1.000 thủy nông viên bỏ việc

06/09/2011

Trong vòng 9 năm qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có đến 1.110 thủy nông viên cơ sở bỏ việc. Vì thế cả trăm nghìn hộ nông dân chỉ còn biết ngửa mặt chờ... trời mưa.

Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho biết, tính đến thời điểm này toàn tỉnh có tổng cộng 1.021 công trình thủy lợi, gồm: 73 hồ chứa, 728 đập dâng, 230 trạm bơm điện. Bình quân mỗi năm số công trình vừa nêu chủ động cung ứng nước tưới cho khoảng 80.812 ha đất canh tác lúa và các loại hoa màu. Riêng Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam – doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được giao quản lý và khai thác 17 hồ chứa, 25 trạm bơm điện, 3 đập dâng kiên cố, 27 đập dâng bán kiên cố. Với số lượng công trình trên, hằng năm đơn vị này đảm nhận tưới gần 46 nghìn ha đất nông nghiệp.
Lực lượng thủy nông viên cơ sở mỏng khiến công tác chống hạn gặp rất nhiều khó khăn
 
Ông Tiến thông tin thêm, hiện nay ngoài 317 đơn vị quản lý công trình thủy nông độc lập, trên địa bàn tỉnh còn có 192 tổ chức thủy nông cơ sở tham gia đảm trách phần kênh mương nội đồng thuộc hệ thống các công trình thủy lợi do Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý. Loại hình này khá đa dạng và thường xuyên thay đổi về hình thức cũng như nhân sự. Nguồn tài chính chủ yếu để tổ chức thủy nông cơ sở hoạt động là phí dịch vụ nội đồng.
 Theo ông Nguyễn Đình Hải – Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, từ sau năm 1995 đến nay, khi chuyển đổi mô hình hợp tác xã (HTX), công tác thủy nông cơ sở trở thành một dịch vụ độc lập gắn với tổ chức hợp tác dùng nước trực thuộc những HTX nông nghiệp. Các địa phương chưa xây dựng được HTX nông nghiệp thì thành lập Ban Nông - lâm, Ban Kinh tế, Ban Thủy lợi hoặc Đội Thủy nông chuyên khâu... do UBND xã trực tiếp quản lý.
Gần 60 ha lúa bị thiệt hại vì trạm bơm nhiễm mặn
Chiều 5/9, ông Nguyễn Đình Hải – Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, trong vòng 10 ngày trở lại đây do trạm bơm Tứ Câu không vận hành được vì nước mặn thường xuyên xâm nhập sâu vào miệng bể hút với nồng độ cao khiến 50 ha lúa trà 3 thuộc vùng cuối kênh N1 và N2 của nông dân thôn Tứ Câu, Ngân Giang (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn) bị khô hạn nghiêm trọng.
Theo ông Hải, toàn bộ diện tích vừa nêu đang trong giai đoạn trổ đòng rộ thì xảy ra khô hạn nên quá trình thụ phấn không thể thực hiện được, dẫn đến bông lúa bị lem lép, thối hạt trên diện rộng. Ông Hải nhận định, rất nhiều khả năng 50 ha lúa này sẽ mất ít nhất một nửa sản lượng.
Không chỉ vậy, tại thôn Hà Dừa của xã Điện Ngọc cũng có 7 ha lúa chưa trổ đòng đang phải sống vất vưởng vì không có nguồn nước tưới.
Thực tế cho thấy, tại các huyện Núi Thành, Tam Kỳ, Phú Ninh, Quế Sơn, Thăng Bình do các tổ chức hợp tác dùng nước luôn biến động, tan rã, không được củng cố, kiện toàn nên hệ thống thủy nông cơ sở rất thiếu và yếu đa phần hoạt động kém hiệu quả. Còn ở những địa phương thuộc khu vực phía bắc, như: Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên nhờ chính quyền quan tâm xây dựng các tổ chức hợp tác dùng nước và hàng loạt Hợp tác xã phát triển mạnh, bền vững nên hệ thống thủy nông cơ sở hoạt động rất tốt.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, năm 2002 trở về trước, trong các khu tưới do Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý, có đến 2.590 người là thủy nông viên cơ sở làm nhiệm vụ nhận nước và dẫn nước từ các cụm thủy nông hoặc từ những công trình đầu mối về phân phối tận các chân ruộng, đồng thời chịu trách nhiệm tu sửa, bảo dưỡng hệ thống kênh mương nội đồng.
Thế nhưng, chỉ trong vòng chưa đầy 9 năm trở lại đây, toàn tỉnh có đến 1.110 người bỏ việc. Gần một nửa thủy nông viên “gác cuốc” khiến việc cung ứng nước tưới trên hàng loạt cánh đồng gặp rất nhiều khó khăn. Nói rõ hơn, không có “ông dẫn nước” nên nhiều nơi đã xảy ra cảnh chỗ thừa bứa nước, chỗ chẳng có lấy một giọt.
Vậy, nguyên nhân nào làm cho thủy nông viên cơ sở bỏ việc nhiều như thế? Ông Nguyễn Đình Hải – Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam bảo rằng, tất cả là do nguồn thu nhập của họ quá thấp. Điều tra mới đây của các cơ quan hữu trách cho thấy, bình quân 1 thủy nông viên quản lý 16 ha đất canh tác. Theo quy định tại quyết định số 32/QĐ-UB, ngày 13/10/2009 của UBND tỉnh Quảng Nam về thủy lợi phí thì các tổ chức hợp tác dùng nước không được thu phí nội đồng vượt quá 300 nghìn đồng/ha/vụ. Tính ra, tổng số tiền mà thủy nông viên thu được trong một vụ sản xuất là 4,8 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu lấy toàn bộ nguồn này chi lương cho lực lượng gián tiếp, gồm: Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Kế toán... của hợp tác xã và trả kinh phí duy tu, bảo dưỡng kênh mương nội đồng thì thu nhập thực sự của thủy nông viên chẳng còn mấy đồng. Ông Hải cho biết, hiện nay, mức thu nhập cao nhất của thủy nông viên là 1,5 triệu đồng/người/tháng, còn thấp nhất thì chỉ có 35 nghìn đồng/người/tháng.
Không có thủy nông viên cơ sở, nông dân "kêu trời" vì đồng ruộng thiếu nước cục bộ
 
