Chủ động đối phó với khủng hoảng lương thực : Cơ hội nào cho Việt Nam?

16/05/2011

Trước tình hình giá lương thực tăng cao, nhiều quốc gia đang phải tìm giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực. Tại Việt Nam, một số chuyên gia kinh tế nhận định, đây là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời vẫn đảm bảo an ninh lương thực trong nước.

Liệu có bị ảnh hưởng?
Tại Hội thảo "Tác động của việc tăng giá lương thực đến nền kinh tế và đời sống nông dân Việt Nam" do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức mới đây, các chuyên gia nhận định, tình hình tăng giá lương thực hiện nay không giống sự tăng giá của cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008. Giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đã đạt 520 USD/tấn, cao hơn thời điểm này năm trước 80 USD. Theo dự báo, xuất khẩu gạo thế giới năm nay sẽ tăng hơn 15% so với năm 2010 và Việt Nam chỉ xếp sau Ấn Độ với mức tăng gần 38%.
Việt Nam cần tận dụng cơ hội để vừa đảm bảo ANLT, vừa đẩy mạnh xuất khẩu gạo.
 
Chuyên gia kinh tế TS.Lê Đăng Doanh cho biết, tăng giá lương thực năm 2008 là do sự chuyển dịch cơ cấu đầu tư, hiện tượng đầu cơ vào sản phẩm nông nghiệp của các nhà tài chính, thêm vào đó là tác động về mặt chính trị, sự thắt chặt chính sách xuất khẩu, hạn hán, mất mùa tại một số nước... Còn hiện nay, giá lương thực tăng không phải là dấu hiệu bất thường, nguồn cung vẫn đảm bảo, không có dấu hiệu đầu cơ hay hạn chế xuất - nhập khẩu. Vì vậy, sẽ không có khủng hoảng lương thực.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, không phải ai cũng có gạo để bán. Vấn đề đặt ra là phải làm sao để nông dân và người kinh doanh gạo vừa được hưởng lợi từ việc tăng giá, lại vừa kiềm chế mức tăng giá ở thị trường trong nước. Về lâu dài, Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, giúp nông dân vượt qua khó khăn, có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu gạo.
"Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến vấn đề an ninh lương thực; phải cố gắng giữ được diện tích trồng lúa nước ổn định 3,2 triệu hecta, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng… Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức tiềm ẩn thì đây cũng là cơ hội để chúng ta nâng cao sản lượng xuất khẩu gạo. Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động đối với vấn đề đảm bảo an ninh lương thực. Vừa qua, Chính phủ đã cho phép mua dự trữ 1 triệu tấn gạo. Hiện, trong kho đã có trên 1 triệu tấn, trong khi lượng lúa gạo trong dân còn nhiều, các tỉnh phía Nam vừa thu hoạch vụ lúa đông xuân với khoảng 1,5 triệu hecta, tương đương 10 triệu tấn thóc (6-7 triệu tấn gạo). Số lúa gạo này hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu không chỉ cho tiêu dùng nội địa, mà còn cho xuất khẩu", ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khẳng định.
Xuất hiện nhiều cơ hội
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong quý I/2011, nước ta xuất khẩu 1,849 triệu tấn gạo các loại, đạt kim ngạch 884 triệu USD, cao nhất về số lượng và giá trị kể từ năm 1989 đến nay.
Trên thực tế, giá gạo 5% tấm của Việt Nam thời gian gần đây liên tục tăng và gần ngang bằng với giá gạo của Thái Lan. Theo tính toán sơ bộ, gạo Việt Nam đã tăng giá 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù vẫn chưa bằng một nửa mức kỷ lục 1.000 USD/tấn hồi tháng 5/2008. Gần đây nhiều khách hàng ký hợp đồng mua gạo Việt Nam, chỉ riêng 20 công ty Trung Quốc đã mua tới 130.000 tấn. Ngoài ra, chúng ta cũng giành được một số thị phần từ các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan.
Bộ Nông nghiệp và PTNT mới đây cũng bất ngờ thay đổi dự báo xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính như gạo, thủy sản, càphê, cao su... Trong đó nổi bật nhất là dự báo xuất khẩu gạo có khả năng vượt 7 triệu tấn cho năm 2011 so với dự báo 6 triệu tấn hồi đầu năm nay.
Theo TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam đóng góp trên 20% lượng gạo thương mại trên thế giới nên việc tăng giảm lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đóng vai trò quan trọng cho an ninh lương thực thế giới. Vấn đề là nước ta cần có giải pháp sản xuất lúa gạo thật bền vững để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; có chính sách giải quyết thỏa đáng việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị lúa gạo cho công bằng giữa người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu; có chính sách cho người trồng lúa để nông dân an tâm sản xuất, tăng sản lượng.
