Thăng Bình (Quảng Nam): Hiệu quả chăn nuôi bò cái sinh sản ở xã Bình Định Nam

12/07/2011

Nâng cao thu nhập bình quân đầu người là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Để giúp nông dân ổn định sản xuất ở khu vực nông thôn, Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) đã đưa dự án Chăn nuôi bò cái sinh sản đến với bà con nông dân xã Bình Định Nam nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi mới mang tính ổn định, bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế cao so với chăn nuôi truyền thống.

Xã Bình Định Nam được chia tách từ xã Bình Định vào năm 2007 với 6 thôn gồm 1.272 hộ, nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm khá cao, thu nhập chủ yếu của người dân là từ nông nghiệp nên bò là một trong những con vật nuôi cho thu nhập chính. Toàn xã có tổng đàn bò 1.524 con, nhưng tỷ lệ bò lai chỉ đạt dưới 20%, trong khi đó trình độ chăn nuôi bò của người dân còn thấp, chưa biết chế biến sử dụng thức ăn hợp lý và biện pháp phòng trừ bệnh cho bò nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra, bò cái sinh sản chủ yếu là bò vàng địa phương nên hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò rất thấp. Trước thực trạng này, từ nguồn kinh phí của Dự án khoa học công nghệ nông nghiệp tỉnh Quảng Nam, Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm Thăng Bình tổ chức triển khai thực hiện mô hình “Chăn nuôi bò cái lai sinh sản tại xã Bình Định Nam” từ tháng 8 năm 2009 đến nay.
Kỹ sư Nguyễn Xuân Bảy, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm Thăng Bình cho biết: “Mô hình được thực hiện ở thôn Điện An, Hưng Lộc, Đồng Đức, Châu Xuân Tây, Châu xuân Đông và Thanh Sơn, với qui mô 15 con/15 hộ. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật sản xuất chế biến thức ăn, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, kỹ thuật phòng bệnh và được đầu tư 15 con bò cái lai trọng lượng 180 kg/1con; thuốc thú y, vắc xin 100.000đ/con; 30 liều tinh bò Zebu và 80 kg thức ăn tinh/con bò cái có chửa tháng thứ 2”.
Tính đến nay đã có 15 con bò cái được phối giống có chửa, đạt tỷ lệ 100%, trọng lượng của bò cái lai mô hình lúc phối giống lần đầu tiên đạt từ 230 - 240kg/con, một số con đã chửa lứa thứ 2 và có 15 con bê lai ra đời. Bê lai sơ sinh có trọng lượng 20- 24 kg/con và trọng lượng lúc 6 tháng tuổi đạt 98 -105kg/con. Trong khi đó bê lai sơ sinh địa phương đại trà đạt 12-14 kg/con và trọng lượng lúc 6 tháng tuổi đạt 60 - 63 kg/con. Chị Nguyễn Thị Hạnh thôn Điện An là nông dân thực hiện mô hình này tâm sự: “Tôi được sở hữu một con bò cái lai và nó đã đẻ được 2 bê con khoẻ mạnh, tôi rất phấn khởi, tôi luôn tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông về nuôi dưỡng, chăm sóc nhất là khi bò mẹ ở thời kỳ mang thai và nuôi con, hiện tại bò của tôi phát triển rất tốt”. Anh Nguyễn Văn Thành, nông dân xã Bình Định Nam rất tâm đắc với mô hình bò cái sinh sản này cho hay: “Qua tập huấn của cán bộ khuyến nông huyện, tôi đã nắm bắt được quy trình kỹ thuật nuôi mới với sử dụng thức ăn hợp lý, chăm sóc chu đáo nên con bò của tôi đã đẻ được một bê con đến nay đã 5 tháng tuổi đang phát triển tốt”.
Bà Nguyễn Thị Xuân, người dân tham gia mô hình bộc bạch: “Đa số con nái có tầm vóc lớn, nuôi con tốt, tạp ăn, đẻ con dễ. Bê lai sinh trưởng và phát triển tốt, dễ nuôi, phàm ăn, khả năng chống chịu bệnh tật tốt, tăng trọng của bê lai nhanh trong điều kiện chăm sóc tốt và nuôi dưỡng đầy đủ thức ăn”.
Theo giá thị trường trên địa bàn Thăng Bình hiện nay, bê lai sau 6 tháng tuổi có giá bán cao hơn bê địa phương từ 2,5 triệu – 3 triệu đồng/con. Các hộ thực hiện mô hình nuôi bò cái lai sinh sản tại xã Bình Định Nam có lãi từ 3,3 triệu – 4,5 triệu đồng/hộ, bình quân mỗi hộ lãi hơn 3,6 triệu đồng. Đây là tín hiệu vui đối người chăn nuôi bò. Kỹ sư Nguyễn Xuân Bảy, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm Thăng Bình cho biết thêm: “Qua mô hình này, chúng tôi đã giúp nông dân nâng cao trọng lượng của đàn nái nền, cải tạo được sức sản xuất của bò cái sinh sản ở địa phương bằng bò lai Zebu làm tiền đề cho chăn nuôi bò thịt chất lượng trong thời gian đến, đồng thời chuyển giao được tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi bò cái sinh sản, kỹ thuật sản xuất, chế biến, sử dụng thức ăn hợp lý cho bò, xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật không gây ô nhiễm môi trường... đến với hộ chăn nuôi bò và từng bước chuyển dần chăn nuôi bò truyền thống sang chăn nuôi bò mang tính sản xuất hàng hóa cao”.
Thực hiện mô hình chăn nuôi bò cái lai sinh sản đã đem lại hiệu quả thiết thực đối với nông dân xã Bình Định Nam, giúp người chăn nuôi nhận thức rõ hơn về hiệu quả kinh tế giữa bò cái lai sinh sản và bò vàng địa phương, về tốc độ tăng trọng, sinh trưởng và phát triển. Từ đó, người chăn nuôi bò càng tin tưởng hơn về áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi thực tế, thay đổi dần tập quán trong chăn nuôi và góp phần đẩy nhanh chương trình cải tạo đàn bò vàng. Nhờ đó, tỷ lệ bò lai của xã đã nâng lên 35% tổng đàn./.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=466877


Tin khác