Thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững: Cần tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước

30/08/2011

Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung hiện nay đang phổ biến là qui mô nhỏ, thiếu vốn, công nghệ sản xuất kinh doanh chưa hiện đại, chưa có kinh nghiệm và đào tạo bài bản về quản trị kinh doanh. Muốn tồn tại, và phát triển, tái cấu trúc doanh nghiệp là hết sức cần thiết, trong đó, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay nhằm vượt qua áp lực khủng hoảng, lãi suất cao đang hiện hữu...

Trong 10 kiến nghị ổn định kinh tế vĩ mô của Ủy ban Kinh tế Quốc hội (QH) khóa XII và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam vừa được gửi đến QH khóa XIII. Một trong những kiến nghị quan trọng được đề cập đó là tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp Nhà nước để bảo đảm nhiệm vụ cơ bản là khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và cung cấp hàng hoá , dịch vụ công cộng thay vì đóng vai trò “chủ đạo” bằng cách đầu tư dàn trải và kém hiệu quả như hiện nay.
 
Tại kiến nghị này, các nhà kinh tế cho rằng, kinh tế nhà nước mà nòng cốt là các doanh nghiệp Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, là công cụ hiệu quả của nhà nước trong việc can thiệp vào nền kinh tế. Tuy nhiên, sự yếu kém của hệ thống doanh nghiệp nhà nước cùng với tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ đã không đáp ứng được mong đợi.
Thực tế, khu vực DNNN hiện đang nắm giữ nguồn lực rất lớn, nhưng sự đóng góp lại không tương xứng nếu xét về tỷ trọng đóng góp cho GDP và giải quyết việc làm… Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Namkhông nên tăng trưởng dựa chủ yếu vào khu vực kinh tế nhà nước và đầu tư Nhà nước. Nguyên tắc cơ bản là vận dụng tối đa cơ chế thị trường và Chính phủ chỉ tập trung vào việc khắc phục những khiếm khuyết của cơ chế thị trường và cung cấp hàng hoá, dịch vụ công cộng. Nhà nước không bao cấp và chịu rủi ro thay cho doanh nghiệp…
Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước hiện đang được xem là một nhiệm vụ cấp bách. Song cần phải triển khai như thế nào thì vẫn là vấn đề khó. Theo ông Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp Bộ Công Thương: Các DNNN đang “ôm đồm” quá nhiều việc. Vì thế, tái cấu trúc DNNN là một yêu cầu cấp bách cần được thực hiện trong thời gian tới. Điều này không chỉ tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp mà còn góp phần hướng tới mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu.
Ông Phùng Anh Tuấn - Hiệp hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cũng cho rằng: Nên tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế thay vì đặt một thành phần kinh tế vào “vị trí chủ đạo” như hiện nay. Vì việc đặt một thành phần kinh tế vào “vị trí chủ đạo” nếu không có định nghĩa và tiêu chí rõ ràng thường được hiểu là thành phần đó sẽ được ưu tiên hàng đầu trong việc tiếp nhận các trợ giúp về vốn, tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng,… Điều này vô hình chung sẽ đặt các thành phần kinh tế không thuộc “vị trí chủ đạo” (cụ thể là các doanh nghiệp ngoài nhà nước) rơi vào thế bất lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn, tài nguyên quốc gia và tạo ra sự phân biệt đối xử của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế khác nhau.
Hơn nữa, việc đặt DNNN vào vị trí chủ đạo như hiện nay sẽ gây ra những biến dạng nghiêm trọng cho thị trường cạnh tranh và môi trường hoạt động lành mạnh cho các DN. Vì thế, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN cần thiết phải tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, và tái cấu trúc DNNN vẫn là vấn đề cần làm.
