Hà Nội mở rộng sản xuất lúa đặc sản

23/05/2011

“Hợp tác 4 nhà đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng cao” là chủ đề hội thảo do Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội tổ chức. Mục tiêu đến năm 2015, lúa hàng hóa sẽ đáp ứng được 30- 35% nhu cầu lương thực của người dân Thủ đô.

Theo Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội, vụ xuân 2011 Trung tâm triển khai SX lúa hàng hóa chất lượng cao, quy mô 1.200 ha tại 12 xã, HTXNN của 6 huyện ngoại thành Hà Nội. Có 3 DN tham gia cung ứng 80 tấn giống (Nàng Xuân, Bắc thơm số 7, Tám xoan đột biến, nếp 87, T10) gồm Cty CP Nông nghiệp Nhiệt đới, Cty CP Giống cây trồng TƯ, Xí nghiệp Giống cây trồng Hà Nội. “Các DN cung ứng giống đảm bảo đúng thời gian, tiến độ, thời vụ; đồng thời cho HTXNN trả chậm tiền hàng…Hiện nay lúa bắt đầu trỗ trong điều kiện thời tiết thuận lợi, dự kiến năng suất ước đạt 5-5,2 tấn/ha, sản lượng khoảng 6.000 tấn, giá trị sản phẩm hàng hóa ước đạt 630 tỷ đồng”, ông Nguyễn Bá Sướng, GĐ TT Giống cây trồng Hà Nội nhận định.
Tại hội nghị Chủ nhiệm HTX Phong Vân (Ba Vì), Trần Đăng (Ứng Hòa), Đại Thắng (Phú Xuyên)… đều nhận định vụ xuân năm nay rét kéo dài, đẩy lùi thời vụ 15-20 ngày. Song được sự giúp đỡ của TT Giống cây trồng Hà Nội, bà con thực hiện tốt biện pháp kỹ thuật, đảm bảo năng suất chất lượng, hiệu quả SX. Ông Ngô Quang Điểm, TGĐ Cty TNHH Nông nghiệp Nhiệt đới cho biết, trong quá trình thâm canh giống lúa Nàng Xuân và nếp Lang Liêu do Cty cung ứng cho thấy giống chịu rét khá. Tại HTX Vật Lại, Ấm Thượng đều chưa có hiện tượng sâu bệnh, lúa trổ đẹp, ước đạt 5-6 tấn/ha.
Ông Lê Hồng Sơn, GĐ Cty Thái Dương cho rằng, nông dân Hà Nội đã từng bước làm quen SX lúa hàng hóa, qua đó thu hút DN đầu tư và thu mua sản phẩm với khối lượng lớn. Tuy nhiên Hà Nội SX lúa chất lượng rất dàn trải, khó tạo thành thương hiệu. “Chẳng hạn Nam Định quy hoạch vùng SX lúa tám xoan Hải Hậu và xây dựng thương hiệu gạo tám rất thành công. Hà Nội không nên chia rộng nhiều vùng SX mà nên xây dựng thương hiệu lúa đặc sản cho từng vùng, chẳng hạn Bắc thơm Chương Mỹ, nếp cái hoa vàng Mỹ Đức, chứ xã nào cũng cấy Bắc thơm, nếp 97 thì rất khó tạo thương hiệu”-ông Sơn nói.
Về kế hoạch SX lúa hàng hóa vụ mùa, ông Nguyễn Bá Sướng cho biết nhu cầu giống tương đương vụ xuân, khoảng 80 tấn. Việc cung ứng giống sẽ gặp khó khăn do giống chuyển từ SX vụ xuân sang làm giống, thời gian cung ứng ngắn, gây khó khăn cho nông dân khi nông dân ngâm ủ giống nảy mầm. Giá giống có khả năng cao hơn dự toán ngân sách hỗ trợ. Thời vụ SX rất gấp, đặc biệt là với các HTX có truyền thống SX vụ đông. Muốn kịp thời SX vụ đông, mạ mùa phải gieo từ 5-10/6 để cấy trước 30/6.
Ông Lê Hồng Sơn khẳng định hầu hết giống lúa vụ mùa đều do DN trồng trong miền Trung chuyển ra, đặc biệt trong đó không có nhiều giống chất lượng. Ông Sơn cũng cho rằng vụ xuân năm nay Hà Nội SX giống nếp 97 nhiều, do năm ngoái phía Trung Quốc có nhu cầu thu mua nếp tẻ. Nhưng năm nay nếu đối tác trục trặc giảm thu mua thì nông dân rất “nặng đầu”. Vụ mùa nên khuyến khích SX giống nếp thơm, cứ đưa nhiều nếp N87, N97 thì rất căng thẳng.
“Viện Cây lương thực-cây thực phẩm đã nghiên cứu chọn tạo nhiều giống năng suất, chất lượng để Hà Nội có thể lựa chọn SX trong vụ mùa như giống HYT 100, T1, HT9, SH4, SH 63. Về giống ngắn ngày có PC6 (90-95 ngày), P6 đột biến (75-80 ngày), gạo ngon”, PGS.TS Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng CLT-CTP.
“Có ý kiến đưa giống PC6 vào SX vụ mùa nhưng trồng giống ngắn ngày mà năng suất tụt xuống thì nông dân không làm đâu. SX lúa hàng hóa dưới 6 tấn là không thành công. Về thâm canh lúa mùa, phải tranh thủ thời vụ, áp dụng phương thức gieo mạ đơn giản như một số nơi đã làm, như cắt một góc 5m2 ruộng để gieo mạ sớm. Khi gặt xong là có mạ xúc ra cấy ngay”, TS Lê Hưng Quốc.
“Năm nay vụ xuân thu hoạch muộn, vì thế vụ mùa thời gian làm đất ngắn. Nếu thời tiết nóng, cày vật rạ sau gieo cấy ngay, lúa sẽ bị vàng lá, nghẹt rễ. Nếu không có giải pháp kỹ thuật giải độc đất ngay đầu vụ sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa mùa”, ông Lê Hồng Sơn.
 
