Phát triển nuôi, trồng thủy sản vùng ven biển Bắc Bộ: Những hướng đi đạt hiệu quả kinh tế cao

08/06/2011

Chưa bao giờ ngành thủy sản vùng ven biển Bắc Bộ lại có bước phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất và sản lượng nuôi trồng như hiện nay. Không chỉ nuôi nước ngọt, nước lợ, mà việc mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo hướng lấn ra biển đang được các địa phương đẩy mạnh. Nuôi, trồng thủy sản đang góp một phần đáng kể vào GDP ngành nông nghiệp và cải thiện, nâng cao đời sống người dân vùng biển.

Công nghệ mới nuôi trồng thủy sản
Không có nhiều thuận lợi như đồng bằng sông Cửu Long, nhưng ven biển Bắc Bộ cũng là vùng được thiên nhiên ưu đãi để phát triển nuôi trồng thủy sản. Phát huy lợi thế sẵn có, các tỉnh Nam Ðịnh, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh đã có những chủ trương chính sách cụ thể để nâng cao năng suất và chất lượng.
 
Với phương hướng 'Phát triển Hải Phòng thành trung tâm thủy sản về giống, thức ăn, khoa học công nghệ, chế biến, buôn bán hàng thủy sản có giá trị gia tăng cao, trung tâm lưu giữ bảo quản thành phẩm và xuất khẩu cho nghề cá khu vực phía bắc và bắc miền trung', những năm qua TP Hải Phòng đã có những thành quả đáng kể từ nuôi trồng thủy sản. Sản lượng nuôi, trồng luôn đạt cao hơn khai thác. Năm 2009, sản lượng nuôi, trồng là 45.270 tấn, năm 2010 là 46.132 tấn, với tốc độ tăng sản lượng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 5,21%. Giá trị sản lượng nuôi trồng cũng tăng theo từng năm. Năm 2009, nuôi, trồng thủy sản đạt 534 tỷ đồng, năm 2010 đạt 602 tỷ đồng, tốc độ tăng giá trị bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 6,83%/năm. Năm 2010, mặc dù diện tích nuôi, trồng thủy sản của thành phố giảm gần 350 ha so với năm 2009, nhưng sản lượng vẫn tăng hơn 5%. Theo Trưởng phòng nuôi, trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng Ðào Bá Ðiện, nguyên nhân là do Hải Phòng đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nuôi, trồng thủy sản và tích cực mở rộng vùng nuôi mới. Nếu như năm 2010, diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt giảm gần 1.000 ha để thực hiện các dự án giao thông, khu công nghiệp, khu dân cư, thì bù lại Hải Phòng có 762,7 ha vùng chuyển từ diện tích cấy lúa năng suất thấp sang nuôi thủy sản, và được tập trung thành vùng sản xuất quy mô lớn. Sau khi chuyển đổi thành công, được sự hỗ trợ kịp thời của thành phố và các địa phương, người dân mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi thâm canh. Diện tích nuôi thâm canh hiện đạt gần 500 ha, nuôi bán thâm canh gần 2.500 ha. Khu vực nuôi thủy sản nước lợ diện tích cũng giảm gần 700 ha do dành đất cho các dự án, nhưng cũng nhờ đầu tư công nghệ mới, nuôi tôm gối vụ, kéo dài thời gian thu hoạch sản phẩm nên hiệu quả đã tăng rõ rệt. Ðiển hình là mô hình mở rộng diện tích nuôi tôm he chân trắng theo phương pháp công nghiệp của Công ty TNHH Khoa Thành. Giám đốc công ty Nguyễn Văn Khỏe cho biết: Cùng với việc duy trì nuôi tôm he chân trắng vụ hè thu, công ty đã dựng nhà bạt nuôi tôm qua đông cho hai ao với tổng diện tích 7.000 m2. Ðể có tôm he chân trắng nuôi từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, Công