Ngày 30/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố kết quả Tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc năm 2010 và giới thiệu Nghị quyết 80 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020. Việc công bố kết quả điều tra có ý nghĩa rất quan trọng trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ người nghèo nói riêng và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung trong thời gian tới.
|
Trồng cao su - một hướng giảm nghèo của đồng bào vùng cao Tây Bắc. |
Còn 81 huyện thuộc 25 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%
Ông Ngô Trường Thi, phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thực hiện Chỉ thị số 1752 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai hướng dẫn qui trình tổng điều tra hộ nghèo, cận nghèo, cử giám sát viên Trung ương về các địa phương để hướng dẫn quá trình tổ chức điều tra; tổ chức kiểm tra một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Tây Nam Bộ.
Trước đó, Cục Bảo trợ xã hội đã xây dựng phần mềm và hướng dẫn các địa phương nhập vào máy tính thông tin hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn phục vụ cho việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2011-2015, cùng với việc triển khai tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách bảo trợ xã hội. Nhờ đó việc điều tra, rà soát hộ nghèo thuận lợi, không để xảy ra sai sót.
Ông Ngô Trường Thi đánh giá, các tỉnh, thành trong cả nước đã nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 1752, phân công trách nhiệm cụ thể trong tổ chức thực hiện, tăng cường giám sát chặt chẽ ngay từ đầu, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình điều tra… nên mọi việc diễn ra thuận lợi. Sau khi các tỉnh, thành tiến hành điều tra rà soát hộ nghèo, cận nghèo, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp cùng các cơ quan có liên quan thẩm tra một lần nữa đảm bảo chặt chẽ chính xác các số liệu điều tra trước khi công bố chính thức.
Theo kết quả điều tra, tổng số hộ nghèo của cả nước là 3.055.566 hộ, tổng số hộ cận nghèo là 1.612.381 hộ. Trong 63 tỉnh, thành có 5 tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5% là TP HCM (0,01%), Bình Dương (0,05%), Đồng Nai (1,45%), Bà Rịa-Vũng Tàu (4,35%), Hà Nội (4,97%). Đây cũng là những địa phương đã ban hành chuẩn nghèo riêng, cao hơn chuẩn nghèo quốc gia.
Cũng qua điều tra, hiện cả nước có 81 huyện thuộc 25 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, trong đó bao gồm 54 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Cả nước cũng còn 1 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50% là tỉnh Điện Biên.
Đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo
Ngày 19/5/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về Định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020. Theo đó, trong 10 năm tới, Đảng, Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung (hỗ trợ sản xuất, học nghề, tạo việc làm, giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, hỗ trợ pháp lý…).
Bên cạnh đó, các chính sách đặc thù giảm nghèo sẽ được các bộ ngành rà soát và đưa vào hệ thống chính sách thường xuyên của mình để đảm bảo các hỗ trợ cần thiết sẽ được thiết kế đồng bộ và đáp ứng đúng nhu cầu của người nghèo. Nghị quyết cũng nêu rõ sẽ xây dựng và thực hiện một Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011- 2015 bao gồm các đề án, dự án giảm nghèo và hệ thống tiêu chí đánh giá công tác giảm nghèo quốc gia.
Trao đổi với báo giới về việc tập trung nguồn lực cho các huyện, xã nghèo trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết, nguồn lực từ các chính sách, chương trình giảm nghèo cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia và dự án ODA sẽ được tập trung đầu tư cho các địa bàn nghèo nhất của cả nước để đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo ở các xã này.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan, bộ ngành để giới thiệu, hướng dẫn cho người dân về các chương trình, chính sách, hỗ trợ người dân được đào tạo nghề, kết hợp các chương trình tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm với nâng cao năng lực để người dân tiếp cận chính sách tốt hơn.
Định hướng giảm nghèo giai đoạn 2011-2015, đặc biệt với việc ban hành Nghị quyết 80 được đại diện các bộ, ngành, các tổ chức phi chính phủ quốc tế tại Việt Nam đánh giá cao. Ông Christophe Bahuet, Phó Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định, Nghị quyết có nhiều điểm đột phá thể hiện quyết tâm giảm đói nghèo của Nhà nước Việt Nam: “Các chính sách giảm nghèo từ riêng lẻ sang một hệ thống chính sách giảm nghèo mang tính thường xuyên, toàn diện và có độ bao phủ cao”.
Ông Bahuet cũng lưu ý, để đạt được các mục tiêu giảm nghèo trong tương lai, Việt Nam cần coi giảm nghèo là công việc thường xuyên. Trong quá trình thực hiện cần thường xuyên rà soát, đánh giá thực trạng triển khai các chính sách hiện có, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách giảm nghèo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ./.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm: Không phân biệt người nghèo nhập cư, hay có hộ khẩu thường trú
PV: Một số tổ chức quốc tế nêu ý kiến, chương trình giảm nghèo tới đây cần quan tâm đặc biệt đến đối tượng các hộ nghèo di cư từ nông thôn đến đô thị. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Thực ra vấn đề này đã được Bộ LĐ-TB&XH cũng như nhiều bộ ngành quan tâm khi thiết kế chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, hiện nay, việc giảm nghèo được xác định ưu tiên khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ cao so với mặt bằng chung cả nước. Còn về lâu dài, định hướng giảm nghèo sẽ toàn diện mọi vùng miền, nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng và nhóm dân cư, không phân biệt các nhóm đối tượng…
PV: Theo ông, biện pháp để giải quyết vấn đề nghèo đói đối với nhóm di dân từ nông thôn lên thành thị thời gian tới đây như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm: Để giải quyết vấn đề này, không chỉ Bộ LĐ-TB&XH làm được mà liên quan đến các bộ ngành, đặc biệt là với UBND các tỉnh, thành - nơi xuất phát của nhóm người di dân và nơi tiếp nhận người nghèo tới làm ăn sinh sống.
Trước đây, ngành LĐ-TB&XH cũng đã có những chương trình, đề án khảo sát, điều tra thực trạng lao động di cư đến đô thị tìm kiếm việc làm tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề nghèo đói đối với bộ phận di dân đô thị, cũng như di dân đến các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chưa được thực hiện căn cơ, do còn liên quan đến nhiều yếu tố. Ví dụ, vấn đề giải quyết lao động - việc làm liên quan đến qui định hộ khẩu, nhập khẩu.
Gần đây, chúng ta đã có Luật Cư trú, tạo điều kiện thông thoáng hơn về vấn đề cư trú cho người ngoại tỉnh nhập cư đến các đô thị lớn như TP. Hà Nội và TP HCM. Tuy nhiên, cũng có những hàng rào kỹ thuật do chính quyền đô thị đặt ra trong việc kiểm soát nhập cư, đây là điều còn bàn luận rất nhiều tại diễn đàn Quốc hội cũng như các kỳ họp của Hội đồng Nhân dân các cấp.
Theo tôi được biết, hiện mới có TP HCM và một vài địa phương phía Nam không phân biệt người nhập cư theo dạng KT3, KT4, chỉ cần xác nhận là hộ nghèo cư trú lâu dài sẽ được tiếp cận các chính sách ưu đãi giảm nghèo như được vay vốn ưu đãi, được học nghề, tạo việc làm./.
|
AGROINFO – Theo Báo Điện tử VOVNEWS
Nguồn:http://vov.vn/Home/Dau-tu-tong-luc-cho-nhung-noi-ngheo-nhat/20115/176572.vov