Chăn nuôi bò sữa giúp Vĩnh Thịnh thoát nghèo

02/02/2012

Về xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc trong những ngày này, có thể nhận thấy, chưa bao giờ khát vọng thoát nghèo lại trỗi dậy mạnh mẽ như bây giờ. Với nỗ lực bền bỉ của người dân xã Vĩnh Thịnh, khát vọng ấy nay đã trở thành hiện thực. Cả làng, cả xã đã có thu nhập cao, ổn định nhờ mạnh dạn đưa bò sữa vào chăn nuôi.

No ấm nhờ chăn nuôi bò sữa
Nhận thấy, đời sống ngày càng đi lên, nhu cầu về sữa cho con người ngày càng tăng, đồng thời vùng đất bãi Vĩnh Thịnh cũng thích hợp cho việc trồng cỏ voi nuôi bò sữa... vậy là con bò sữa được Vĩnh Thịnh lựa chọn làm “giải pháp” cho cuộc cách mạng chống đói nghèo. Rút kinh nghiệm từ trồng mía, trồng dâu tằm trước đây, đầu ra cho sản phẩm là vấn đề được người Vĩnh Thịnh quan tâm đầu tiên. Phải làm sao có được nơi bao tiêu sản phẩm sữa bền vững cho bà con nông dân, lãnh đạo xã Vĩnh Thịnh đã tìm kiếm đối tác, gặp gỡ, trao đổi với những công ty chuyên chế biến sản phẩm sữa, chọn lựa nơi đáng tin cậy, đặt vấn đề ký hợp đồng làm ăn lâu dài.
Nhiều hộ dân Vĩnh Thịnh thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sữa.
 