TS Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng VN nhận xét, qua ba vụ SX cho thấy chương trình lúa hàng hóa của Hà Nội bước đầu thành công. Tuy nhiên Hà Nội phải học tập địa phương khác, tạo dựng thương hiệu cho lúa gạo. “Thương hiệu “gạo Thủ đô” tôi phân vân không nên đặt, bởi Thủ đô là đô thị. Nên chăng đặt thương hiệu gạo gắn với từng địa phương SX đặc trưng như ở Nam Định có thương hiệu gạo tám Hải Hậu, Thái Nguyên có Bao thai Định Hóa. Về giống lúa đặc sản, Hà Nội chọn 4-5 giống/vụ mà vẫn chưa nổi trội giống nào. Theo tôi mỗi vùng chỉ thâm canh 1-2 giống, sớm đăng kí Cục Sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý để làm thương hiệu”-ông Quốc nêu ý kiến.
TS Trần Xuân Việt, GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội cho biết, chương trình SX lúa hàng hóa chất lượng cao 2010-2015 được UBND TP phê duyệt với tổng kinh phí 184 tỷ đồng với mục tiêu xây dựng vùng lúa đặc sản ổn định. Việc mở rộng quy mô sẽ tạo thành vùng SX lớn, đòi hỏi mối liên kết 4 nhà ngày càng chặt chẽ. Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội là đơn vị đầu mối phải thực hiện tốt việc hỗ trợ kinh phí, đặc biệt là kỹ thuật. DN kí hợp đồng giúp nông dân bao tiêu sản phẩm ổn định.
“Tới đây Sở NN-PTNT rà soát lại quy hoạch, chỉ SX lúa hàng hóa ở vùng đủ điều kiện, diện tích lớn và chọn mỗi huyện chỉ thâm canh 1-2 giống chất lượng. Sẽ không dùng thương hiệu chung chung là “gạo Thủ đô” mà thương hiệu phải gắn với xã, huyện trồng giống đặc sản. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ sản phẩm vùng miền, quảng bá thương hiệu gạo. Sở cũng đề nghị TP hỗ trợ DN thu mua lúa tạm trữ cho nông dân theo chương trình bình ổn giá”, ông Việt nói.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/78371/Default.aspx


Tin khác