Thời tiết xấu đe dọa vựa lúa sông Hồng và Bắc Trung bộ

16/05/2011

Do thời tiết thất thường, sâu bệnh gây hại, diện tích giảm nên lúa vụ đông xuân 2010-2011, các tỉnh đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Bắc trung bộ (BTB) đang có nguy cơ bị giảm năng suất.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc, vụ đông xuân năm nay các tỉnh ĐBSH và BTB đã gieo cấy khoảng 900 nghìn ha, giảm khoảng 11 nghìn ha so với năm trước. Việc giảm năng suất lúa có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là về vấn đề giống, thời tiết và thời vụ. Do vụ đông xuân năm nay, rét đậm rét hại kéo dài đúng vào giai đoạn mạ và đẻ nhánh dẫn tới lúa sinh trưởng kém, trỗ chậm hơn so với hằng năm. Nhiệt độ thấp, độ ẩm không khí lớn, số giờ nắng trong ngày thấp đã hạn chế quá trình hấp thu dinh dưỡng, quang hợp và đẻ nhánh của cây lúa, ngừng quá trình thải độc trong đất dẫn tới lúa sinh trưởng phát triển chậm, đẻ nhánh ít và muộn hơn so với cùng kỳ hằng năm nên nhiều diện tích bị chết hoặc nghẹt rễ, vàng lá. Trong đó, tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã có khoảng hơn 5000 ha mạ và 7000 ha lúa bị chết và sinh trưởng phát triển chậm, nhất là các giống lúa thuần chịu rét kém, các chân ruộng không đủ nước, diện tích mạ không được che phủ ni-lon đúng kỹ thuật hoặc bón lót phân đạm bị chết nhiều. Theo đó, dự kiến thời gian sinh trưởng của các giống lúa sẽ kéo dài thêm 20-25 ngày, với những diện tích lúa bị chết và gieo cấy lại trước ngày 15-3, thời vụ có thể bị kéo dài thêm từ 30-35 ngày so với cùng kỳ năm trước.
Do thu hoạch lúa đông xuân muộn nên sẽ ảnh hưởng tới thời vụ và cơ cấu giống lúa vụ mùa ở các tỉnh ĐBSH và vụ hè thu ở các tỉnh Bắc trung bộ. Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán, thiếu nước sản xuất cho vụ đông xuân ở các tỉnh trên đã xảy ra trên diện rộng và kéo dài trong nhiều tháng. Nguồn nước trên các sông, hồ chứa giảm nhanh và đều ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 6 đến 30%, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt nước ở lưu vực sông Lô, Hồng và Thái Bình…Với những bất lợi về thời tiết trong sản xuất nên dự kiến năng suất lúa ở hai vùng sẽ thấp hơn năm trước khoảng 0,4 tạ/ha; sản lượng lúa ước đạt hơn 5,4 triệu tấn, sụt giảm hơn 100 nghìn tấn so với vụ năm trước. Trong đó vùng ĐBSH năng suất trung bình dự kiến đạt 62,8 tạ/ha; thấp hơn 0,4 tạ/ha so với vụ trước, sản lượng ước đạt 3,5 triệu tấn, giảm 35 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm ngoái. Vùng BTB năng suất trung bình ước đạt 57 tạ/ha, thấp hơn 0,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 1,9 triệu tấn, giảm khoảng 60 nghìn tấn so với vụ đông xuân trước. Theo đánh giá của các tỉnh, thời vụ năm nay sẽ rất căng thẳng, nông dân vừa thu hoạch, vừa làm đất vừa gieo cấy trong vòng một tháng có thể dẫn tới nhiều nguy cơ về thiếu nhân công, đất suy kiệt và khả năng sâu bệnh tăng cao.
Điều đáng lo ngại đối với 16 tỉnh ĐBSH và BTB hiện nay là thời vụ vụ đông xuân chậm sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất vụ hè thu và lúa mùa. Ngoài ra, nhiều địa phương còn bị tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn, bão lũ ảnh hưởng đến sản xuất trong vụ mùa, hè thu sắp tới. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, việc thu hoạch lúa đông xuân chậm đã làm kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa chậm theo, việc thu hoạch lúa hè thu, lúa mùa sẽ rơi vào đúng thời kỳ mưa bão nhiều. Còn ở tỉnh Ninh Bình, nếu không đẩy nhanh tốc độ sinh trưởng của lúa đông xuân, rút ngắn được thời vụ thu hoạch lúa, lũ tiểu mãn về đúng lịch thì nguy cơ mất trắng diện tích lúa ngoài đê trên địa bàn là rất cao. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, vào thời điểm này mọi năm, lúa đã trỗ và vào mẩy. Dự kiến tỉnh Nghệ An sẽ có 4000 – 5000 ha lúa trỗ muộn vào khoảng ngày 20-5, như vậy, thu hoạch vụ đông xuân sẽ vào giữa tháng 6, muộn một tháng so với lịch thời vụ.