Bà Yuriko Shoji, người từng có hơn 20 năm công tác trong nhiều tổ chức quốc tế của Liên Hợp quốc khẳng định: "Việt Nam là một trong những thành tố quan trọng trên thị trường thế giới trong việc bình ổn thị trường lương thực, đặc biệt là mặt hàng gạo. Chúng tôi đánh giá cao khả năng về nguồn cung ổn định cả trong nước và thị trường thế giới của Việt Nam. Đó luôn là yếu tố quan trọng trong việc làm ổn định giá cả trên thị trường thế giới.
Trong bối cảnh giá lương thực thực phẩm thế giới tăng mạnh như hiện nay, vai trò của những quốc gia như Việt Nam trong việc bình ổn thị trường càng không hề nhỏ. Chính vì vậy, chúng tôi hy vọng và mong muốn rằng, không chỉ Việt Nam mà cả các quốc gia khác, ngoài việc luôn đảm bảo đủ nguồn cung trong nước thì cũng không nên hạn chế xuất khẩu, nhằm đảm bảo vấn đề an ninh lương thực thế giới".
Năng lực dự trữ là then chốt
Để tăng cơ hội cho Việt Nam, giúp việc xuất khẩu luôn được lợi về giá, từ đó tăng thu nhập cho nông dân, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần nâng cao năng lực dự trữ, đảm bảo đưa hàng ra thị trường đúng thời điểm.
Các chuyên gia đánh giá, hai điểm yếu căn bản trong nền sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam lâu nay là tín dụng và kho chứa. Chúng ta phải đảm bảo tín dụng cho nông dân chứ không phải cho các công ty xuất khẩu; không có vốn, nông dân sẽ bán lúa ngay sau khi thu hoạch. Kho chứa lúa và gạo của các công ty thương mại hiện nay chỉ đáp ứng cho nhu cầu kinh doanh, quay vòng với thời hạn 5-6 tháng; ít có kho chứa nào đạt chuẩn để chứa được trên một năm. Hệ thống kho dự trữ của nhà nước còn ít, thời gian bảo quản cũng chưa đảm bảo.
Để cải thiện năng lực cạnh tranh của lúa gạo, cần cải thiện chuỗi giá trị đang vận hành hiện nay và nâng cấp hệ thống kho dự trữ. Khi thực hiện được việc này chúng ta mới có thể yên tâm với vấn đề an ninh lương thực quốc gia và tham gia khi thị trường thế giới bất ổn.
Từ bài học xuất khẩu gạo năm 2008 (do khả năng dự báo còn hạn chế nên chúng ta hạn chế xuất khẩu khi giá thế giới tăng và bán khi giá đã hạ nhiệt, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận), nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc thiết lập một chính sách đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Chính phủ cần có chính sách xuất khẩu gạo bắt nhịp với giá thị trường thế giới, đồng thời đảm bảo ổn định giá thu mua trong nước theo nguyên tắc có lợi cho nông dân. Nhiều chuyên gia lúa gạo dự báo, xuất khẩu gạo năm 2011 thuận lợi về mặt số lượng và cả về giá cả. Cung ít hơn cầu và những dự báo về tiềm ẩn một cuộc khủng hoảng giá lương thực cho thấy khách hàng chắc chắn sẽ mua hết gạo của Việt Nam với giá cao. Trách nhiệm của nhà chức trách là phải biết tận dụng những điều kiện thuận lợi của thị trường, đưa ra các quyết sách kịp thời để xuất khẩu gạo và thu mua lúa của nông dân với giá cao.
Bà Yuriko Shoji cho rằng: "Là một trong những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Chính vì thế, việc giá lương thực tăng mạnh trên thế giới đương nhiên là cơ hội cho các bạn. Tuy nhiên, để phát huy thật tốt những lợi thế mà các bạn có thì cần phải đẩy mạnh phát triển, đầu tư để có một nền nông nghiệp thực sự tiên tiến. Cần phải có những mô hình hiện đại hơn, có sự đầu tư khoa học với công nghệ hiện đại hơn. Ví như các bạn nên tăng cường đầu tư hơn nữa vào xây dựng hạ tầng giao thông, vào hệ thống lưu trữ hàng hóa, rồi kế tiếp là phải tính đến việc đào tạo các kỹ năng tốt cho nông dân. Nếu thực hiện được điều này, các bạn sẽ thành công trong việc không chỉ đảm bảo đủ số lượng, mà chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng được nâng cao, từ đó mới tạo cơ hội cho việc xuất khẩu lâu dài, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường xuất khẩu nông sản thế giới".
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn
Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/5/28367.html

Tin khác