Xuất khẩu gạo: Hướng tới thị trường mới

24/06/2011

Hiệp hội Lương thực VN (VFA) vừa khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu (XK) gạo cần chủ động phương án mua tạm trữ, đề phòng giá gạo có thể giảm ngoài dự kiến; đồng thời hướng đến các thị trường mới để đạt mục tiêu XK gạo trong tháng tới.

Theo VFA, khó khăn lớn nhất của XK gạo VN hiện nay là thị trường gạo XK đang có nhiều biến động. Từ đầu năm đến nay, phần lớn gạo VN được xuất theo các hợp đồng thương mại, các hợp đồng gạo tập trung đã bị giảm mạnh. Một số thị trường gạo truyền thống của VN như Indonesia, Bangladesh, Cuba và Philippines - đứng đầu danh sách mua gạo VN trong 4 tháng đầu năm nay cũng đã chững lại gần đây.
Bốc xếp gạo xuất khẩu ở An Giang.
 
Thị trường Philippines năm nay chỉ nhập lượng gạo bằng một nửa của năm ngoái, tức khoảng gần 900.000 tấn. Các nước thuộc khu vực châu Phi cũng giảm nhập gạo VN do tình hình chính trị bất ổn. Nhờ Indonesia và Bangladesh tăng nhập khẩu, nên sản lượng xuất khẩu gạo VN từ đầu năm đến nay vẫn tăng so với mọi năm. Hiện hai nước này đang đề nghị tiếp tục mua thêm vài trăm tấn gạo của VN.
Bà Cao Thị Ngọc Hoa - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) cho biết: Thị trường gạo tháng 7 tới đây vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi nhu cầu mua gạo vẫn chưa ổn định và thị trường tiêu thụ gạo đang có nhiều thay đổi, khó lường. Chúng tôi đang tập trung cho đầu tư nhiều nhà máy lớn chế biến gạo đồ, nhằm nâng giá trị hạt gạo, đặc biệt xử lý một phần lúa hè thu chất lượng bị xấu trong mùa mưa.
“Rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng lúa gạo thế giới năm 2008, chúng ta cần chủ động đẩy nhanh tiến độ xây dựng các kho tạm trữ lúa, tiếp tục xây dựng các cơ sở chế biến - dự trữ - xuất khẩu gạo quy mô lớn tại các tỉnh trọng điểm lúa.” -  Ông Trần Bá Hoàn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1).
Vinafood 2 đã cho hoạt động nhà máy sản xuất gạo đồ có giá trị cao hơn gạo trắng thông thường, có công suất 500 tấn lúa/ngày. Đồng thời, tổng công ty đầu tư 2 nhà máy mới ở Tân Châu, An Giang và Mộc Hóa, Long An, mỗi nhà máy 1.000 tấn lúa/ngày. “Chúng tôi đang cố gắng hết sức để đẩy mạnh xuất khẩu gạo, tiêu thụ được lúa với giá có lợi nhất cho bà con nông dân” - bà Hoa cho biết.
Bộ Công Thương cũng nhận định, thị trường châu Á tới đây không quá khó khăn với gạoVN, song cũng đã đạt ngưỡng, khó có thể XK mạnh hơn. Do vậy, trọng tâm của thị trường gạo VN về lâu dài, sẽ là khu vực châu Phi.
Khi tình hình chính trị tại khu vực này được cải thiện, thì các nước châu Phi sẽ tăng cường nhập khẩu gạo. Hàng loạt các nước như Bờ Biển Ngà, Nigeria, Senegal, Togo, Guinea, Ghana… đều đang muốn nhập gạo VN, không chỉ để tiêu thụ trong nước mà còn để XK sang nước thứ 3.
Nếu các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội từ các thị trường này và tìm hiểu một cách cụ thể về nhu cầu nhập khẩu đối với từng loại gạo, cũng như giá cả hợp lý thì có thể đẩy mạnh XK gạo vào châu Phi. Nhiều nước châu Phi còn tỏ ý muốn đổi hạt điều lấy gạo của VN và vẫn tìm các cách thức để sớm thực hiện ý tưởng này.
Theo Báo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/47584p1c25/xuat-khau-gaohuong-toithi-truong-moi.htm


Tin khác