Mục tiêu hàng đầu phải là an ninh lương thực quốc gia

13/03/2012

Giải pháp nào để đẩy mạnh xuất khẩu gạo Việt Nam? Mục tiêu phấn đấu để trở thành quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới có phải là ưu tiên số một của Việt Nam hay không? Ông Nguyễn Trí Ngọc- Cục Trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Trí Ngọc
Phóng viên (PV): Dự báo xuất khẩu gạo năm 2012 sẽ có nhiều khó khăn, theo ông chúng ta cần phải làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong năm 2012?
Dự báo xuất khẩu gạo sẽ có nhiều khó khăn, nhất là gạo phẩm cấp thấp vì chúng ta chịu sự cạnh tranh nhiều của các nước khác như: Ấn Độ, Pakistan và Myanmar. Rõ ràng, để giải quyết bài toán này cần nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, phải tăng cường xúc tiến thương mại, tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó có cả châu Á và châu Phi.
PV: Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ trọng xuất khẩu gạo lớn, ông cho rằng, Việt Nam có nên đặt mục tiêu ưu tiên số một để trở thành quốc gia hàng đầu trong xuất khẩu gạo?
Mục tiêu đầu tiên của Việt Nam phải là an ninh lương thực quốc gia. Còn xuất khẩu chỉ là hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập nông dân, đảm bảo sản xuất lương thực bền vững. Đối với Việt Nam, với số dân xấp xỉ 90 triệu dân, bình quân đất đầu người thấp, bị co hẹp do tác động của biến đổi khí hậu, do đó mục tiêu hàng đầu vẫn là an ninh lương thực.
Nhưng để đảm bảo lúa gạo phát triển bền vững, hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân chúng ta cũng cần tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu…
PV: Trên thị trường hiện nay loại gạo có phẩm cấp thấp đang rất khó tiêu thụ. Vậy chúng ta sẽ cần phải có sự điều chỉnh như thế nào, thưa ông?
Trước hết phải điều chỉnh cơ cấu giống, giảm tối đa diện tích sử dụng những giống lúa phẩm cấp thấp như IR0404. Vấn đề này chúng tôi đã khuyến cáo ngay từ đầu vụ Đông Xuân 2012, bà con chỉ nên xuống giống khoảng 15- 20% diện tích. Tuy nhiên, việc quản lý còn nhiều bất cập, vì thế không ít địa phương vẫn xuống giống đến 50% diện tích lúa phẩm cấp thấp, điều này đang gây khó khăn lớn cho tiêu thụ ngay từ đầu năm nay.
PVThái Lan là một trong những nước có định hướng sản xuất lúa gạo cao cấp từ rất sớm. Còn Việt Nam tại sao chúng ta không triển khai điều này?
Trước hết, Việt Nam không thể như Thái Lan. Vì Việt Nam số dân gần 90 triệu dân, diện tích đất canh tác rất ít, chỉ có 4,1 triệu ha, diện tích đất trồng lúa cũng ít. Trong khi đó, Thái Lan dân số ít hơn, diện tích đất lúa nhiều, khoảng 10 triệu ha, họ chỉ gieo cấy một vụ nên có điều kiện sử dụng giống cổ truyền chất lượng cao, phụ thuộc nước tự nhiên, dài ngày nên năng suất thì thấp nhưng dài ngày, do đó, chất lượng cao. Mình không thể theo họ và đó cũng không phải là mục tiêu của chúng ta.
PV: Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công Thương đã có kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, ông có thể cho biết cụ thể hơn về kế hoạch này?
Kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo bắt đầu từ ngày 15/3 đến ngày 30/4/2012. Theo đó, thời gian tạm trữ là 3 tháng và doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng. Đây là chính sách cần thiết để giữ ổn định giá lúa gạo hiện nay.
Còn đối với loại gạo dự trữ thì doanh nghiệp sẽ dự trữ những loại gạo mà khả năng tiêu thụ hiệu quả nhất.
PVSau thời gian tạm trữ 3 tháng như theo kế hoạch mà đầu ra tiếp tục căng thẳng chúng ta sẽ có giải pháp gì để khắc phục, thưa ông?
Mọi diễn biến đều có thể xảy ra. Nhưng Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cũng đã thống nhất về thời gian tạm trữ là 3 tháng. Vì phải tập trung thu mua lúc dân thu hoạch rộ để giảm căng thẳng giá cho nông dân và để tập trung cho sản xuất vụ hè thu sắp tới. Sau đó, tùy diễn biến thị trường sẽ quyết định những giải pháp tiếp theo.
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=511470


Tin khác