Doanh nghiệp cà phê Việt Nam: Muốn tồn tại cần phải liên kết

12/05/2011

DN cần phải liên kết lại để đầu tư công nghệ chế biến nhằm tập trung xuất khẩu cà phê thành phẩm.

Các doanh nghiệp (DN) thu mua cà phê trong nước đang có nguy cơ phá sản do sự cạnh tranh khốc liệt của các DN nước ngoài. Nhiều người lo ngại nếu DN ngoài nước “thâu tóm” phần lớn thị trường thì tình trạng “ép” giá đối với người trồng cà phê có thể sẽ xảy ra. Do vậy, liên kết lại để nắm thị trường đang được xem là bài toán hữu hiệu cần phải làm.
Thua trên “sân nhà” vì thiếu và yếu
Từ đầu năm đến nay, giá cà phê lên cao, các DN 100% vốn nước ngoài đã thành lập nhiều cơ sở thu mua cà phê ngay tại các địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, ước tính họ đã mua khoảng 60% lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Trước tình hình đó, Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam và nhóm 20 DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam đã có văn bản thông báo cho rằng, các DN nước ngoài làm trái luật và có thể gây nhiều hệ lụy, nguy cơ phá sản của các DN trong nước có thể sẽ xảy ra. Nhiều ý kiến còn lo ngại rằng, một khi đã thao túng được thị trường, các DN nước ngoài sẽ thoả sức ép giá nông dân và gây khó khăn cho việc điều tiết thị trường nội địa…
Thế nhưng, theo các nhà phân tích thị trường thì đó chỉ là quan điểm một phía, quy luật cạnh tranh, nhất là khi chúng ta đã gia nhập WTO thì những suy nghĩ này cần phải xem lại. Đổ hết lỗi cho các DN nước ngoài là chưa thỏa đáng, DN trong nước bị thua ngay trên “sân nhà” bởi chúng ta đang thiếu và yếu: vừa thiếu vốn lại vừa thiếu liên kết. Nếu thiếu vốn thì ở mức nào đó còn chấp nhận được nhưng thiếu sự liên kết, thậm chí làm “yếu” lẫn nhau là điều đáng phải bàn. Cụ thể, hiện nay, hình thức trừ lùi để có cơ sở vay tiền trong hợp đồng mua bán mỗi khi nợ ngân hàng đến thời điểm đáo hạn được các DN thường áp dụng. Khoản trừ lùi vô tình trở thành “vũ khí” để các DN xuất khẩu trong nước cạnh tranh và hạ giá bán của nhau. Đại diện một doanh nghiệp cà phê đưa ra ví dụ, công ty A trừ lùi 50 USD/tấn, lập tức công ty B trừ lùi 60 USD/tấn. Cứ thế mức trừ lùi tăng dần gây thiệt hại không chỉ cho DN, nông dân mà cả hoạt động xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, do cách làm ăn độc lập nên các DN xuất khẩu cà phê ít “ngồi lại với nhau” để tạo được mặt bằng giá ổn định mà thường vẫn mạnh ai nấy làm. Trong khi đó, việc liên kết giữa DN với người trồng cà phê lại cực kỳ hạn chế, chỉ có một ít doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Các nhà nhập khẩu nước ngoài do nắm được sản lượng cà phê của các DN trong nước, hơn thế họ lại biết DN trong nước cần bán được hàng để có vốn xoay vòng. Do vậy, việc ép giá trở thành câu chuyện hàng năm, không tránh khỏi.
Liên kết phát triển công nghệ chế biến
Ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho rằng, hiện nay chúng ta thiếu một tổ chức ngành hàng cà phê đủ mạnh để gắn kết các DN nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng bằng những chiến lược có tầm cỡ, toàn diện và thiết thực. Điều này có thể học tập ở những nước đi trước chúng ta hàng trăm năm như Brasil, Colombia, Ấn Độ, Indonesia.
Ông Đoàn Triệu Nhạn – người đã có nhiều năm nghiên cứu về thị trường cà phê kiến nghị, hiện nay Nhà nước khuyến khích các DN nước ngoài vào đầu tư công nghệ chế biến cà phê. Từ trước đến nay, chủ yếu Việt Nam xuất khẩu cà phê hạt nên những trường hợp như Công ty TNHH Olam đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê tại Long An rất được hoan nghênh. Việc mua cà phê trực tiếp trong dân phục vụ cho sản xuất chế biến tại các nhà máy trong nước thì cũng cần khuyến khích. Ông Nhạn cho rằng, mặc dù hiện nay các DN trong nước đang ở vị trí bất lợi khi cạnh tranh với các DN nước ngoài vì họ được vay vốn với lãi suất thấp hơn nhiều so với các DN trong nước. Tuy nhiên, thay vì kêu gọi sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để “chữa cháy” nhất thời, các DN xuất khẩu cà phê trong nước cần phải bắt tay nhau để tổ chức liên kết thành một tập đoàn lớn, đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài.
Một vấn đề mang tính chiến lược lâu dài và bền vững là DN cần phải liên kết lại để đầu tư công nghệ chế biến nhằm tập trung xuất khẩu cà phê thành phẩm. Lợi nhuận thu về qua phát triển công nghiệp chế biến lớn hơn rất nhiều lần so với xuất khẩu cà phê thô.
Các nhà phân tích nhận định, nếu chúng ta làm được điều này thì chẳng những tăng giá trị các sản phẩm cà phê “Made in Vietnam” trên thị trường quốc tế mà còn giải quyết được vấn đề giá quá “bèo” và nỗi lo của bà con trồng cà phê.
AGROINFO – Theo Cafef.vn
 

Tin khác