?”.
Bên cạnh hàng Trung Quốc là sự xuất hiện thường xuyên của hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đại diện Công ty Mỹ Hảo cho biết, ở nhiều thị trường nông thôn, sản phẩm của Mỹ Hảo được làm giả theo 2 dạng, một dạng là họ mua lại những vỏ chai đã dùng hết, cho sản phẩm của họ vào và dán 2 mặt đề là Mỹ Tín, Mỹ Thắng… Cách thứ 2 là họ mua chai sản phẩm của Mỹ Hảo rồi mua thêm ve chai chiết bớt sang, đóng nắp lại và bán rẻ hơn 2.000-3.000 đồng.
Cách trung tâm Hà Nội không xa, tại huyện Ứng Hòa - Hà Nội, phóng viên vẫn bắt gặp những sản phẩm bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán. Đơn cử như thạch Song Hải (nhái thương hiệu Long Hải). Để nhận biết những sản phẩm hàng nhái, hàng giả này không khó, nhiều người mua sản phẩm cũng nhận thấy điều đó, tuy nhiên, do giá rẻ phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân nông thôn nên họ vẫn mua và sử dụng.
Để thị trường nông thôn thực sự thuộc về DN Việt Nam, theo bà Hạnh, Bộ Công Thương nên có những hỗ trợ đối với các DN trong các chuyến đầu tiên đưa hàng về nông thôn, vì bản thân các DN đa số là DN nhỏ, trong khi các chuyến hàng về nông thôn chi phí lại quá lớn, nên nếu ko có cơ chế hỗ trợ sẽ rất khó khuyến khích được DN tham gia và thị trường nông thôn sẽ vẫn bị bỏ ngỏ.
Bà Nguyễn Thị Xuân Yến, Giám đốc dự án Hàng Việt về nông thôn (thuộc BSA) thì cho rằng, để xây dựng một phòng tuyến cho hàng Việt trước hàng nhái, hàng giả, để bà con nông dân có cơ hội sử dụng hàng Việt chất lượng, các cơ quan chức năng và DN còn cả một hành trình dài trước mắt, và rất cần nỗ lực, bền bỉ trong việc đưa những chuyến hàng về nông thôn./.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế Việt Nam
Nguồn: http://ven.vn/tabid/77/newsid/20915/seo/De-thi-truong-nong-thon-thuoc-ve-doanh-nghiep-Viet/language/vi-VN/Default.aspx