Trước những khó khăn trên, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Bá Bổng cho rằng, các tỉnh cần tập trung thu hoạch lúa đông xuân nhanh, gọn, cắt sát gốc rạ, giữ nước không để chân ruộng bị khô cạn; thu hoạch đến đâu làm đất gieo cấy lúa hè thu, lúa mùa đến đó. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần chú trọng tăng cường cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch đến đâu làm đất vùi sâu gốc rạ đến đó, để tăng khả năng phân hủy gốc rạ, tránh cho lúa mới cấy bị ngộ độc hữu cơ trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Đồng thời, cân đối cụ thể lượng giống lúa đã có của doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn. Các địa phương chủ động phối hợp các doanh nghiệp chuyển hạt giống từ các tỉnh Nam Bộ và duyên hải miền trung hoặc nhập khẩu giống phù hợp bảo đảm đủ lượng giống cho nhân dân sản xuất; hướng dẫn kỹ thuật xử lý phá ngủ đối với hạt giống lúa chuyển vụ. Đặc biệt, các địa phương cần ưu tiên gieo cấy những giống lúa ngắn ngày cho trà hè thu chạy lũ ở các tỉnh BTB để kịp thời thu hoạch trước ngày 15-9 và trà sớm ở ĐBSH để làm vụ đông sớm.
Đối với các vùng úng trũng không kịp thu hoạch lúa hè thu trước lũ thì có thể để vụ lúa chét và chủ động thâm canh để lúa chét đạt năng suất cao; mở rộng diện tích lúa lai có thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu tốt trong vụ hè thu, vụ mùa, đặc biệt là các giống lúa lai hai dòng. Các địa phương cũng cần khuyến cáo bà con nông dân phải làm mạ trước để khi làm đất xong thì cấy ngay; chỉ đạo hướng dẫn nông dân ưu tiên làm mạ dầy xúc, mạ sân hoặc làm mạ theo hình thức gặt sớm một góc ruộng để gieo mạ; có biện pháp phòng trừ rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh lùn sọc đen. Hơn nữa, các tỉnh ĐBSH và BTB có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, bảo đảm đủ nước cho gieo cấy, chăm sóc lúa hè thu, lúa mùa. Nếu vùng nào khó khăn không đủ nước tưới hoặc bị lũ sớm không kịp thu hoạch thì chuyển đổi sang cây trồng khác. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động theo dõi, phát hiện và phòng trừ kịp thời các loại sâu, bênh gây hại nguy hiểm như rầy lưng trắng, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân trên mạ và lúa cấy theo hướng dẫn của ngành BVTV.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng đề nghị các địa phương chủ động ban hành một số chính sách hỗ trợ chăm sóc, thu hoạch lúa vụ đông xuân và triển khai vụ hè thu, vụ mùa và vụ đông 2011. Theo đó, cần hỗ trợ nhân dân khâu làm đất như chi phí xăng dầu cho cơ giới hóa để làm đất nhanh, bơm tát nước phục vụ cấy kịp thời; hỗ trợ giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa có thời gian sinh trưởng cực ngắn dưới 100 ngày; bố trí đủ kinh phí cho các công ty thuỷ nông để điều tiết nước phục vụ lúa cấy trong vụ hè thu, vụ mùa; hỗ trợ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như lúa gieo thẳng, cấy lúa theo phương pháp SRI, khảo nghiệm các giống lúa mới.
AGROINFO – Theo Báo Nhân dân

Nguồn: http://nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/nh-n-nh/th-i-ti-t-x-u-e-d-a-v-a-lua-song-h-ng-va-b-c-trung-b-1.296494#JlT4pQRLmdrn


Tin khác