Đẩy mạnh tuyên truyền + áp dụng tiến bộ kỹ thuật = sản xuất sạch

07/09/2011

Mặc dù Luật An toàn thực phẩm đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 nhưng tại nhiều địa phương, tình trạng nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan vẫn khá phổ biến. Để khắc phục, tiến tới chấm dứt việc làm này, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân hiểu, thì việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất là hết sức quan trọng.

Nông sản sạch là mục đích mà ngành nông nghiệp của chúng ta đang hướng tới
Tràn lan thuốc "bách bệnh"
Có lẽ chưa khi nào nông dân lại thoải mái dùng thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay dù ngành chức năng ra sức khuyến cáo. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do họ mua được thuốc quá dễ dàng.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), do nhu cầu lớn nên lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu vào nước ta tăng nhanh. Nếu như năm 2008, giá trị nhập khẩu ước đạt 472 triệu USD thì năm 2010 tăng lên 537 triệu USD; riêng 7 tháng đầu năm 2011, con số này đạt ngưỡng 386 triệu USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thị trường hiện có 3.008 tên thương mại các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật đã được đăng ký (trong đó thuốc trừ cỏ có 450 loại, thuốc trừ sâu 930 loại, thuốc trị bệnh thực vật 661 loại), tăng gấp 3 lần so với cách đây 10 năm.
Từ chỗ chỉ có 4-5 hoạt chất và hỗn hợp hoạt chất được đăng ký từ năm 1996 thì đến năm 2011, Việt Nam đã có 800 hoạt chất và các hỗn hợp hoạt chất được đăng ký nhập khẩu. Con số này vượt xa số lượng các hoạt chất được đăng ký sử dụng tại Trung Quốc, nơi cung cấp hơn 90% lượng thuốc cho Việt Nam, hiện mới có 630 hoạt chất được đăng ký sử dụng.
Điều đáng nói là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng cách sẽ gây nguy hại tới môi trường và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sản xuất. Xét ở góc độ ý thức người dân, những con số mà Cục Bảo vệ thực vật cung cấp khiến chúng ta lo ngại hơn về mức độ an toàn trên đồng ruộng và trên từng sản phẩm. Có đến 81,4% số người mua thuốc để ngay trong nhà, 16% để ngoài vườn và 7% để trong... chuồng lợn; 94% số hộ sử dụng thuốc không có hướng dẫn; chỉ có 20% hiểu biết về tính chất độc hại của thuốc; 70% số người pha chế và sử dụng thuốc không theo hướng dẫn; 50% dùng tay pha chế thuốc...
Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất
Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật lý giải về tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gia tăng là do dịch bệnh trên lúa xảy ra liên miên trên cả nước từ năm 2004 đến nay. Riêng trong năm 2008, do dịch rầy nâu bùng phát và lây lan với tốc độ cao nên lượng thuốc phòng chống rầy đã tăng vọt để phục vụ cho 1,2 triệu hecta lúa nhiễm bệnh.
Ở khía cạnh khác, nhằm đẩy mạnh kiểm soát hàng nhập khẩu cũng như sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm như quy định tại Luật An toàn thực phẩm (có hiệu lực từ ngày 1/7/2011), cần phải tuyên truyền giúp người sản xuất hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng cách áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Ông Trần Thanh Hùng ở ấp Vĩnh Nhuận, xã Vĩnh Bình (Vĩnh Thạnh - TP. Cần Thơ) cho hay, nhiều năm trước, nông dân ở đây bón rất nhiều phân đạm, phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật cho lúa nhưng năng suất chỉ ở mức trung bình. Năm 2005, sau khi tham dự lớp đào tạo giảng viên nông dân do Trạm Bảo vệ thực vật tổ chức, ông hiểu rằng, đất cũng cần sự cân bằng sinh thái và thiên địch có vai trò quan trọng đối với ruộng lúa. Sau khi áp dụng vào thực tế sản xuất, năng suất và lợi nhuận tăng 50-70% so với trước đây. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hùng cho biết: "Giải pháp quan trọng là phải gieo sạ đúng lịch thời vụ, tập trung, né rầy; ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp như giảm giống, sạ hàng, bón phân theo bảng so màu lá lúa và đặc biệt là chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo nguyên tắc 4 đúng".
Đây cũng là một trong những nội dung của gói kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng". Giải pháp này được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật và được chuyển giao rộng rãi đến hàng triệu lượt nông dân, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Hiện nay, nhiều địa phương đã mở rộng giải pháp kỹ thuật này sang hướng "một phải, năm giảm". Theo đó, chuyển dần tập quán phun thuốc trừ sâu theo thói quen sang sử dụng chế phẩm sinh học ít độc hại môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, để có nền sản xuất sạch thì ngành chức năng các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh liên kết "4 nhà" để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/9/30124.html


Tin khác