Long đong phận sắn: Hai bộ cùng quản lý

23/06/2011

Sắn đang được Bộ Công Thương chọn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cần phải đẩy mạnh mở rộng diện tích. Trong khi đó, với việc nông dân nhiều địa phương ồ ạt phá rừng trồng sắn, Bộ Nông nghiệp và PTNT lại đưa loại cây này vào "diện" cần phải hạn chế mở rộng diện tích. Sự thiếu phối hợp giữa hai bộ đang khiến người dân không biết đâu mà lần...

 
Mô hình trồng đậu xanh xen sắn của Viện Khoa học Kỹ thuật Duyên hải Nam Trung Bộ
 
Nông nghiệp lo
Mặc dù cây sắn đang mang lại nguồn thu lớn cho nông dân nhưng nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là lợi ích trước mắt, không phải lâu dài bởi phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Trên thực tế, Việt Nam là nước có quỹ đất bình quân trên đầu người ít nhất thế giới nên việc mở rộng diện tích trồng sắn là điều không thể. Trong khi đó, trên một vùng đất, chỉ sau 3 - 4 năm trồng sắn liên tiếp, cây sắn sẽ cằn cỗi dần và khó phát triển. Các loại cây khác cũng không thể xanh tốt được trên đất trồng sắn lâu năm. Bởi rễ cây sắn ngoài lấy đi các chất hữu cơ trong đất còn thải ra một loại axít có hại cho cây trồng, đồng thời làm chai cứng nền đất và hủy diệt các vi sinh vật có lợi trong đất. Thời gian tới, nếu diện tích trồng sắn vẫn tiếp tục gia tăng thì những hệ quả nói trên chắc chắn sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Lý do khác mà nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta không nên quá mải mê với cây sắn, bởi rủi ro về môi trường trong sản xuất là rất lớn. Đơn cử như việc vận hành nhà máy sắn ở Thanh Chương (Nghệ An) đã khiến thuỷ sản khu vực này chết sạch; hay như vụ nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan sử dụng nguyên liệu sắn và xả nước thải ra môi trường đã khiến hàng ngàn hộ dân sống ven sông Thị Vải mất kế sinh nhai vì cá, tôm chết hết...
Theo ông Nguyễn Đức Luyện, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông, ở Đắk Nông, mặc dù cây sắn sinh trưởng, phát triển tốt, song hiệu quả kinh tế không thể bằng các loại cây trồng khác như ngô, lạc, chanh dây, khoai lang... Đó là chưa kể, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sắn gia tăng chưa hẳn là tín hiệu mừng, bởi theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện nay nước nhập khẩu sắn chủ yếu của nước ta là Trung Quốc. Đây là thị trường mua bán bấp bênh, không ổn định. Nông dân và thương lái phải hết sức cảnh giác khi xuất sang thị trường này.
Riêng với việc trồng ồ ạt, theo phong trào tại các địa phương đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn về quy hoạch cây trồng. Ước tính, diện tích sắn cả nước hiện đạt 450.000 - 500.000ha, đã phá vỡ quy hoạch của các loại cây trồng khác. Đặc biệt ở những vùng đồi núi, việc trồng sắn làm cho đất dễ bị rửa trôi và thoái hóa, chưa kể nó còn khiến diện tích rừng ngày càng thu hẹp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, theo dõi sự phát triển cây sắn trên thế giới mấy chục năm qua có thể thấy, phần lớn các nước không tăng diện tích do hiệu quả kinh tế thấp và sự không bền vững về vấn đề môi trường, trong khi Việt Nam lại đẩy mạnh việc trồng sắn. Đây là việc các cấp, ngành cần phải nghiên cứu, xem xét lại.
Công Thương mừng
Với tổng giá trị xuất khẩu sắn năm 2010 đạt gần 560 triệu USD, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu sắn thuộc tốp đầu trong khu vực, trong đó sắn lát khô và tinh bột sắn là hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực, riêng tỷ trọng sắn lát khô chiếm xấp xỉ 60%. Từ xưa đến nay, kể cả người dân cũng như các doanh nghiệp, không ai dám "tiên đoán" đến một lúc nào đó sắn củ tươi cũng được xuất khẩu. Thế mà chuyện kỳ lạ ấy đã xảy ra, lần đầu tiên sắn củ tươi được xuất khẩu trong niên vụ 2010-2011.
Từ đầu mùa thu hoạch đến nay, sắn củ tươi liên tục được xuất khẩu với khối lượng lớn. Tính riêng tại cửa khẩu Lào Cai, bình quân mỗi ngày có gần 400 tấn sắn củ xuất sang Trung Quốc. Ước tính, xuất khẩu sắn củ năm 2011 có khả năng lên đến 4 triệu tấn, trong khi tổng sản lượng sắn củ tươi 2011 của cả nước khoảng hơn 9 triệu tấn. Như vậy nếu dự đoán này trở thành hiện thực, xuất khẩu sắn củ năm 2011 sẽ chiếm tỷ trọng gần 50%.
