Nhiều khó khăn trong triển khai chính sách giảm phí thủy lợi

28/04/2011

Qua 2 năm thực hiện Nghị định 115/2008/NĐ-CP về chính sách miễn giảm phí thủy lợi đã bộc lộ một số bất hợp lý.

Mới đây, một số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Định đã kiến nghị với ngành chức năng sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để chính sách miễn giảm thủy lợi phí sớm phát huy hiệu quả.
Bất cập trong việc cấp bù phí thủy lợi
NĐ 115/2008/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 quy định chi tiết thi hành pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó có chính sách miễn giảm phí thủy lợi cho nông dân trên toàn quốc.
Theo nghị định, đối tượng được ngân sách Nhà nước cấp bù thủy lợi phí được mở rộng đối với tất cả các hộ sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu bằng hệ thống thủy lợi của Nhà nước và nhân dân đầu tư; không phân biệt công trình được đầu tư bằng nguồn vốn nào.
Mức cấp bù thủy lợi phí cũng cao hơn mức thu hàng năm của các đơn vị quản lý thủy nông trước khi chính sách này ra đời. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách cấp bù phí thủy lợi thực tế vào sản xuất đã bộc lộ một số vấn đề đáng quan tâm.
Bất cập rõ nhất mà hiện nay là cách tính toán, chi trả, cấp bù phí thủy lợi chưa phù hợp với thực tế tưới tiêu của từng hợp tác xã, địa phương.
Trạm bơm điện của Hợp tác xã Nhơn Khánh (huyện An Nhơn) gặp nhiều khó khăn do mức chi trả thủy lợi phí chưa phù hợp
 
