Ngành mía đường xin miễn thuế vì đường lậu

27/05/2011

Đến hẹn lại lên, ngành mía đường năm nào cũng có kiến nghị để bảo vệ... ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy một ngành hàng... èo uột.

 

Theo Hiệp hội mía đường VN, từ 15-9-2010 đến 15-4 năm nay, các nhà máy mía đường đã bán ra 569.800 tấn đường. Nếu so với 4 tháng đầu năm 2010 thì lượng tiêu thụ đường trong 4 tháng qua tăng 23,1%, lượng đường tồn kho còn khoảng 524.000 tấn.
Xin miễn thuế GTGT
Vì vậy, ngành đường kiến nghị Nhà nước nên điều chỉnh giảm thuế suất GTGT xuống mức 0%, thay vì 5% như hiện hành để tăng khả năng cạnh tranh cho đường nội.
Ngành đường cho rằng, tất cả đường lậu bị phát hiện, tịch thu đều phải thực hiện tái xuất 100% qua các nhà máy. Các đối tượng buôn lậu phải cưỡng chế xử phạt và thu hồi giấy phép kinh doanh. Đơn vị gia công, kinh doanh đường đóng gói, cần phải được đưa vào danh mục kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra, hiệp hội còn cho rằng các Cty chuyên kinh doanh và nhà máy đường nên tự nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng quỹ hỗ trợ chống buôn lậu. Theo hiệp hội, đây được xem là điều kiện giúp ngành đường trong nước có môi trường cạnh tranh tốt hơn, giải quyết được phần nào khó khăn trước mắt.

Kinh doanh đường lậu có thể xem là một hình thức bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.
 
Vì đường nhập lậu
Theo ước tính của Hiệp hội mía đường VN, mỗi năm có vài trăm nghìn tấn đường nhập lậu vào VN. Chỉ tính riêng khoản thuế thất thu của ngân sách nhà nước cũng đã lên tới khoảng 500 tỉ đồng/năm.
Tại buổi sơ kết vụ sản xuất mía đường 2010/2011, được tổ chức sáng 20-5, ông Trịnh Minh Châu - Phó chủ tịch Hiệp hội mía đường VN cho hay, hiện nay đường nhập lậu vào VN chủ yếu là từ Thái Lan - nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới. Hàng năm quốc gia này xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn.
Hiệp hội mía đường ước tính, với lượng nhập lậu lên tới vài trăm nghìn tấn/năm, mỗi năm lượng ngoại tệ của VN bị “chảy máu” vì hoạt động này cũng đến vài trăm triệu USD (với giá đường vào khoảng 600 - 700 USD/tấn).
Kinh doanh đường lậu có thể xem là một hình thức bán phá giá (có thể bán thấp hơn do trốn thuế), cạnh tranh không lành mạnh nên gây tác động xấu đến thị trường và ngành sản xuất đường trong nước.
Với sức tiêu thụ của thị trường nội địa khoảng trên 1 triệu tấn/năm, lượng đường nhập lậu đang chiếm tới 1/4 lượng đường tiêu thụ của VN. Điều này khiến các nhà máy không thể cạnh tranh, sản xuất gặp khó khăn, thua lỗ và khó có điều kiện phát triển... Hậu quả mang tính dây chuyền không chỉ ở phía các nhà máy mà sẽ tác động xấu đến hàng triệu nông dân trồng mía trong cả nước.
Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Châu, Nhà nước cần bổ sung những văn bản pháp lý cụ thể và mạnh hơn chuyên về gian lận thương mại trong lĩnh vực mía đường, xử lý đường nhập lậu. Bên cạnh đó, cần có biện pháp chế tài mạnh hơn, nên đưa đối tượng vi phạm và liên quan vào khung luật hình sự (tương tự mặt hàng thuốc lá).
Đồng thời tổ chức, hệ thống cơ quan, lực lượng tham gia chống buôn lậu cần tiếp tục được củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động. Tất cả đường lậu bị phát hiện, tịch thu đều phải thực hiện tái xuất 100% (qua các nhà máy đường).
Trên thực tế việc bán đấu giá tại chỗ số đường nhập lậu bị bắt thời gian qua đã hợp thức hoá thêm cho các “chủ hàng” qua việc sử dụng biên bản mua đấu giá để tự do kinh doanh đường lậu.
Song, điều đáng nói là các nhà máy đường trong nước trước hết cần phải có những biện pháp chủ động tự bảo vệ mình thông qua việc sử dụng tem chống hàng nhái, hàng giả để giúp có quan chức năng có thể phát hiện ngay hàng nhập lậu khi kiểm tra.
Thực hiện hạn chế bán hàng, tiến tới không giao dịch với các đối tượng có buôn bán đường nhập lậu. Cam kết không mua bán đường nhập lậu là điều kiện bắt buộc khi đàm phán, ký kết hợp đồng đại lý - nhà phân phối đường với các nhà máy...
AGROINFO – Theo 24h

Tin khác