Nam Định: Cần tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện miễn thủy lợi phí

25/05/2011

Từ hơn 3 năm nay, nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh Nam Định đã được hưởng lợi từ chính sách miễn thủy lợi phí (MTLP) theo Nghị định 115 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ kịp thời.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nam Định, kể từ khi thực hiện Nghị định 115 ngày 14/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ, diện tích tưới tiêu trong toàn tỉnh được MTLP đã tăng từ 187.156 ha năm 2008 lên 197.559 ha năm 2009 và 212.091 ha năm 2010. Thực tế, hiệu quả của chính sách này có thể thấy rất rõ như: chất lượng tưới tiêu ngày càng tăng khi các Công ty khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) và các hợp tác xã dùng nước có "trách nhiệm hơn" vì vừa được cấp bù thủy lợi phí, vừa được tỉnh phân cấp quản lý rõ ràng. Ngoài ra, kinh phí được cấp bù miễn thủy lợi phí đến nay đã tăng gấp 3 lần so với khi còn thu thủy lợi phí, góp phần tu bổ, sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình thủy lợi hơn. Điều quan trọng nhất là chính sách này đã góp phần cải thiện đời sống của người dân nông thôn vốn còn nhiều khó khăn.
Tuy vậy, việc thực hiện miễn thủy lợi phí trên cả nước nói chung và tại tỉnh Nam Định nói riêng vẫn bộc lộ những bất cập. Thứ nhất, Nghị định 115 và Thông tư hướng dẫn số 36 của Bộ Tài chính quy định: đối với diện tích đất, mặt nước của các hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán của các doanh nghiệp, nông, lâm trường không thuộc đối tượng được miễn thủy lợi phí. Trong khi đó, trên thực tế, hầu hết các công nhân nông trường trong tỉnh đều nhận giao khoán đất lâu dài để gieo cấy và nuôi trồng thủy sản. Họ thực sự là những người nông dân nhưng lại không được miễn thủy lợi phí. Ngoài ra, các trại lúa giống và công ty sản xuất lúa giống trong tỉnh cũng không được miễn thủy lợi phí dù có nhiều đóng góp cho sản xuất nông nghiệp địa phương. Thứ 2, bà con nông dân vẫn phải đóng góp thủy lợi phí cho việc lấy nước từ cống đầu kênh đến mặt ruộng nhưng mức thu giữa các vùng chênh lệch nhau rất nhiều do các công ty KTCTTL phải sử dụng các biện pháp tưới tiêu khác nhau. Thứ 3, Nghị định 115 quy định cụ thể mức thu thủy lợi phí "cứng" cho từng vùng, từng biện pháp tưới tiêu. Tuy nhiên, từ đầu năm 2009 đến nay các mức thu này vẫn được giữ nguyên dù giá các yếu tố đầu vào như giá điện, xăng dầu, vật tư máy móc, lương cơ bản... đã tăng gấp nhiều lần.
Ngoài ra, theo Sở NN&PTNT Nam Định, nhiều công trình, trạm bơm điện trước đây xây dựng bằng nguồn kinh phí do nông dân đóng góp và hiện đã được bàn giao cho các công ty KTCTTL quản lý, khai thác. Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT vẫn chưa có hướng dẫn về nguồn kinh phí hoàn trả cho người dân. Sau khi nhận bàn giao công trình do xã và các hợp tác xã quản lý về công ty KTCTTL, số cán bộ được bàn giao tăng nhiều nhưng hiện vẫn chưa có hướng dẫn cách giải quyết. Ngoài ra, công tác quản lý và bảo vệ công trình thủy lợi cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do Luật Đất đai và các văn bản liên quan chưa có quy định cụ thể.
Từ những khó khăn, vướng mắc trên, tỉnh Nam Định kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 115 để chính sách miễn thủy lợi phí đảm bảo công bằng giữa những đối tượng thụ hưởng và phù hợp hơn với thực tiễn, góp phần nâng cao đời sống cho bà con nông dân và tạo điều kiện để các công ty KTCTTL phục vụ ngày một tốt hơn./.
AGROINFO – Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30065&cn_id=461082


Tin khác