Ông Lê Bá Tư- Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Nhơn Khánh, huyện An Nhơn (Bình Định) cho biết, theo Nghị định 115, các địa phương tưới tiêu bằng động lực (tức dùng máy bơm điện, bơm xăng dầu để tưới) được ngân sách Nhà nước cấp bù mức thủy lợi phí là 939.000 đồng/ha/vụ, trong đó, phần trích cho đơn vị tạo nguồn nước tưới 40% (đây là mức Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh hưởng). Còn lại, hợp tác xã được chi trả 60% mức quy định trên khi thực hiện việc bơm tát đưa nước vào đồng ruộng.
Quy định là vậy, nhưng khi triển khai Nghị định từ năm 2009 đến nay, chưa năm nào Hợp tác xã Nông nghiệp Nhơn Khánh được cấp bù tiền thủy lợi phí đúng với quy định trên mà đều bị đưa xuống mức cấp bù thấp hơn.
Hợp tác xã chỉ được cấp bù kinh phí dành cho phương pháp tưới tiêu bằng trọng lực (tưới bằng hệ thống thủy lợi tự chảy) tương ứng với mức cấp bù 824.000 đồng/ha/vụ. Trong điều kiện giá điện, xăng dầu tăng cao hiện nay, việc bơm tưới của hợp tác xã gặp nhiều khó khăn do mức cấp bù không đủ trả chi phí tiền điện.
Cũng theo ông Lê Bá Tư, do đồng ruộng của hợp tác xã là chân đất cao nên chủ yếu phải dùng các trạm bơm điện để đưa nước vào ruộng nên với cách áp dụng nên 2 năm qua, hợp tác xã thường xuyên bị thâm hụt tiền điện và không có kinh phí để trả cho cán bộ làm công tác thủy lợi.
Với diện tích sản xuất lúa, hoa màu gần 1.000 ha/năm, năm 2009, Hợp tác xã Nông nghiệp Nhơn Khánh bị thiếu 76 triệu đồng tiền thủy lợi phí, năm 2010 là 150 triệu đồng.
Để kiếm nguồn cấp bù vào số tiền thiếu hụt trên, hợp tác xã phải xoay sở bằng cách lấy từ các khoản kinh doanh, dịch vụ khác dẫn tới việc đơn vị này kinh doanh thua lỗ. Thiếu kinh phí cũng đã làm cho việc sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng gặp nhiều khó khăn, gây tỉ lệ hao hụt nguồn nước tưới khá cao.
Trên địa bàn huyện An Nhơn, không chỉ Hợp tác xã Nông nghiệp Nhơn Khánh gặp khó khăn mà hầu hết các hợp tác xã khác cũng rơi vào tình trạng trên.
Ông Lê Minh Toán - Phó Chủ tịch UBND huyện An Nhơn cho biết, việc áp dụng các biểu mức cấp bù thủy lợi phí cho công tác tưới tiêu theo Nghị định 115 thời gian qua còn nhiều bất cập, cần sửa đổi. Hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp tưới bằng phương pháp động lực (dùng trạm bơm điện) nên bị thiệt thòi do giá cả nhiên liệu tăng, trong khi mức hỗ trợ lại thấp làm cho việc tưới tiêu không được thuận lợi.
Một bất cập khác khi triển khai Nghị định là chưa có chính sách miễn giảm thủy lợi phí, việc quản lý, tu sửa kênh mương nội đồng đều thuộc trách nhiệm của các hợp tác xã. Trong trường hợp các hợp tác xã để hệ thống kênh mương xuống cấp, không bảo đảm đầy đủ việc cung cấp nguồn nước tưới sẽ khó thu được tiền thủy lợi phí của nông dân. Khi triển khai Nghị định 115, do miễn thu thủy lợi phí nên tính ràng buộc trách nhiệm giữa hai phía không cao, khiến công tác quản lý công trình thủy lợi có phần lỏng lẻo, dẫn tới hệ thống kênh mương bị xuống cấp, không ít địa phương để xảy ra thường xuyên tình trạng úng ngập vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô.
Do kinh phí chi trả thủy lợi phí được ngân sách cấp bù, nên việc sử dụng nước rất lãng phí, gây mất cân bằng về nguồn nước, chất lượng phục vụ chưa bảo đảm và kịp thời. Nhiều hộ nông dân ở đầu nguồn sử dụng nước "xả láng", trong khi đó các hộ cuối nguồn luôn nằm trong tình trạng thiếu hụt, ảnh hưởng tới lịch thời vụ sản xuất…
Cần có những điều chỉnh phù hợp
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, hiện nay, toàn tỉnh có tất cả 98 trạm bơm điện và hàng trăm trạm bơm dã chiến hoạt động theo mùa vụ phục vụ công tác tưới tiêu tại địa bàn.
Các trạm bơm này, hàng năm cung cấp nguồn nước tưới cho khoảng 17.200 ha lúa và hoa màu tại các địa phương trong tỉnh, riêng trong vụ hè thu diện tích lúa “ăn” nước từ các trạm bơm điện 6.020 ha. Tuy nhiên, với cách chi trả, cấp bù thủy lợi phí được thực hiện như trong thời gian qua đã làm cho nhiều hợp tác xã lâm vào tình trạng khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi về những bất cập trên, ông Cao Văn Dũng- Trưởng Phòng Thủy lợi và Quản lý xây dựng công trình (Sở NN-PTNT Bình Định) cho biết, việc tính toán, chi trả, cấp bù thủy lợi phí theo Nghị định 115 trong thời gian qua ở Bình Định đã phát sinh nhiều vấn đề chưa hợp lý.
Để sớm giải quyết vấn đề này, thời gian qua, ngành đã chủ động làm việc với các địa phương để nắm bắt, ghi nhận các khó khăn trong quá trình thực thi việc cấp bù thủy lợi phí để có biện pháp đề xuất chấn chỉnh.
Hiện, ngành đã làm việc với Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Tài chính bàn bạc lại việc chi trả, cấp bù thủy lợi phí cho phù hợp để đề xuất UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ sửa đổi. Qua đó, các phương án giải quyết cấp bù thủy lợi phí sẽ được điều chỉnh kịp thời giúp tháo gỡ khó khăn cho các hợp tác xã, địa phương trong thời gian sớm nhất./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử VOVNEWS

Nguồn: http://vov.vn/Home/Nhieu-kho-khan-trong-trien-khai-chinh-sach-giam-phi-thuy-loi/20114/173434.vov


Tin khác