ty đầu tư hơn 600 triệu đồng xây dựng nhà bạt để nâng giữ nhiệt độ đầm nuôi. Nếu như mấy năm trước đây, toàn thành phố chỉ có vài hộ lẻ tẻ nuôi tôm vụ đông, thì năm 2010, diện tích tăng gần 30 ha, sản lượng thu hoạch trong vụ đông hơn 500 tấn. Việc tăng vụ nuôi thứ hai đã tạo ra giá trị kinh tế lớn, đồng thời giảm áp lực về tôm nguyên liệu. Thăm khu nuôi tôm Ðình Vũ rộng mênh mông của Công ty nuôi trồng thủy sản Thuận Thiện Phát, mới thấy các doanh nghiệp đã mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Mọi khâu được kiểm soát chặt chẽ nhờ công nghệ, từ nhiệt độ, thức ăn, giờ cho ăn đến kiểm soát chất lượng và dịch bệnh. Giám đốc công ty Trần Ðức Hòa cho rằng: Công nghệ đã trở thành yếu tố quyết định, thành bại đối với việc nuôi tôm thâm canh. Trưởng phòng nuôi trồng thủy sản Ðào Bá Ðiện khẳng định: Với thành phố Hải Phòng, năm 2011 sẽ là năm của công nghệ thủy sản mới.
Ðẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển
Không giống Hải Phòng, những năm gần đây nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh phát triển trên cả ba loại hình mặt nước (nước ngọt, nước lợ và nuôi biển). Diện tích nuôi trồng thủy sản không ngừng tăng, đối tượng và loại hình nuôi ngày một đa dạng và phong phú. Trong đó, nuôi trồng thủy sản trên biển là thế mạnh của Quảng Ninh và cũng là lĩnh vực phát triển nhất, tập trung vào các loài nhuyễn thể như: hàu Thái Bình Dương, tu hài và ngọc trai. Các đối tượng nuôi này đã tạo ra một sản lượng hàng hóa phong phú để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước có giá trị kinh tế cao. Năm 2006, sản lượng nhuyễn thể toàn tỉnh đạt 5.500 tấn thì đến năm 2010 đã đạt tới 7.229 tấn. Trong đó phải kể đến nghề nuôi tu hài ở Vân Ðồn. Ðây là nghề nuôi thu hút đầu tư lớn nhất từ trước đến nay. Theo số liệu của huyện Vân Ðồn, tính đến năm 2009, đã có 10 công ty, xí nghiệp và hơn 450 hộ gia đình đầu tư nuôi tu hài, với sản lượng thu hoạch cuối năm 2009 đầu năm 2010 là 1.000 tấn. Với giá tu hài trên thị trường 120.000 - 140.000 đồng/kg, đây được coi là nghề xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho bà con huyện đảo. Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vân Ðồn Nguyễn Quang Ninh: Nhờ nuôi tu hài mà nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhanh chóng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân do khả năng kinh tế còn hạn chế, chủ yếu nuôi ven biển cho nên năng suất và chất lượng đạt chưa cao, còn chịu nhiều rủi ro từ thiên nhiên. Ở Vân Ðồn, hiện có Công ty TNHH Ðỗ Tờ là đầu tư nuôi lớn ngoài đảo. Từ ba năm nay, công ty đã thực hiện thành công quy trình sinh sản tu hài trên khu vực hòn Bánh Sữa (Bản Sen) để triển khai rộng trên vùng dự án gồm ba xã đảo mà tỷ lệ các hộ dân nghèo cao là Bản Sen, Thắng Lợi, Ngọc Vừng. Công ty đã xây dựng trại sản xuất và ương nuôi tu hài đạt công suất 1-1,5 triệu con giống cấp II/năm, và nuôi tu hài từ giống cấp II đến thương phẩm đạt 500-750 nghìn con/năm. Giám đốc công ty Ðỗ Tờ cho biết: Công ty đã làm chủ công nghệ sản xuất giống tu hài áp dụng vào sản xuất và đạt các thông số kỹ thuật chính của quy trình tiếp nhận như con giống khỏe mạnh, không dịch bệnh, kích cỡ phát triển đều, sản lượng cao. Với dự án sản xuất này, chúng tôi đã cung cấp giống tu hài chất lượng cao với giá ưu đãi cho bà con trong vùng, góp phần mở ra một hướng làm giàu bền vững ở Vân Ðồn.
