Nam Sách (Hải Dương) bội thu

24/06/2011

Ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, lúa đông xuân đang bắt đầu được thu hoạch, bà con nông dân rất phấn khởi tin tưởng vào tuyên truyền tập huấn khuyến nông và khẳng định đây là một vụ lúa được mùa nhất.

Đã gần 5 giờ chiều, mà cánh đồng lúa của xã An Bình vẫn ngả màu vàng sáng trong tiết trời hạ chí và niềm vui được mùa của bà con nông dân. Xa xa, bóng người nhấp nhô trong những ruộng lúa cao vượt ngực. Gặp tôi, bác Đặng Hữu Đích - phó thôn An Đông cũng vừa cắt lúa trên đồng trở về, phấn khởi mời vào nhà, chủ động dẫn chuyện: “Chú Vân ơi, nhờ được tập huấn khuyến nông mà chúng tôi biết thêm được trời rét buốt kéo dài cũng làm con sâu chậm sinh sôi nảy nở. Giờ thì chắc ăn rồi, chúng tôi khẳng định đây là một vụ lúa được mùa nhất vì giống nào cũng to bông chắc hạt”.
Tôi hỏi: Theo bác thì năng suất đạt bao nhiêu? Và sao bây giờ mới chắc ăn? Bác hứng khởi cho biết: “Tuy vẫn chưa dày bông bằng lúa lai, nhưng chúng tôi cầm chắc mức lúa này sẽ đạt 2,4- 2,5 tạ khô/sào. Đọc báo thấy huyện Ninh Giang và Tứ Kỳ bị rầy nâu xuất hiện từng ổ dày đặc chúng tôi sợ mất mùa lắm. Không ngờ!”. Bác còn nhắc lại bài khuyến nông đã tập huấn một cách vắn tắt: “Rầy nâu có bản chất nguy hiểm, đậu ở gốc lúa để chích hút, biết lỉnh nấp và chạy trốn khi gặp điều kiện bất lợi. Nếu phun trừ không theo nguyên tắc 4 đúng thì phun ở ruộng này nó sang ruộng khác, rồi vài ba hôm sau nó lại trở về, rất khó trừ”.
Tôi biết đến bác Đích từ vụ xuân năm 1990, ngày ấy bác làm đội trưởng sản xuất cùng tôi tham gia chỉ đạo nhân giống lúa nếp TK90 cho huyện. Nhiều người quý mến bác ở đức tính trung thực, thích tiến bộ khoa học kỹ thuật và sẵn lòng tuyên truyền phổ biến cho người khác cùng áp dụng. Tăng thêm niềm vui được mùa, cô Bốn ở thôn Hà Liễu, xã Thanh Quang gửi xe vào chợ mua bạt che đậy thóc cũng góp chuyện: “Lúa đẹp, ít sâu. Em gặt 3 sào Khang dân, khảo được 35 thúng đầy có ngọn, đạt tới 245 kg khô/sào”.
Vụ đông xuân này, sâu bệnh đầu vụ và giữa vụ ít, cuối vụ không bộc phát rầy nâu. Đây cũng chính là cơ sở thực tế để cán bộ khuyến nông tiếp tục tuyên truyền cho bà con nông dân Nam Sách nắm được một trong các biện pháp cần thiết để có thể sống chung với rầy nâu ở các vụ sản xuất sau là hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV.
Trong tổng số diện tích 4.770ha lúa đông xuân Nam Sách gieo cấy, diện tích lúa lai tuy còn ít (gần 100ha lúa lai Syn6) và được quy hoạch cấy tập trung thành vùng ở một số cơ sở (Hợp Tiến, Nam Trung, Nam Chính, Phú Điền và thị trấn Nam Sách), nhưng nhìn chung năng suất lúa thuần cũng rất cao. Bà con nông dân ở đội 5 và đội 6 thôn Tè, xã Hợp Tiến đều cho biết: “Lúa lai tuy hạt giống đắt nhưng dày bông hơn lúa thuần và cho năng suất đến 2,7 tạ khô/sào, cao hơn Q5 và Khang dân từ 15 – 25kg/sào, chất lượng gạo cũng tốt hơn". Bác Trần Văn Tải thì tâm sự “năm nay được mùa, gánh mãi không hết lúa”.
Huyện Nam Sách có quốc lộ 37 đi qua, hai bên đường là những cánh đồng rộng, chuyên được cấy bằng phương thức làm mạ sân và gieo thẳng ở mỗi vụ. Nhớ lại những ngày cuối tháng ba, lúa cấy mới chúm đuôi gà, lúa gieo thẳng còn nguyên hình cây mạ, thì hôm nay có dịp trở lại: thấy đồng vàng đang được thu hoạch, hàng xoan bên đường mang quả rất sai, ai ai cũng phấn khởi về một vụ đông xuân bội thu.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/2/2/2/80203/Default.aspx


Tin khác