|
Thu hoạch muối ở huyện Đông Hải, Bạc Liêu.
|
Diêm dân khốn đốn
Đi qua cánh đồng muối xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại (Bến Tre) vào những ngày này không khí mùa vụ hết sức tẻ nhạt, các ruộng muối chỉ lác đác vài bóng người.
Bà Nguyễn Thị Chi, ở ấp Phước Thạnh, xã Thạnh Phước rầu lo bởi đến nay 5 công muối chỉ thu được 60 giạ, chưa bằng phân nửa so cùng kỳ năm ngoái. Bà Chi phân trần: “Đầu tháng 11- 2011, cả nhà tôi ra đồng làm đất để sản xuất vụ muối mới 2012. Sau hơn 4 tháng sản xuất nhưng tổng thu nhập từ 5 công muối chỉ có 2 triệu đồng, tính ra mỗi tháng cả nhà chỉ được 500.000 đồng”. Để có tiền mua gạo và xoay xở nhiều thứ trong nhà, ông Phạm Văn Thành (chồng bà Chi) phải chạy khắp nơi làm thuê làm mướn như kéo tôm, đào đất… Tuy nhiên, do ít người thuê nên số tiền kiếm được cũng chẳng bao nhiêu.
Ở ấp Phước Thạnh, gia đình bà Chi làm muối đã mấy đời theo kiểu cha truyền con nối. Điều hết sức nghịch lý là càng chung thủy với nghề muối bao nhiêu thì càng nghèo bấy nhiêu, bởi tình trạng thất mùa - rớt giá cứ lặp đi lặp lại. Trưởng ấp Phước Thạnh, ông Nguyễn Văn Hậu cho biết, kinh tế chính của ấp dựa vào muối, năm nay muối thất mùa đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Tại cánh đồng muối rộng hơn 837 ha ở huyện Ba Tri (Bến Tre) tình hình thu hoạch muối cũng rất ảm đạm. Ông Phạm Văn Đức, ấp Thạnh Đức, xã Bảo Thạnh nói: “Từ đầu năm đến nay các chủ ruộng muối trong ấp bơm nước mặn vào phơi hoài mà muối không chịu kết tinh, chẳng thu hoạch được gì”.
Theo ông Đức, cùng với mưa bất thường xảy ra nhiều, nước mặn không đủ độ, cộng thêm nắng yếu, thiếu gió biển… nên muối thất mùa. Nhiều ruộng muối ở xã An Thủy, Tân Thủy… diêm dân thu hoạch muối rất ít, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Ông Mai Văn Trí, cán bộ phụ trách diêm nghiệp thuộc Phòng NN-PTNT huyện Ba Tri nhìn nhận, đến đầu tháng 3 nhưng toàn huyện chỉ thu được 14.000 tấn muối, đạt 37% so cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do thời tiết diễn biến khó lường gây bất lợi cho đồng muối. Trong thời gian tới nếu vẫn không có nắng và xuất hiện thêm vài cơn mưa thì hàng loạt hộ làm muối trắng tay.
Ở Trà Vinh, Bạc Liêu… cũng tương tự. Ông Trịnh Văn Thanh, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải (Bạc Liêu), cho biết: “Hồi năm ngoái đến thời điểm này, 30 công muối của gia đình ông đã thu về trên 100 tấn, nay chỉ thu được 30 tấn. Những cơn mưa trái mùa ập đến liên tục làm hàng ngàn hécta muối tan theo nước, thiệt hại rất lớn”.
Nguy cơ đồng muối thu hẹp?
Cùng với chuyện thất mùa, nhiều diêm dân đang lo giá muối có khả năng giảm trong những ngày tới khi vào giai đoạn thu hoạch rộ. Hiện tại thương lái đang mua muối đen ở ĐBSCL với giá 700 đồng/kg; muối trắng 1.000 đồng/kg. “Đây là mức giá có thể chấp nhận được trong điều kiện trúng mùa, chứ còn hiện nay muối thất mùa, sản lượng thu về không bao nhiêu nên đời sống diêm dân tiếp tục khổ. Chúng tôi đang lo muối có giữ được giá này hay không, khi các bộ ngành chức năng cho phép doanh nghiệp nhập khẩu muối ngoại trong thời gian tới”, ông Trần Văn Lắm, diêm dân xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại bày tỏ.