Tuy đã tính trước lo sau cẩn thận như vậy nhưng bắt tay vào cuộc cũng đâu phải đã hết khó khăn. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là vốn. Trị giá một con bò sữa giống không hề rẻ, thậm chí tương đương một tài sản lớn của nhà nông. Giá một con bê cái chừng vài tuần tuổi đã là khoảng 6,5 - 7 triệu đồng/con. Với những con giống lớn hơn, thì giá lại càng cao tương đương mức độ tuổi: 10, 15, 20, 25 triệu đồng. Với hộ gia đình nông dân, số vốn đầu tư ban đầu như vậy là không hề nhỏ, thế nên muốn nuôi bò sữa cũng không hề đơn giản. Nắm bắt được khó khăn này của một số hộ nghèo, có một người đã tiên phong đứng ra nhận cung cấp con giống và thức ăn chăn nuôi cho dân “ghi nợ”, đến bao giờ bò trưởng thành, cho sữa, sẽ đứng ra thu mua bao tiêu sản phẩm trừ dần vào vốn đầu tư ban đầu, đó chính là Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Thịnh Đặng Đình Tuấn. Là một trong những người tiên phong, cho đến thời điểm hiện tại, gia đình ông vẫn là một trong những hộ đứng đầu trong xã về chăn nuôi bò sữa. Đồng thời, ông còn đứng ra lập trạm thu mua sản phẩm sữa cho dân làng. Bình quân một tháng, trạm thu mua của gia đình ông Đặng Đình Tuấn thu gom được 185 - 200 tấn sữa cung cấp cho công ty Vinamilk.
Bàn đến việc giúp nông dân thoát nghèo làm giàu chính đáng và bền vững, ông Tuấn cho biết, ở Vĩnh Thịnh hiện nay, không chỉ bò sữa đang “lên ngôi”, bò sữa được xem động lực chính “kéo” Vĩnh Thịnh thoát đói nghèo mà kinh tế trang trại theo mô hình VACR (vườn - ao - chuồng - ruộng) cũng thu thành quả rất ấn tượng. Hiện tại Vĩnh Thịnh đang đi tới no ấm rồi giàu có bằng thế “hai chân” khá vững chắc là bò sữa và kinh tế trang trại.
Tính đến khoảng giữa năm 2011, Vĩnh Thịnh có 165 trang trại vừa và nhỏ theo mô hình VAC, RAC, trong đó trang trại lớn nhất có diện tích 14 mẫu, nhỏ nhất khoảng 2 mẫu. Thu nhập bình quân một ha trang trại ở Vĩnh Thịnh đạt từ dăm chục đến vài trăm triệu đồng/năm. Với phương thức một cá một lúa, riêng những tháng đầu năm 2011, khoảng 110 ha ao nuôi thả thủy sản theo mô hình trang trại ở Vĩnh Thịnh đã cho sản lượng ước đạt trên 700 tấn tôm, cá. Các cán bộ xã Vĩnh Thịnh còn cung cấp một thông tin rất ấn tượng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi hàng hóa ở đây, đó là cây chuối tây.
Ông Tuấn cho biết, hiện tại, nhiều nhà ở Vĩnh Thịnh tích cực tận dụng đất bờ vùng bờ thửa ao đầm trồng chuối tây cho thu nhập rất khá. Vào chính vụ (khoảng từ tháng Giêng đến tháng Bảy hằng năm), một buồng chuối tây bán tại gốc có giá 150 - 180.000 đồng. Đợt trái vụ, buồng chuối nhỏ hơn cũng có giá 70- 130.000 đồng/buồng. Sau thu hoạch buồng, lá và thân chuối được ngả xuống làm thức ăn cho bò, cá; bi hoa chuối bán tại gốc cho người buôn cũng được 2 - 3.000đồng/cái. Một sào đất có thể trồng được từ 180 - 250 gốc chuối phát triển thành khóm cho thu nhập quanh năm. Dịp cuối tháng 3/2011, một nải chuối tây xanh loại đẹp bán tại vườn bình quân có giá 20 – 24.000đồng. Còn vào Tết Nguyên Đán năm nay, một nải chuối đẹp giá 40 – 50.000 ngàn đồng. Điển hình có những ở vườn chuối ở Vĩnh Thịnh được khách buôn đặt cọc trước với số tiền lên tới 40, 50 triệu đồng. Hàng chục vườn chuối của nhiều hộ gia đình khác ở đây cũng được khách buôn tìm đến đặt cọc từ 20 - 25 triệu đồng để lấy hàng lâu dài. Chuối tây rất hợp bùn ao, ít sâu bệnh, cây giống rất rẻ, hiện tại người dân có thể xin không cây giống của nhau. Vốn đầu tư ban đầu ít lại dễ chăm sóc mà cho thu nhập cao nên cây chuối tây đang được người Vĩnh Thịnh nhân rộng.
“Thương hiệu” bò sữa Vĩnh Thịnh được khẳng định
