Mở rộng thị trường
Do nhu cầu tăng cao tại Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ và một số nước Đông Nam Á nên trong 4 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu hoa quả cả nước đạt 213 triệu USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ. Trong đó Trung Quốc, Nga, Thái Lan, Nhật Bản là những thị trường chính của Việt Nam (chiếm khoảng trên 60% tổng kim ngạch). Dự báo trong quý II và III/2011, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả sẽ tiếp tục tăng mạnh vì đây là thời điểm bước vào vụ thu hoạch của nhiều loại trái cây và rau màu.
Theo Hiệp hội rau hoa quả Việt Nam (VinaFruit), hoạt động xuất khẩu có bước tiến mới là do Mỹ cho phép nhập khẩu chôm chôm Việt Nam và cấp phép cho vùng sản xuất chôm chôm, vùng cấp mã số có diện tích 34ha (tại huyện Châu Thành- Bến Tre), trong đó có 21ha chôm chôm thường và 13ha chôm chôm nhãn. Đây là vùng trồng chôm chôm đầu tiên của Việt Nam được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ, dự kiến lô hàng đầu tiên sẽ xuất sang Mỹ vào giữa tháng 5/2011.
Ngoài chôm chôm, mặt hàng thanh long cũng gặt hái nhiều thuận lợi. Từ đầu năm tới nay, cả nước đã xuất khẩu 600 tấn thanh long sang Mỹ và 200 tấn thanh long sang Nhật Bản, tăng 70% so với cùng kỳ; riêng thị trường Hàn Quốc do mới bắt đầu xuất khẩu nên chỉ đạt 40 tấn. Dự kiến năm nay, lượng thanh long xuất khẩu đi Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đạt khoảng 2.600 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2010.
Đặc biệt, cuối tháng 4 vừa qua, một đoàn chuyên gia của New Zealand đã tới Việt Nam để kiểm tra các khâu chuẩn bị xuất khẩu xoài tươi vào thị trường này. Vì vậy bước qua năm 2012, trái xoài của Việt Nam có thể được xuất khẩu vào New Zealand sau khi được xử lý bằng các phương pháp là chiếu xạ và hơi nước nóng.
Từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của thời tiết xấu, nguồn cung rau quả của Trung Quốc sụt giảm nên trong quý II/2011 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thanh long, dừa khô lột vỏ, mận, vải… của Việt Nam vào thị trường này dự báo sẽ tăng mạnh.
Không dừng lại ở việc nâng cao kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau quả, các doanh nghiệp xuất khẩu đã nỗ lực tìm hiểu thị trường, thương lượng với các đối tác để nâng cao giá xuất khẩu. Cụ thể đơn giá xuất khẩu chôm chôm sang Pháp hiện là 6,1 USD/kg, tăng 0,1 USD/kg so với cùng kỳ; nấm mèo 4,9 USD/kg, tăng 0,15 USD/kg; cơm dừa sấy khô 2.500 - 2800 USD/tấn, cao hơn khoảng 100 - 180 USD/tấn so với cùng kỳ 2010…
Chuyên nghiệp hóa để phát triển
Dù kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng rau quả đang gia tăng nhưng có một thực trạng là xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ “bán những thứ mình có” chứ chưa đủ mức độ chuyên nghiệp để “bán những thứ người ta cần”, phần lớn là xuất thô từ cao su, cà phê, hồ tiêu cho đến rau quả…
Tiến sĩ Nguyễn Kế Tuấn (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, sản xuất nông nghiệp và công nghệ chế biến nông sản phải cùng phát triển song song. Chính bản thân các doanh nghiệp chế biến nông sản nội địa sẽ là khách hàng tiêu thụ hàng hóa lớn nhất cho người nông dân. Tuy nhiên, do hạn chế trong công nghệ chế biến nên phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu chỉ làm thương mại thuần túy, hàng hóa mua của người dân về chỉ được sơ chế rồi xuất khẩu thô. Khi khan hiếm nguyên liệu trong nước hoặc giá nguyên liệu trong nước cao hơn giá nhập khẩu, các doanh nghiệp sẵn sàng nhập hàng về để chế biến (cho dù chỉ là sơ chế hoặc chế biến đơn giản). Chính vì thế có những thời điểm người nông dân không hiểu vì sao hàng trong nước sản xuất ra không có người mua mà các doanh nghiệp các nhà máy vẫn xin nhập hàng từ nước ngoài về.
Còn theo Tiến sĩ Nguyên Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, chỉ có xuất khẩu sang châu Âu thì giá trị trái cây Việt Nam mới được nâng cao, nhưng là thị trường cao cấp nên đòi hỏi phải có tiêu chuẩn Global GAP. Vấn đề là Nhà nước nên có hướng hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn này, hỗ trợ luôn cả kinh phí để chứng nhận, mở rộng diện tích và tiêu thụ sản phẩm lâu dài thì mới tạo được những vùng nguyên liệu Global GAP lớn được. Từ đó thị trường xuất khẩu trái cây sẽ được giữ vững và mở rộng, lợi nhuận của nông dân cũng vì thế mà ổn định hơn.
Mặt khác Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính mới như Mỹ, Australia và New Zealand. Dù theo quy định bắt buộc của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS), bất kỳ trái cây nào nhập khẩu vào nước này phải qua khâu xử lý chiếu xạ để đảm bảo sâu bệnh không xâm nhập nhưng hiện nay việc chiếu xạ thanh long cũng không khó khăn vì có hai nhà máy của Công ty Sơn Sơn (TP.HCM) và An Phú (Bình Dương). Ngoài ra, An Phú đang xây dựng một nhà máy chiếu xạ tại Vĩnh Long, dự kiến hoạt động vào tháng 5/2011. Nhà máy có công suất chiếu xạ 150 tấn trái cây/ngày sẽ giải quyết khó khăn về vận chuyển trái cây đi chiếu xạ cho vựa trái cây ở ĐBSCL.
Bên cạnh các hình thức trên, bà Vũ Kim Hạnh- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM (BSA)- cho rằng, hiện nay một khâu khác trong việc xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản chưa được chú trọng đó là khâu truyền thông. Hầu hết các sạp chợ và cửa hàng truyền thống đều cho rằng, không cần thiết quảng cáo cho các mặt hàng trái cây trong nước. Theo bà Hạnh, trong thời gian tới BSA sẽ triển khai dự án hỗ trợ nông sản Việt Nam, trong đó có chương trình truyền thông tại điểm bán.
Mục tiêu của chương trình là kết nối nhu cầu kinh doanh giữa người bán và người sản xuất, quảng bá cho hàng nông sản trong nước, tạo dấu hiệu nhận diện và tăng niềm tin vào nông sản trong nước cho các cửa hàng. Nếu cả người nông dân và doanh nghiệp cùng làm tốt những việc trên thì giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ không chỉ dừng lại ở 500 triệu USD/năm mà sẽ còn tăng cao hơn nữa.
AGROINFO – Theo Báo Quân đội nhân dân