Ông Lắm cho rằng, nghề làm muối rất cơ cực và chịu nhiều thiệt thòi. Mỗi năm một vụ muối kéo dài khoảng 5 - 6 tháng, buộc diêm dân phải bám chặt đồng muối, hứng chịu cái nắng khắt nghiệt. Tội nhất là các chị em phụ nữ thường hay “già trước tuổi” bởi những vất vả của nghề này. Khổ cực là vậy, thế nhưng lâu nay nghề muối chẳng được đầu tư gì nhiều. Việc sản xuất phải tự vay vốn bên ngoài với lãi suất cao, còn khi tiêu thụ thì mọi chuyện do thương lái định giá, cao thì nhờ, thấp phải chịu. Điển hình năm 2011 muối giá rớt, thương lái không mua khiến lượng muối tồn kho trong cả nước trên 205.000 tấn.
Hai năm liền (2011 và 2012), muối thất mùa, giá bán không cao, đầu ra khó khăn; trong khi ngành chức năng chưa có chính sách bảo hộ hay những hỗ trợ tích cực cho nghề muối. Tương lai của nghề muối bấp bênh nên nhiều hộ ở ĐBSCL đã và đang phá bỏ ruộng để chuyển sang làm nghề khác; trong đó đa phần là nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng…
Ông Trần Văn Thắng, ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải cho biết, dù đã hàng chục năm gắn bó với đồng muối nhưng vẫn phá bỏ 30 công đất muối đào ao nuôi tôm sú. Bởi càng làm muối, càng nghèo và không có lối ra. Cùng với ông Thắng, nhiều hộ làm muối ở ấp Bình Điền cũng nói lời chia tay với muối.
Ông Mai Thanh Hùng, Phó phòng NN-PTNT huyện Đông Hải thừa nhận: “Muối rớt giá, tôm được giá nên đã có hàng trăm hécta muối biến thành đồng tôm. Nếu tới đây tình hình không cải thiện, nguy cơ phá bỏ đồng muối hàng loạt là khó tránh khỏi”.
Tại huyện Ba Tri tỉnh Bến Tre, 57ha muối đã chuyển thành ao nuôi tôm sú. Ông Phạm Thanh Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại lo lắng khi 36 ha muối vừa được người dân san bằng để đào ao nuôi tôm và kế hoạch giữ 350 - 400 ha muối ở xã coi như phá sản.
Sở NN-PTNT các tỉnh ven biển ĐBSCL cùng nhận định, nghề làm muối rất khó giàu, nhất là đặc thù đất muối của người dân các tỉnh không nhiều, bình quân từ 0,5 - 1,5 ha/hộ. Do sản xuất dạng nhỏ lẻ, cộng với đầu ra không ổn định nên đời sống diêm dân chưa thể cải thiện. Ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) có khoảng 1.900 ha muối với hơn 1.000 hộ trực tiếp canh tác; huyện Ba Tri (Bến Tre) có 1.272 hộ làm muối; xã Thạnh Phước (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) có trên 360 hộ làm muối… Đa phần dân làm muối đều nghèo, đời sống khó khăn do nhiều bất cập trong việc điều hành sản xuất và tiêu thụ.
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, bình quân mỗi người dân sử dụng khoảng 6 kg muối/năm, chiếm một lượng nhỏ so với các loại thực phẩm khác. Trong khi giá 1 kg muối khá thấp chỉ mấy trăm đồng, do đó nếu giá muối tăng thêm cũng không ảnh hưởng gì lớn đối với người tiêu dùng. Trong khi giá muối tăng sẽ góp phần giúp diêm dân làm muối tăng được thu nhập, cải thiện cuộc sống để họ an tâm đầu tư sản xuất muối.
|
Một trong những vấn đề khiến người làm muối bất an là tình trạng thừa muối nội nhưng các bộ ngành chức năng vẫn cho phép nhập muối ngoại đã tác động đến thị trường tiêu thụ muối nội. Cụ thể, giữa năm 2011 khi muối nội đang tăng giá thì Bộ Công thương đồng ý cho các doanh nghiệp nhập 50.000 tấn muối công nghiệp. Và muối nội đảo chiều rớt giá, không bán được, diêm dân lỗ trắng.
Theo Sài Gòn Giải phóng