DN mía đường: Dân nên chịu thiệt mua đường giá cao

16/05/2011

Nếu mỗi người chịu thiệt 1 ít, chẳng hạn mua đắt khoảng 4.000 đồng/kg nhân với mức tiêu thụ đường bình quân 10 kg đường/năm thì mỗi năm người tiêu dùng cũng chỉ thiệt 40.000 đồng. Giá này là có thể chấp nhận được để cho ngành sản xuất đường trong nước phát triển.

Ông Nguyễn Thành Long: Việc sản xuất và tiêu thụ đường trong nước đang gặp nhiều khó khăn.
Đó là đề xuất của ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam tại buổi họp báo cân đối cung cầu và điều hành nhập khẩu đường năm 2011.

Ông Long cũng đã lên tiếng phản đối Bộ Công Thương cho rằng việc nhập khẩu đường không ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. 
Ông Long cho biết: Quyết định cho nhập khẩu đường vào đầu vụ sản xuất (cuối tháng 12/2010, đầu tháng 1/2011) của Bộ Công Thương gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp mía đường. “Các nhà máy đường hiện đang gặp khó khăn kép do giá đường hạ, lãi suất tăng, tồn kho lớn”.

Ông Long dẫn chứng, trong hoàn cảnh các doanh nghiệp không bán được đường, giá thành ngày càng cao do lãi suất ngân hàng cao, nhà thương mại cảm thấy không có lợi nên không mua vào. Đường vẫn tồn kho nhưng nhà máy vẫn phải bỏ tiền mua mía để sản xuất tiếp vì lo nông dân bỏ mía.

Hơn nữa, số lượng đường tồn kho hiện trên 800.000 tấn, tiêu thụ ước tính đến tháng 9/2011 sẽ vẫn còn tồn khoảng hơn 100.000 tấn, ảnh hưởng đến vụ sản xuất năm sau. 

Bởi vậy, ông Long kiến nghị: “Vẫn còn khoảng 120.000 tấn đường theo hạn ngạch chưa nhập, Bộ Công Thương giãn tiến độ việc nhập khẩu này trong những tháng cuối năm; Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính ủng hộ để giá đường ở mức tương đối cao để kích thích nông dân trồng mía”.

Khó khăn là do yếu tố tâm lý?

Trả lời trước những phản ánh của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên vẫn cho rằng khó khăn chủ yếu của các nhà sản xuất trong nước chính là yếu tố tâm lý, vì hạn ngạch nhập khẩu đã công bố mà chưa nhập, cộng với lượng đường tồn kho gây tác động giá cả trên thị trường.


Phân tích của Bộ Công Thương cho thấy, hạn ngạch nhập đường năm 2011 là 250.000, thấp hơn 50.000 tấn so với năm 2010. 
Trong khi đó, lượng đường nhập khẩu 4 tháng đầu năm chỉ 53.250 tấn, bằng 79%. Các nhà máy thực phẩm chỉ nhập 31.700 tấn bằng 63% cùng kỳ năm ngoái, chứng tỏ họ đã tăng tiêu thụ đường trong nước so với nhập khẩu. Các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu đường chỉ nhập 4,5 nghìn tấn, bằng 1/4 so cùng kỳ.

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy, Bộ Công Thương yêu cầu, từ nay đến hết tháng 7, các nhà máy đường chưa nhập đường thô về để tinh luyện; doanh nghiệp thương mại giãn tiến độ nhập khẩu; nhà máy chế biến thực phẩm ưu tiên dùng đường trong nước, hạn chế nhập khẩu. Đồng thời sẽ rà soát, thống nhất lại số tồn kho và xem xét thời điểm lùi, giãn tiến độ nhập khẩu hợp lý.

Chênh lệch giá do phân phối
Theo kiến nghị của ông Long, các cơ quan chức năng nên để giá đường ở mức tương đối cao để kích thích người nông dân trồng mía. Ông Long lý giải, nếu giá mía và giá đường thấp, người nông dân không trồng mía, ngành sản xuất đường sẽ “chết” và bị phụ thuộc vào giá nhập khẩu biến động của thị trường thế giới.

Nếu mỗi người chịu thiệt 1 ít, chẳng hạn mua đắt khoảng 4.000 đồng/kg nhân với mức tiêu thụ đường bình quân 10 kg đường/năm thì mỗi năm người tiêu dùng cũng chỉ thiệt 40.000 đồng. Giá này là có thể chấp nhận được để cho ngành sản xuất đường trong nước phát triển.
Ông Nguyễn Lộc An cho rằng chênh lệch giá đường là do khâu phân phối


Trả lời báo chí về việc nhà máy nói giá đường hạ, song đường bán lẻ đến tay người tiêu dùng vẫn rất cao, thậm chí chênh giá nhà máy đến 10.000đ/kg, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng có sự bất cập trong việc phân phối từ nhà máy đường ra các công ty thương mại. Các nhà máy cần có hợp đồng dài hạn, tránh tình trạng “có bệnh mới chữa”.
Không đồng tình với quan điểm trên, ông Long cho rằng, giá công bố từ nhà máy là giá bán đường sỉ (theo bao 50kg), còn giá bán đường đến tay người tiêu dùng là giá bán lẻ, đã được đóng gói chia nhỏ theo loại, 500g-1kg, phụ thuộc vào nhà phân phối. Các cơ quan chức năng có thể kiểm tra giá bán đường ở các nhà máy. “Đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra và có đánh giá chính xác rồi mới đưa ra kết luận”, vị Chủ tịch Hiệp hội Mía đường bức xúc phản ánh.
AGROINFO – Theo vtc.vn

 


Tin khác