Một thủy nông viên ở xã Bình Trung, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) than phiền: “Cứ vào vụ sản xuất là phải vác cuốc đi trổ nước cả ngày lẫn đêm. Nhiều lúc, nước chưa kịp chảy về đồng là nông dân đã tìm đến nhà chửi bới ầm ĩ. Khổ cực là rứa nhưng một tháng chỉ được trả công có 150 nghìn đồng. Nói thiệt, bây giờ, đi làm phụ hồ ở nông thôn, ăn uống xong xuôi cũng kiếm ít nhất 2 triệu đồng mỗi tháng”.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính nguồn thu nhập quá thấp như vừa đề cập là nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến những năm qua thủy nông viên cơ sở bỏ việc hàng loạt. Đây cũng là “rào cản vô hình” làm cho việc tìm kiếm thủy nông viên để xây dựng tổ chức thủy nông cơ sở ở các khu tưới đang đi vào ngõ cụt. Không ít người lo ngại, thời gian tới, nếu các ngành và đơn vị liên quan không nhanh chóng đưa ra những cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn lực lượng thủy nông viên cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục “rụng” thêm!
Tăng cường lực lượng, đào tạo kỹ thuật cho thủy nông viên cơ sở
Theo ông Nguyễn Đình Hải – Phó Giám đốc Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, hiện nay hầu như toàn bộ 1.480 thủy nông viên cơ sở thuộc các khu tưới của đơn vị này đều là những người đã hết tuổi lao động, không được đào tạo về công tác quản lý nước nên gây khó khăn trong quá trình vận hành, điều tiết nước đến mặt ruộng.
Cách đây không lâu, tại hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các địa phương để tìm giải pháp tăng cường công tác quản lý thủy nông, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, muốn thực hiện hiệu quả công tác quản lý thủy nông và cấp bù thủy lợi phí, thời gian tới Quảng Nam nói riêng và các địa phương khác nói chung cần tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp hoạt động của những công ty khai thác công trình thủy lợi, củng cố và kiện toàn các tổ chức hợp tác dùng nước.
Đặc biệt, nhất thiết phải hoàn thiện hệ thống thủy nông cơ sở và nhanh chóng đào tạo, nâng cao trình độ kỹ thuật cho đội ngũ này nhằm đảm bảo cho quá trình quản lý khép kín.
 
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/1/1/1/83387/Default.aspx


Tin khác