Liên tục những năm qua Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam, gần 95% sản lượng sắn của nước ta xuất sang nước này. Sắn các loại (tinh bột, sắn lát, sắn củ) đang được khách hàng Trung Quốc mua với giá cao, riêng sắn lát khô giá tăng gần 50% so cùng kỳ năm ngoái, giá tinh bột sắn cũng đã vượt ngưỡng 550 USD/tấn. Đây là lần đầu tiên tinh bột sắn xuất khẩu đạt mức kỷ lục. Vì sao Trung Quốc "mua lấy được" các loại sắn của Việt Nam? Vấn đề đó được các chuyên gia lý giải theo quy luật cung - cầu, tức là nhu cầu sử dụng sắn của Trung Quốc tăng cao trong khi nguồn cung nội địa không đáp ứng đủ, vì thế họ phải đẩy mạnh nhập khẩu.
Say sưa với kim ngạch xuất khẩu sắn tăng cao, Bộ Công Thương nghiêng về ý kiến cần mở rộng diện tích loại cây trồng này. Theo ông Lê Minh Đức, Trưởng phòng Môi trường và Phát triển bền vững (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách - Bộ Công Thương), để đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất nhiên liệu sinh học, phải nâng diện tích sắn lên 650.000-700.000ha.
Gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến?
Đến thời điểm này, nước ta vẫn chưa có một chính sách đầu tư phát triển cây sắn dài hạn như những cây trồng khác. Trong khi chúng ta đang lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, liệu khi xảy ra rủi ro, số phận cây sắn và những người trồng sắn sẽ đi về đâu?
Trước mắt, để cây sắn tìm đúng vị trí của mình, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền các địa phương cần có chính sách khuyến khích nông dân trồng các loại cây khác; về lâu dài cần quy hoạch vùng trồng sắn gắn với các nhà máy chế biến. Chỉ khi ấy, cây sắn mới thực sự phát triển bền vững.
Theo ông Bổng, dù bị "lên án", chúng ta cũng không thể xoá bỏ cây sắn vì nó gắn với rất nhiều hộ nghèo. Bên cạnh đó, sắn cũng là một trong những nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu sinh học và xuất khẩu. Do đó, tìm cách đối xử với cây sắn thế nào không đơn giản. Bộ Nông nghiệp và PTNT không khuyến khích mở rộng diện tích cây sắn mà chỉ chủ trương duy trì ở mức 400.000-450.000ha. Và thay vì mở rộng diện tích, việc thâm canh, tăng năng suất sẽ được chú trọng đẩy mạnh, bởi năng suất sắn hiện tại của nước ta mới đạt trên 16 tấn/ha, trong khi Ấn Độ đã đạt 31 tấn/ha, Thái Lan 20 tấn/ha...
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng sẽ áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất sắn, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về chất lượng tinh bột sắn và nhà máy chế biến.
Về lâu dài, để cây sắn có thể phát triển bền vững thì sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là rất quan trọng. Bộ Nông nghiệp và PTNT nên kêu gọi các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhiên liệu sinh học trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ động xây dựng vùng nguyên liệu bằng cách đầu tư, hỗ trợ vốn, vật tư cho nông dân; Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ giống và kỹ thuật cho bà con thông qua công tác khuyến nông.
Song song với đó, các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng định hướng lại việc xuất khẩu sắn để ưu tiên đáp ứng các nhu cầu trong nước, từ đó, bố trí lại cơ cấu cây trồng một cách hợp lý hơn, tiến tới giảm bớt nhập khẩu các loại nguyên liệu nông sản. Thực tế cũng cho thấy, xu hướng trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo phong trào luôn để lại phần thiệt thòi cho nông dân. Do vậy, rất cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, ngành chức năng để có định hướng canh tác cây sắn sao cho đúng đắn và bền vững, không để xảy ra những tác động xấu đến môi trường hay lặp lại bài học cũ, trồng - chặt, chặt - trồng ở những loại cây khác.
Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2011/6/28831.html


Tin khác