Bình Định: Tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tôm nuôi

27/05/2011

Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên tôm ở Bình Định diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn cho người nuôi.

Diễn biến phức tạp
Theo thống kê, diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh của tỉnh Bình Định đã lên tới 82,66ha, trong đó có 40,06ha do vi-rút đốm trắng và 42,6ha bị bệnh do môi trường nuôi. Điều đáng chú ý là diện tích tôm bị bệnh đã tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, diện tích bệnh do vi-rút đốm trắng tăng gấp 3,85 lần. Các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước có diện tích tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh đốm trắng khá cao và có dấu hiệu lây lan ra hầu hết các xã nuôi tôm.
Các hồ nuôi tôm ở Tuy Phước tăng cường các biện pháp kỹ thuật để phòng chống dịch bệnh tôm.
 
Ông Lê Siêng ở xã Hoài Hải (Hoài Nhơn) cho biết: "Hồ tôm của tôi rộng hơn 5.000m2, nuôi tôm thẻ chân trắng. Tôm đang lớn thì bỗng nhiên bị bệnh chết hàng loạt. Tôi báo cáo với cán bộ thú y thủy sản đến lấy mẫu xét nghiệm thì được biết tôm bị nhiễm vi-rút đốm trắng. Theo kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm của tôi thì loại dịch bệnh này không thể chữa trị được, phải nhanh chóng đóng hồ để xử lý bằng hóa chất sát trùng, tránh lây lan ra diện rộng".
Ông Đỗ Hoàng Thế, người có thâm niên nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Tam Quan Bắc, cũng rầu rĩ vì 1ha tôm nuôi lâm bệnh đốm trắng. Ông cho biết: "Tôm nuôi trong các hồ của tôi đã được gần 2 tháng tuổi, chỉ còn 1 tháng nữa là thu hoạch thì bỗng dưng chết hàng loạt. Sáng ra cho tôm ăn không còn thấy chúng nổi lên đớp mồi như mọi hôm, tôi nhìn xuống đáy hồ thì thấy tôm chết".
Theo phân tích của ngành chức năng, nguyên nhân làm cho dịch bệnh tôm nuôi tại Hoài Nhơn và Tuy Phước tái phát mạnh là do diễn biến thời tiết bất thường, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cao. Một số diện tích nuôi tôm ở Hoài Nhơn thả sớm không tuân thủ đúng lịch thời vụ của tỉnh, làm phát sinh dịch bệnh. Bên cạnh đó, ý thức của người nuôi trong phòng chống dịch bệnh tôm chưa cao, không báo cáo dịch bệnh kịp thời cho ngành chức năng mà tự xử lý làm cho dịch bệnh lây lan…
Chủ động phòng chống dịch bệnh
Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh tôm, UBND tỉnh Bình Định đã ra Văn bản số 1233/UBND-KTN gửi Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố ven biển yêu cầu tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh tôm nuôi. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp, UBND các huyện, thành phố ven biển thành lập và chỉ đạo các tổ công tác phòng chống dịch bệnh tôm đứng chân tại các địa phương có dịch bệnh, nhanh chóng triển khai các biện pháp bao vây, khống chế các ổ dịch. Hỗ trợ hóa chất xử lý tiêu diệt mầm bệnh đối với các hồ nuôi tôm bị phát hiện nhiễm vi-rút thân đỏ đốm trắng. Đồng thời, hướng dẫn quy trình kỹ thuật xử lý môi trường nuôi, quy trình xử lý phòng chống dịch bệnh tôm cho người dân…
Ngành nông nghiệp tỉnh đã thành lập 2 tổ công tác phòng chống dịch bệnh tôm. Chi cục Thú y tỉnh đã xuất khẩn cấp 20 tấn hóa chất Clorin B do Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ cho các địa phương có dịch bệnh tôm xử lý, bao vây các ổ dịch. Đồng thời, các tổ công tác của ngành nông nghiệp đã kịp thời bám sát, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bao vây khống chế dịch có hiệu quả.
Ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bình Định cho biết: "Hiện nay, tình hình dịch bệnh tôm nuôi tại 2 huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước đã cơ bản được khống chế, tại các vùng nuôi tôm không còn xảy ra các ổ dịch bệnh mới phát sinh. Chi cục tiến hành lấy mẫu tôm để xét nghiệm và không còn phát hiện có vi-rút đốm trắng. Tuy nhiên, người nuôi tôm cần lưu ý, đối với các hồ đã phát hiện dịch bệnh, không được thả tôm ngay mà phải đợi đến ngày 15/6 tới (thời điểm bắt đầu thả nuôi vụ 2 theo lịch thời vụ). Bên cạnh đó, người nuôi tôm cần tập trung công tác vệ sinh, tiêu độc môi trường ao nuôi và cải tạo ao theo quy trình đã được ngành chức năng hướng dẫn để phòng ngừa dịch bệnh tôm tái phát...".
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/AgriBank/2011/5/28497.html


Tin khác