Nhu cầu thị trường gỗ trên thế giới là rất lớn, tiềm năng để phát triển về sản xuất, chế biến gỗ ở nước ta còn nhiều. Hiện cả nước có 2.526 DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, trong đó tới 2.029 DN ở miền Nam chiếm 80%, còn miền Bắc vẻn vẹn chỉ có 497 DN. Tổng số vốn đầu tư cho lĩnh vực chế biến gỗ ở miền Nam là 14.148 tỉ thì số vốn đầu tư ở miền Bắc chỉ đạt 1.531 tỉ, bằng 1/10. Theo ông Đàm Ngọc Năm, Cục phó Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối thì chúng ta hoàn toàn có thể đẩy kim ngạch xuất khẩu gỗ tăng gấp đôi nếu mở rộng phát triển công nghiệp chế biến gỗ ở miền Bắc.
|
ông Đàm Ngọc Năm |
Phát biểu tại các hội nghị của ngành, ông nhiều lần ủng hộ DN đầu tư chế biến gỗ ở miền Bắc và không nên đầu tư mới ở miền Nam. Dựa vào căn cứ nào để đặt vấn đề như vậy, thưa ông?
Nhiều cơ sở chế biến gỗ ở miền Nam phát triển mạnh khẳng định đầu tư vào lĩnh vực này tại khu vực phía Nam có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên cũng phải cân đối xem khu vực này có khả năng đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến với công suất khoảng bao nhiêu. Hiện miền Nam, có tới trên 2.000 DN chế biến nhưng số lượng DN tiếp cận công nghệ tiên tiến cũng chỉ xấp xỉ 20%. Còn lại hầu hết các cơ sở đều ở quy mô vừa và nhỏ, sử dụng máy móc thế hệ cũ. Vậy nên vấn đề của miền Nam hiện nay là phải đầu tư mở rộng hoặc đầu tư theo chiều sâu để tăng sức cạnh tranh chứ không phải mở mới.
Trong khi đó ở miền Bắc, ta nên đầu tư mới các cơ sở chế biến gỗ vì miền Bắc có quỹ đất cho trồng rừng sản xuất lớn. Người dân đầu tư cho trồng rừng cũng đã nhiều nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc, một số tỉnh Bắc Trung bộ như Thanh hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đều có tiềm năng về trồng rừng. Đây là nguồn nguyên liệu lớn đảm bảo cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ. Ngoài ra, nếu lưu ý một chút ta sẽ thấy ở các DN chế biến gỗ miền Nam từ lực lượng quản lí đến lực lượng lao động đa phần là người miền Bắc. Như vậy, nguồn nhân lực thì ta có. Điều kiện về thổ nhưỡng ta có. Nhưng sản xuất công nghiệp chế biến gỗ thì ở miền Bắc lại rất nhỏ.
Rõ ràng chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng. Chính vì vậy nếu nhà đầu tư nào có ý định đầu tư sản xuất nhà máy MDF tại miền núi phía Bắc tôi sẵn sàng tư vấn miễn phí.
Tức là nhìn về điều kiện khách quan, các tỉnh miền núi phía Bắc đều có lợi thế về vùng nguyên liệu, về nhân lực nhưng tại sao công nghiệp chế biến gỗ ở miền Nam phát triển như vũ bão còn miền Bắc lại ì ạch?
Hầu hết các cơ sở chế biến gỗ ở Việt Nam đều ở quy mô nhỏ hoặc vừa, có thể nhiều nhà đầu tư cũng thấy điều kiện thuận lợi ở miền Bắc nhưng nếu làm đơn lẻ thì sức không đủ cho những đơn đặt hàng từ nước ngoài nên khi quyết định đầu tư có lẽ họ phải chọn nơi quần tụ nhiều cơ sở chế biến gỗ khác để có thể cùng liên kết, phối hợp thực hiện những đơn hàng lớn.
Về mặt thị trường, ông đánh giá các cơ sở chế biến gỗ hiện nay đã đáp ứng khoảng bao nhiêu nhu cầu trong nước và nếu phát triển công nghiệp chế biến gỗ ở miền Bắc, nên xác định quy mô như thế nào?
Nhu cầu về gỗ của nước ta rất lớn, hiện nay chủ yếu vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Chỉ riêng mặt hàng ván sợi MDF, hiện ta có 9 nhà máy sản xuất với tổng công suất 400.000 m3/năm nhưng nhu cầu thị trường cần tới 1,4 triệu m3/năm. Tức là ta đang phải nhập khẩu 1 triệu m3 ván sợi MDF. Từ nay tới 2013 sẽ có 7 nhà máy ván sợi đi vào hoạt động nâng tổng công suất lên đủ 1,4 triệu m3 ván sợi cho thị trường. Nhưng khối lượng đó chỉ tạm đủ trong thời điểm này, mục tiêu của chúng ta tới năm 2020 sẽ nâng tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ lên 7 tỉ USD, điều đó đồng nghĩa với sản lượng gỗ tiêu thụ sẽ tăng gấp đôi.
