Ở vùng ngập mặn, ven biển tỉnh Trà Vinh hiện một số hộ dân bắt đầu thu hoạch tôm sú nuôi thả giống sớm. Điều đáng nói là trong đó có hàng trăm tấn tôm bị nhiễm bệnh, buộc phải thu hoạch sớm từ 1- 2 tháng. Loại tôm này kích cỡ nhỏ, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, chỉ tiêu thụ nội địa nên giá chỉ từ 50.000- 60.000 đồng/kg, bằng khoảng 30% giá tôm sú nguyên liệu bán cho các nhà máy.
Tệ hại hơn, Trà Vinh còn có khoảng 3.000 hộ nuôi tôm khác bị thiệt hại khoảng 350 triệu con tôm sú giống; trong đó, phần lớn tôm nuôi đang trong giai đoạn từ 30-60 ngày tuổi nên ngoài việc bị thiệt hại về đầu tư mua con giống, người nuôi còn bị thiệt hại nặng vì mất tiền đầu tư mua thức ăn cho tôm.
Như đã thông tin, bệnh tôm năm nay có nhiều diễn biến phức tạp, ngoài 3 loại bệnh ở tôm thường gặp như: đốm trắng, đỏ thân và đầu vàng, vụ tôm này còn xuất hiện bệnh mới do loại vi khuẩn gây hoại tử trên gan, tuỵ khiến tôm nuôi bị chết hàng loạt. Nhằm hạn chế thiệt hại, Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh đã cử 20 cán bộ kỹ thuật chuyên ngành thuỷ sản xuống bám vùng nuôi tôm sú ở 4 huyện ngập mặn, ven biển gồm: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành, trực tiếp tư vấn, hướng kỹ thuật cho các hộ nuôi tôm phòng trừ dịch bệnh.
Vụ nuôi tôm sú năm 2011, Trà Vinh có kế hoạch thả nuôi khoảng 2 tỷ con tôm sú giống trên diện tích 25.300 ha ở vùng ngập mặn ven biển. Đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi được khoảng 1,6 tỷ con tôm sú giống trên diện tích gần 21.000 ha. Điều đáng lo ngại là Trà Vinh hiện chưa khống chế được tôm nuôi bị nhiễm bệnh chết và đang có chiều hướng còn lan rộng.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/79494/Default.aspx