Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê của ta đã đạt 2 tỉ USD, hoàn thành 2/3 kế hoạch năm.
Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn. Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vifoca) cho rằng:
Muốn tạo dựng thương hiệu cho cà phê phải đầu tư nhiều cho khâu chế biến chứ lợi nhuận cà phê nhân rất thấp. Trong chiến lược phát triển 15 - 20 năm tới, Vifoca đã kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh đầu tư chế biến cà phê. Trong vòng 10 - 15 năm tới, chúng ta phải nâng khâu chế biến lên từ 20 - 25%.
- Chúng ta có rất nhiều nhà xuất khẩu cà phê, nhưng có quá ít nhà chế biến. Thực tế này nói lên điều gì, thưa ông?
Hiện Việt Nam mới có 4 doanh nghiệp chế biến cà phê hòa tan. Ngoài ra còn các nhà rang xay nhỏ dùng rất nhiều tên nhưng chỉ phục vụ cho một tỉnh, một thành phố, một số khách hàng riêng. Rõ ràng là các DN vẫn chưa chú trọng khâu phát triển thương hiệu cà phê Việt. Đây là khâu cần thay đổi trong thời gian tới. Đặc biệt, bắt đầu từ 1/1/2012 để hỗ trợ cho chương trình nâng cao thương hiệu và xúc tiến thương mại trong ngành cà phê, Vifoco đang xúc tiến việc đưa Quĩ hỗ trợ xuất khẩu vào hoạt động. Quĩ này cũng đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc trữ cà phê, hỗ trợ và người trồng nâng cao chất lượng giống cho năng suất tốt.
- Ông có cho rằng cần phải có cơ chế mới để cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh cà phê?
Cà phê cần phải trở thành mặt hàng kinh doanh có điều kiện như ở một số nước. Nếu cho phát triển tự do quá sẽ dẫn tới thực tế: sản xuất tập trung chỉ chiếm 10% còn lại 90% là cá thể. Điều này khiến việc đầu tư khoa học kỹ thuật và cải thiện khâu chế biến rất khó. Cho nên phải điều chỉnh lại cơ chế sản xuất kinh doanh cà phê. Chúng ta có tới 150 DN xuất khẩu cà phê, chủ yếu bán cà phê cho 20 DN thu mua nước ngoài có đại diện ở Việt Nam, những DN này lại chỉ bán cho 8 nhà rang xay quốc tế. Đây là câu chuyện có nhiều người trồng, nhiều nguời bán, nhưng quá ít người mua nên tự chúng ta làm giá cà phê của mình đi xuống. Indonesia đã rút ra bài học từ câu chuyện này nên họ chỉ có 5 nhà kinh doanh xuất khẩu cà phê. Việt Nam chưa làm ngay được như thế nhưng cũng không nên để có quá nhiều người bán như hiện nay.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Kinh tế & Đô thị