Hiệu quả từ các dự án chuyển đổi
Ở vùng ven biển Bắc Bộ, Nam Ðịnh là tỉnh có nhiều thành công trong việc thực hiện các dự án chuyển đổi nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh hiện có 44 dự án chuyển đổi, trong đó 32 dự án đã đạt hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trước khi chuyển đổi. Các chủ hộ trong vùng chuyển đổi xây dựng hệ thống ao nuôi dựa trên quy hoạch chi tiết và thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt. Vùng nuôi bảo đảm có hệ thống kênh tưới và hệ thống kênh tiêu. Hệ thống ao của mỗi chủ hộ đều có ao chứa lắng để xử lý nước, ao ương giống, ao nuôi thương phẩm. Sau khi hoàn thành xây dựng cơ bản, hệ thống ao nuôi được giao lại cho các chủ hộ tổ chức nuôi. UBND xã và các HTX chịu trách nhiệm quản lý vùng dự án. Phương thức nuôi tại các vùng dự án được chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng nuôi tập trung thâm canh và bán thâm canh. Ở vùng nuôi nước lợ, đã hình thành các vùng nuôi tập trung với các con nuôi là đối tượng có giá trị kinh tế cao như vùng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở Bạch Long, Giao Phong (Giao Thủy); Hải Hòa, Hải Ðông, Hải Lý, Hải Chính (Hải Hậu); vùng nuôi cua biển, vùng nuôi cá bống bớp, cá vược và một số loài khác ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Trưởng phòng nuôi trồng thủy sản tỉnh Nam Ðịnh Trần Công Khôi cho biết: Hiệu quả từ các dự án chuyển đổi nuôi trồng thủy sản không chỉ làm tăng diện tích các loại hình nuôi trồng và sản lượng mà đã góp phần tích cực tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Hiện tại, cả tỉnh có gần 32 nghìn hộ tham gia nuôi, trồng thủy sản với 40 nghìn lao động. Trong đó có hơn 5.000 lao động tham gia vùng dự án chuyển đổi. Sản lượng nuôi, trồng năm 2010 đạt 49.305 tấn, tăng 29.216 tấn so với trước khi triển khai các dự án. Nhờ các dự án mà tốc độ tăng về sản lượng cao hơn nhiều so với tăng diện tích. Riêng sản lượng từ các dự án chuyển đổi năm 2010 đạt 5.727 tấn, năng suất bình quân đạt 2,9 tấn/ha/năm. Giá trị canh tác sau khi chuyển đổi đạt 157 triệu đồng/ha/năm, gấp 2,7 lần so với trồng lúa, làm muối. Ðối với các dự án chuyển đổi sang nuôi, trồng thủy sản mặn, lợ, giá trị canh tác sau chuyển đổi trung bình đạt 160 triệu đồng/ha/năm, gấp gần ba lần so với trước khi chuyển đổi và hiệu quả kinh tế năm 2010 bình quân đạt 71,5 triệu đồng/ha/năm, gấp gần bốn lần so với trước khi chuyển đổi.
Dù mỗi tỉnh, thành phố có một thế mạnh, một hướng đi khác nhau, nhưng đều tập trung vào việc nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trong nuôi, trồng thủy sản. Những kết quả đạt được đã minh chứng nuôi trồng thủy sản đang trở thành một lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp của mỗi địa phương. 
AGROINFO – Theo Báo Nhân dân

Nguồn:http://nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/kinh-te/kinh-t-tin-chung/phat-tri-n-nuoi-tr-ng-th-y-s-n-vung-ven-bi-n-b-c-b-1.299293#g2FExVWTEbzL


Tin khác