Cân đối cung cầu và điều hành nhập khẩu đường: Đảm bảo hài hòa quyền lợi người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng

16/05/2011

Thời gian qua, giá đường liên tục tăng, sau đó giảm nhẹ, trong khi doanh nghiệp sản xuất trong nước lại không tiêu thụ được. Nghịch lý này một lần nữa lại được người ta đổ thừa cho việc dự báo sai, cấp hạn ngạch thuế quan nhiều hơn so với nhu cầu... Vậy thực hư câu chuyện này ra sao?

Nhập khẩu không ảnh hưởng
Hiện, giá bán buôn đường RS ở mức 17.000-18.000 đồng/kg, đường trắng RE 18.000-20.000 đồng/kg tùy khu vực, giảm 500-1.000 đồng/kg so với những tháng đầu năm, nhưng vẫn cao hơn khoảng 2.500-3.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2010. Mặc dù vậy, các nhà máy sản xuất vẫn đang tồn một lượng đường khá lớn trong kho. Tính đến ngày 15/4, lượng đường tồn kho của các nhà máy là 525.000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm 2010 là 142.000 tấn.
Cân đối cung cầu đến hết tháng 7/2011, lượng đường sản xuất từ 15/4 đến cuối vụ khoảng 80.000 tấn, cộng với lượng tồn kho 525.000 tấn và khoảng 70.000 tấn mà các doanh nghiệp (DN) đã ký hợp đồng nhập khẩu đến hết tháng 7, tổng nguồn đường vào khoảng 670.000 tấn, đáp ứng đủ nhu cầu cho 5 tháng cao điểm (mùa nắng nóng và Tết Trung thu) và đủ đến tháng 9 nếu không có biến động lớn.
Trái với những thông tin trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam lại cho rằng, việc nhập đường trong bối cảnh các nhà máy đang vào hoạt động chính vụ đã tạo ra tình trạng thừa đường cục bộ, ước tính khoảng 160.000 tấn.
Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sản lượng đường sản xuất niên vụ 2010-2011 ước đạt 1,1 triệu tấn là chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước (khoảng trên 1,4 triệu tấn) và việc các bộ phối hợp xác định, công bố và cấp phép nhập khẩu 250.000 tấn đường là phù hợp với nhu cầu.
Ai được lợi?
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nông dân là người sản xuất ra đường và chính họ là người quyết định sự tồn tại của ngành chứ không phải các DN. Vì thế, việc Bộ Công Thương khẳng định việc nhập khẩu đường không ảnh hưởng tới các nhà máy sản xuất trong nước là không đúng, thậm chí nó đã ảnh hưởng tới lợi ích của chính người trồng mía. Theo tính toán, khi giá mía vượt ngưỡng 1.000 đồng/kg, nông dân lời tới 40-50 triệu đồng/ha. Trong 10 năm qua, sản lượng đường chỉ đạt trên dưới 1 triệu tấn, trong khi thu nhập của người trồng mía quá thấp nên không mở rộng được diện tích. Vài năm trở lại đây, khi cây mía cho thu nhập cao hơn, người trồng mía mới bắt đầu quay lại với nghề. Vì thế, để ổn định diện tích trồng mía, đảm bảo nông dân có lãi, không có cách nào khác là giá đường phải cao hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, đường là một trong những mặt hàng nông sản được quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan và không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu. Hàng năm, việc xác định, công bố số lượng và nguyên tắc điều hành nhập khẩu đường được Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính thực hiện. Tới đây, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Mía đường cần rà soát cung cầu lượng đường cho đến mùa vụ sau. Để giải tỏa vấn đề tâm lý và áp lực đường đang tồn kho, Bộ Công thương quyết định giãn tiến độ việc nhập khẩu lượng đường theo hạn ngạch còn lại; đề nghị các nhà máy sản xuất bánh kẹo, sữa ưu tiên tiêu thụ đường trong nước. Bộ sẽ phối hợp với cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng để ngăn chặn việc đường nhập lậu vào nước ta.
"Năm nay, sản xuất trong nước được mùa, nông dân trồng mía có lãi, giá đường trên thị trường trong nước giảm nhẹ là phù hợp với diễn biến của thị trường, bảo đảm hài hòa quyền lợi người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng", bà Lương Ánh Quỳnh, Phó vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn
Nguồn: http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/5/28361.html

Tin khác