Có thể nói, tái cấu trúc doanh nghiệp đã được đề cập từ khá lâu và hiện nay được coi là một trong những trọng tâm xuyên suốt kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 của Đảng và Nhà nước. Trong đó, được đánh giá là nhân tố góp phần quyết định thành công của quá trình phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, với một nền kinh tế mà DNNN luôn xác định là đóng vai trò chủ đạo, thì việc tái cấu trúc khối doanh nghiệp này phải đi trước một bước. Và trong các chính sách kinh tế của nhà nước cần tạo ra được môi trường bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân phát triển. Lý do vì lực lượng này đã và đang phát triển rất năng động, đóng vai trò rất quan trọng giải quyết việc làm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện nay, ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp không chỉ phát triển hệ thống kinh doanh trong nội địa mà còn vươn xa ra các quốc gia trên thế giới, số lượng doanh nghiệp có nguồn vốn chủ sở hữu từ 10 tỷ đến hàng trăm tỷ cũng được tăng lên, đóng góp một phần lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Để vận hành một cách thuận lợi trong nền kinh tế thị trường hiện nay không ít doanh nghiệp đã phải nỗ lực và chủ động tái cấu trúc để khắc phục những nhược điểm của cơ cấu quản lý cũ. Cổ phần hóa chính là bước đi thiết thực mà hiện nay các doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình thực hiện.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, đến năm 2010, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.846 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, đã cổ phần hóa 3.944 doanh nghiệp, chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 261 doanh nghiệp và sáp nhập, hợp nhất, giao bán khoán 1.902 doanh nghiệp. Thành công của tiến trình cổ phần hoá đã và đang phần nào bộc lộ rõ, đó là nâng cao năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động hài hoà hơn….
Với những kết qảu đó, có thể thấy đã đến lúc cần đẩy mạnh hơn nữa việc tái cấu trúc DNNN và sắp xếp lại tài chính, nhân sự… càng sớm, càng tốt để giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn. Bởi thực tế, việc tái cấu trúc doanh nghiệp cũng chính là quá trình khảo sát, đánh giá lại cấu trúc hiện tại và đề xuất giải pháp cho mô hình cấu trúc mới nhằm tạo ra “trạng thái” tốt hơn cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả dựa trên những nền tảng về sứ mệnh, tầm nhìn, định hướng chiến lược của doanh nghiệp.
Việt Nam đang có thời cơ rõ rệt trong việc tận dụng những lợi thế khách quan và chủ quan trong việc vươn lên tham gia vào nền sản xuất khu vực và toàn cầu. Để có thể nắm bắt được những cơ hội này, các doanh nghiệp cần phải tiến hành tái cấu trúc để cải thiện năng suất lao động, hội nhập tốt hơn với kinh tế quốc tế, tạo cơ sở cho tăng trưởng bền vững và ổn định lâu dài.
Tại kiến nghị về tái cấu trúc DNNN, các chuyên gia kinh tế cũng đề cập đến một số giải pháp cụ thể như: Cần sửa đổi những quy định không phù hợp, đang cản trở quá trình cổ phần hoá DNNN; Tạm dừng thành lập Tập đoàn kinh tế nhà nước mang tính hành chính không phù hợp với quy luật phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường; Chính phủ không bảo lãnh tín dụng hoặc cho vay đối với DNNN, buộc DNNN phải huy động vốn theo cơ chế thị trường; Khẩn trương xây dựng Luật Quản lý vốn kinh doanh nhà nước để quản lý mọi hoạt động kinh doanh và tài sản của nhà nước…
Việc tái cấu trúc doanh nghiệp đòi hỏi phải thay đổi ngay từ tư duy các nhà quản lý. Đã đến lúc cần tiến hành khảo sát, đánh giá mô hình cấu trúc hiện tại của doanh nghiệp, đặc biệt là DNNN, tìm ra những điểm hợp lý cũng như bất hợp lý để xây dựng mô hình cấu trúc mới một cách toàn diện cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn. Mong rằng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của các DNNN- lực lượng chủ công của tiến trình này, sẽ từng bước hoàn thành tốt việc tái cấu trúc doanh nghiệpgóp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn./.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/CPV/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=474258


Tin khác