Một trong những hộ gia đình đầu tiên ở Vĩnh Thịnh mạnh dạn nuôi bò sữa đó là anh Vũ Đức Thọ ở thôn An Lão. Vợ và con dâu anh Thọ đang chăn đàn bò 6 con. Anh Thọ cho biết, đàn bò nhà anh có 4 con đang cho sữa, con ít nhất 18 lít sữa, con nhiều thì 23 - 27 lít/ngày, giá thời điểm này khoảng 10.000 – 10.500 đồng/ lít. Trừ mọi chi phí, bình quân mỗi tháng nhà anh để tiết kiệm được 11 -13 triệu đồng. Vừa cho sữa, đàn bò còn sinh sản. Nhà anh Thọ vừa xuất bán hai con bê sữa giống. Con 3 tuần tuổi được 6,5 triệu đồng, con 4 tháng tuổi được 25 triệu. Có tiền, anh Thọ đã đầu tư mua máy thái cỏ, máy xay xát, máy vắt sữa, máy phát điện, máy bơm. Từ ngày đầu chập chững làm quen với việc nuôi bò sữa đến nay đã tròn 10 năm, anh Thọ hồ hởi cho biết: 10 năm nuôi bò sữa, tài sản lớn nhất mà đàn bò mang lại cho gia đình anh không chỉ thuần túy là tiền bạc, mà chính là 4 đứa con: một học đại học Bách khoa, một học Kiểm toán nhà nước và một học Đại học sư phạm. Cả ba nay đã ra trường và có việc làm ổn định, người còn lại đang theo học cao đẳng. Anh Thọ tự hào khẳng định: Chính con bò sữa giúp nhà tôi thoát nghèo và các con tôi trở thành trí thức đấy.
Như vậy, sau bao trăn trở, gian nan, người dân Vĩnh Thịnh đã tìm ra cho mình chìa khóa để vươn tới sự no ấm, hạnh phúc. Có thể kể ra những cái tên đã góp phần làm nên “thương hiệu” bò sữa Vĩnh Thịnh như ông Quý Giáp với đàn bò thường xuyên từ 25 - 35 con, ông Đặng Đình Tuấn với đàn bò 25 con. Rồi các hộ gia đình Đỗ Văn Thành, Hoàng Văn Tiếp, Đỗ Gia Việt, Trần Trọng Bằng, mỗi hộ thường xuyên nuôi từ 5 -10 con bò sữa trở lên. Ông Trần Trọng Đường - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết: Đàn bò sữa Vĩnh Thịnh có khoảng 1.300 con, tăng gần 300 con so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, gần 900 con đang cho khai thác sữa, bình quân từ 18 - 25 lít sữa/con/ ngày. Đặc biệt có những con bò sữa Vĩnh Thịnh đã cho sản lượng 30 - 35 lít sữa/ngày như bò nhà anh Đỗ Văn Thành. Sản lượng sữa của xã cuối năm 2010 ước đạt khoảng 3000 tấn. Mấy tháng đầu năm 2011, do thời tiết rét hại kéo dài, dịch bệnh phát sinh, giá cả leo thang, chi phí cho sản xuất bị “đội” sàn từng ngày, ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi, nhưng đàn bò sữa Vĩnh Thịnh vẫn đều đặn cho sữa với sản lượng trung bình một con đạt 18 – 22lít/ngày.
Một điều đáng chú ý ở Vĩnh Thịnh đó là, sự tiên phong gương mẫu, năng động, dám nghĩ, dám làm trong công cuộc xóa đói nghèo của cán bộ đảng viên, trong đó, phải kể đến đội ngũ cựu chiến binh (CCB). Với hơn 11.000 dân, Vĩnh Thịnh có 836 CCB, 11 mẹ Việt Nam anh hùng, 197 người con Vĩnh Thịnh đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Vĩnh Thịnh hiện là xã có số CCB đông nhất tỉnh Vĩnh Phúc. 2/3 số cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền Vĩnh Thịnh hiện nay là CCB. Trên mặt trận chống đói nghèo, lạc hậu, những người lính năm xưa vẫn luôn nêu cao phẩm chất cách mạng của bộ đội Cụ Hồ; không chỉ biết làm giàu cho gia đình, mà còn góp phần đắc lực xây dựng quê hương ngày thêm phát triển, tiến bộ. Đó là một trong những nguyên nhân sâu xa để Vĩnh Thịnh có được diện mạo như hôm nay, với thương hiệu bò sữa Vĩnh Thịnh, với hệ thống các công trình dân sinh phúc lợi khá hoàn thiện, với thu nhập bình quân đầu người ở Vĩnh Thịnh ước đạt trên 16 – 17.000.000/người/năm. Vĩnh Thịnh không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm xuống 3,22%. 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, với hàng trăm học sinh có học lực xếp loại khá, giỏi các cấp; 37km đường liên thôn, xã được thảm nhựa, bê tông hóa...
Điểm qua một vài con số biết nói này, để thấy rõ thêm một điều: Vĩnh Thịnh đang vững bước đi tới giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc bằng chính nội lực và một quyết tâm, một ý chí cao nhất. Tâm niệm lời dạy của Bác Hồ “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…” cộng hưởng nhuần nhuyễn sự đoàn kết nhất trí giữa ý Đảng với lòng dân. Tin rằng, vùng quê này sẽ phồn thịnh, trù mật lâu dài như cái tên Vĩnh Thịnh./.
Theo cpv.org

 


Tin khác