Vậy làm thế nào để phát triển công nghiệp chế biến gỗ ở miền Bắc?
Vấn đề hiện nay là phải kêu gọi được những nhà đầu tư tâm huyết cùng bắt tay vào xây dựng các cơ sở chế biến gỗ ở miền Bắc tạo thành chuỗi liên kết. Ví dụ như Hải Phòng là nơi có cảng biển thì ta thiết lập những cơ sở chế biến gỗ thành phẩm nội thất, ngoại thất để xuất khẩu. Còn các tỉnh miền núi sẵn quỹ đất trồng rừng ta có thể mở các nhà máy sản xuất ván sợi MDF để cung ứng ván nguyên liệu làm đồ nội thất. Để làm được điều đó phải xây dựng Quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản gắn với rà soát và xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung.
Đặc biệt quan tâm đến những vùng có nhiều tiềm năng về cung cấp nguyên liệu nhưng công nghiệp chế biến gỗ vẫn còn hạn chế như các tỉnh miền núi phía Bắc, một số khu vực tại các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh dọc quốc lộ 5 nhằm khai thác tốt lợi thế của cảng Hải Phòng trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Đẩy nhanh tiến độ trồng rừng sản xuất, nhà nước cần có cơ chế chính sách phù hợp để làm đòn bẩy cho phát triển rừng kinh tế, tăng tỉ lệ khả năng cung cấp nguyên liệu trong nước cho công nghiệp chế biến, từng bước giảm dần khối lượng nguyên liệu nhập khẩu góp phần tạo sự chủ động cho các DN chế biến gỗ.
Đó là định hướng chiến lược mang tính lâu dài nhưng trước mắt để thu hút các DN đầu tư chế biến gỗ tại miền Bắc, chắc chắn phải có chính sách ưu đãi, khuyến khích cụ thể?
Chủ trương chính sách thì Nhà nước có rồi, đối với những vùng đặc biệt khó khăn Nhà nước cũng có những chính sách ưu đãi riêng so với địa phương khác. Tuy nhiên, muốn phát triển được lại phụ thuộc vào từng tỉnh vận dụng chủ trương chính sách đó như thế nào vào tỉnh mình cho phù hợp. Góc độ tôi là nhà đầu tư thì tôi chỉ quan tâm đến những vấn đề như thế này: Một là nguyên liệu vùng đó có đủ cung cấp cho mình không. Hai là cơ sở hạ tầng như giao thông, trường học, bệnh xá có không. Con em của công nhân làm ở đó phải có trường học, có nơi chữa bệnh. Thứ ba, thủ tục về hành chính có thông thoáng không. Thứ tư, được ưu tiên cái gì khi đầu tư vào tỉnh đó.
Vì vậy các tỉnh phải tăng cường xúc tiến đầu tư, tiếp xúc với DN; phải nói với họ sẽ được hưởng gì kể cả về cơ sở hạ tầng, về thủ tục hành chính. Các tỉnh cũng có thể lắng nghe tâm tư, khúc mắc của nhà đầu tư nếu những việc trong thẩm quyền sẽ có hướng giải quyết hoặc thậm chí xin TƯ hướng dẫn giải quyết.
Có lẽ để nhận được sự ưu ái trong đầu tư, ngoài những lợi ích vĩ mô như tăng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu…, DN chế biến gỗ cũng cần chứng minh sẽ đem lại lợi ích cụ thể cho các địa phương?
Cái lợi của việc thu hút đầu tư các tỉnh nhìn thấy đã rõ ràng. Chỉ riêng 2.500 cơ sở chế biến gỗ hiện nay đã mang lại công ăn việc làm cho 25.000 lao động. Chưa kể khi có các cơ sở chế biến gỗ, sẽ đảm bảo đầu ra cho người trồng rừng. Như ở các vùng duyên hải, bất cứ chỗ đất trống nào đủ điều kiện để trồng bạch đàn hay trồng keo là họ trồng ngay bởi vì các nhà máy ván dăm xuất khẩu họ luôn sẵn sàng mua với giá cao. Giá dăm hiện nay là 132 USD/tấn dăm và có nơi đã mua cho dân từ 1,1 -1,2 triệu đồng/tấn nguyên liệu.
Chính đầu ra của thị trường tốt đã kích thích người dân trồng rừng, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Thêm cái lợi lớn hơn nữa là thay vì Nhà nước ta đầu tư tiền cho dân để trồng rừng thì bây giờ phát triển các nhà máy chế biến gỗ, Nhà nước không cần sẽ không phải bỏ tiền ra trồng rừng nữa mà dân thấy có lợi vẫn tự trồng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nông nghiệp Việt Nam
Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/15/15/82123/Default.aspx