Bình Thuận: Tìm hướng xuất khẩu thanh long bền vững

11/01/2012

Bình Thuận hiện là “thủ phủ” thanh long của cả nước với tổng diện tích trên 15.500 ha, sản lượng bình quân hàng năm trên 350.000 tấn. Tuy nhiên, để có thị trường ổn định cho trái thanh long hiện nay vẫn đang là vấn đề khó, và điệp khúc được mùa mất giá lập lại thường xuyên với người nông dân.

Ông Bùi Đăng Hưng – Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết: Hiện thanh long Bình Thuận đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu... Các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chấp nhận cho thanh long Bình Thuận nhập vào. Tuy nhiên chủ yếu vẫn là thị trường Châu Á, khoảng 70% sản lượng thanh long được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Theo ông Hưng, đây là phương thức mua - bán chứa đựng nhiều rủi ro. Bởi doanh nghiệp gần như lệ thuộc hoàn toàn ở phía đối tác về giá mua và sản lượng tiêu thụ. Tình trạng ép giá thường xuyên xảy ra, khiến các doanh nghiệp và nông dân trồng thanh long thua thiệt. Đối với các thị trường lớn có tiềm năng lớn như Mỹ , Canada , Nhật Bản, Châu Âu…họ đòi hỏi tất các các khâu phải đạt chuẩn theo qui định từ trồng, hệ thống thu mua, đóng gói và bảo quản. Trong khi đó, thanh long Bình Thuận hiện quá yếu về vấn đề này.
Theo thống kê, toàn tỉnh đã có hơn 4.400 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP (sản xuất nông nghiệp tốt tiêu chuẩn Việt Nam ), và gần 160 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP (sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu). Đây là tiêu chuẩn để được xuất khẩu sang các thị trường như châu Âu, châu Mỹ…
Nhưng con số này vẫn còn quá “khiêm tốn” so với tổng diện tích thanh long hiện có của tỉnh. Bên cạnh đó, khâu thu mua, đóng gói để xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện theo tiêu chuẩn, khiến sản phẩm kém sức cạnh tranh, không đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường tiêu thụ. Vẫn còn không ít nông dân vẫn còn lạm dụng chất kích thích, thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến chất lượng trái thanh long… Trong 108 cơ sở thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu thanh long, thì chỉ có 18 cơ sở đạt tiêu chuẩn sơ chế đóng gói an toàn xuất khẩu.
Ông Hưng cho biết, để mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long bền vững thì trước tiên thanh long phải “sạch - ngon - giá cạnh tranh và số lượng lớn”. Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đang vận động ít nhất 80% thành viên là các doanh nghiệp, đi tiên phong và gương mẫu trong việc xây dựng nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn và tổ chức thu mua sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cũng đang xây dựng và hình thành các tổ liên kết, nhằm tạo sức mạnh trong tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá để tăng thêm diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP… Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề ra giải pháp đầu tư phát triển mạnh hệ thống thu mua, đóng gói và bảo quản để đảm bảo tiêu thụ kịp thời cho nông dân.
Để đạt được điều này, hiện này toàn Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, tạo thị trường xuất khẩu thanh long bền vững. Đồng thời tìm cách tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho người trồng thanh long./.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=500856


Tin khác