|
Ông Phạm Anh Tuấn
|
Ông Tuấn cho biết, từ giữa tháng 5 trở lại đây, diện tích tôm bị nhiễm bệnh chết có xu hướng giảm. Thực tế, bệnh chủ yếu phát sinh và gây hại ở vùng phía đông, tập trung ở các tỉnh Sóc Trăng (75%), Trà Vinh (gần 30%)… các tỉnh ở phía Tây mức độ thấp hơn như: Kiên Giang (11%), Bạc Liêu (7%)...
Thưa ông, đến nay, thiệt hại đối với người nuôi tôm đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Như vậy, việc chưa công bố dịch sẽ hạn chế hỗ trợ từ Chính phủ đối với người nuôi tôm?
- Việc công bố dịch liên quan đến cơ chế, các văn bản pháp quy hiện có, không phải cứ thích công bố là được. Thực tế, tôm chết hàng loạt ở ĐBSCL một phần cũng do những bệnh cũ trên tôm. Nhưng lần này, bệnh hoại tử, teo gan lại là bệnh mới không nằm trong danh mục bệnh có thể công bố dịch nên chưa thể công bố.
Hiện nay, Cục Thú y đang điều chỉnh danh mục bổ sung trình Bộ NNPTNT kiến nghị Bộ trưởng xem xét, quyết định. Nhưng tôi nghĩ, thời kỳ cao trào của dịch đã đi qua, cho nên cũng cần cân nhắc việc công bố dịch ở thời điểm này.
Liệu có phải vì việc công bố dịch sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản đặc biệt là tôm trong thời gian tới?
- Tôi khẳng định rằng, việc công bố không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu mặt hàng thuỷ sản này. Bệnh trên tôm không ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Tất nhiên, chúng ta cũng cần cảnh giác với khâu kiểm dịch của một số thị trường nhập khẩu những mặt hàng chế biến từ tôm. Nếu công bố dịch bệnh trên tôm, thì nhiều khả năng Australia sẽ ra lệnh cấm nhập khẩu tôm đông lạnh từ nước ta, còn các thị trường EU, Mỹ thì tôm chỉ cần làm đông lạnh là có thể thông quan...
“Về lâu dài, hạ tầng các vùng nuôi tôm phải được đầu tư đúng mức, trong đó có hệ thống kênh cấp thoát nước. Công tác kiểm dịch con giống cũng cần được tăng cường. Hơn nữa, khi nhập giống về bà con nên ươm một thời gian ngắn trong môi trường tốt trước khi thả ra đầm lớn.” - Ông Phạm Anh Tuấn
|
Một số ý kiến cho rằng, việc xuất hiện bệnh mới trên tôm thời điểm này là do chất lượng con giống không đảm bảo?
- Nguyên nhân bùng phát bệnh có thể đã tích luỹ từ lâu và do nhiều yếu tố chứ không hoàn toàn là giống. Theo đánh giá tác nhân gây bệnh có thể do một nhóm vi khuẩn mới. Hơn nữa, thời điểm tôm bị bệnh là do nhiệt độ và độ mặn có sự thay đổi lớn. Đặc biệt, phải nhìn nhận một thực tế rằng, tôm chết hàng loạt chủ yếu phát sinh ở những vùng nuôi tôm thâm canh.
Ông có thể cho biết rõ hơn về thực tế này?
- Ở những vùng nuôi tôm tại Sóc Trăng, vùng nuôi ô nhiễm quá nặng, tập trung chủ yếu ở những vùng thâm canh trong khi đó hệ thống kênh cấp thoát lại không đảm bảo.
Có vùng nuôi mấy chục cây số mới có một kênh cấp thoát cho nên nguồn gây bệnh sẽ lớn và dễ phát sinh dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh mới. Trong khi đó những vùng nuôi quảng canh, bà con nuôi ít, hệ thống cấp thoát khá tốt; và đặc biệt là các giống nhập về được bà con ương trong môi trường tốt trước khi đưa ra đầm nuôi.
Thưa ông, nếu không công bố dịch, liệu có quá thiệt thòi cho người nuôi tôm không?
- Hiện nay, ở những vùng bị thiệt hại nặng, địa phương sẽ trích một phần ngân sách để hỗ trợ việc cải tạo đầm nuôi, con giống, hướng dẫn kỹ thuật… Chính phủ cũng đã đồng ý cấp 120 tấn chlorine từ nguồn dự trữ quốc gia để các tỉnh dập dịch và phục hồi ao nuôi.
Xin cảm ơn ông!
AGROINFO – Theo Báo Nông thôn ngày nay
Nguồn: http://danviet.vn/45971p1c25/tom-chet-hang-loat-khong-anh-huong-lon-toi-xuat-khau.htm