Nghiên cứu mới nhất của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT (Ipsard) về “Góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của nông dân trong các công ty cổ phần” cho thấy, nông dân chịu nhiều thiệt thòi do tỷ lệ ăn chia thấp, rủi ro cao...
Các thử nghiệm đều thất bại
Kết quả nghiên cứu này được thực hiện tại 4 tỉnh là Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào hai hướng khảo sát, đó là góp vốn vào các dự án phi nông nghiệp và các dự án nông nghiệp. Tại các dự án phi nông nghiệp việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cơ bản thất bại. Theo thống kê của Ipsard, từ năm 2005 đến 2010 đã có 0,5 triệu ha đất được thu hồi trên phạm vi cả nước nhưng chỉ có vài dự án (có tính thử nghiệm) góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.
|
Người dân góp vốn vào các dự án cao su còn chịu nhiều thiệt thòi.
|
Nghiên cứu cụ thể của Ipsard với mô hình phi nông nghiệp ở Cẩm Giàng (Hải Dương) cho thấy, người dân góp vốn bằng đất với giá trị 19 triệu đồng/sào để thực hiện dự án công ty may. Tuy nhiên, sau khi người dân góp vốn, doanh nghiệp làm ăn lại không có lãi, nên người dân mất luôn vốn. Một dự án khác ở Tam Dương (Vĩnh Phúc) làm đồ sắt cũng trong tình cảnh tương tự. Hiện chủ cũ đã không còn thực hiện dự án này, hiện đã chuyển nhượng cho người khác.
“Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Nhưng tất cả các thử nghiệm này đều thất bại” - TS Lê Đức Thịnh - Trưởng Bộ môn Thể chế nông thôn (Ipsard) nói.
Đối với các dự án nông nghiệp, Ipsard chỉ ra rằng, thực chất đây là giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu chế biến, khắc phục manh mún của sản xuất, gắn sản xuất với chế biến. Mô hình này mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Tuy nhiên, hạn chế là gia tăng sự phụ thuộc của người dân vào doanh nghiệp; nông dân không có khả năng quản lý nên có nguy cơ bị đẩy vào vị thế bất lợi; giá trị quyền sử dụng đất chưa xác định đúng, nhiều nơi chỉ có 10 triệu/ha là quá thấp…
|
TS Lê Đức Thịnh (Ảnh: AGROINFO) |
Cả doanh nghiệp, người dân không mặn mà
Sau hàng loạt các dự án thí điểm thất bại, những năm gần đây, một số mô hình góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất lại có chiều hướng phát triển mạnh.
Tuy nhiên, cả doanh nghiệp và người dân vẫn chưa mặn mà với mô hình này. Ông Phạm Khắc Hiệp - chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp nhận định, đầu tư cho nông nghiệp rất tốn kém lại chịu rủi ro cao nên nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà. Mặt khác, bản thân người dân còn nhiều băn khoăn vì lợi nhuận thấp và sợ mất đất bởi những rủi ro từ phía doanh nghiệp.
Theo nghiên cứu của Ipsard ở hai mô hình trồng mía ở Thanh Hóa và mô hình trồng cây cao su cho thấy: Đối với mô hình trồng mía, doanh nghiệp bỏ 200 triệu thuê 1ha đất trong vòng 20 năm và mỗi năm đầu tư thêm 60 triệu đồng để tổ chức sản xuất. Lợi nhuận từ mía chỉ được hưởng 30%, trong khi 10% đã dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Ngoài mô hình trồng mía, mô hình trồng cây cao su cũng cho thấy người dân gặp phải khó khăn như tỷ lệ ăn chia thấp, giá trị vốn đất chỉ có 10 triệu đồng/ha là quá thấp nên cổ tức càng thấp.
“Theo tôi, mô hình góp đất chỉ khả thi khi khung pháp lý được nghiên cứu ban hành theo hướng: Xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất của nông dân; tỷ lệ phân chia sản phẩm phải được tính toán hợp lý; có giải pháp về vốn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng đầu tư nửa chừng”. - TS Lê Đức Thịnh
Theo Bộ Tài chính, đối với người nông dân khi góp đất vào dự án, họ sẽ có những băn khoăn so sánh. Chẳng hạn khi thu hồi đất họ được bồi thường, hỗ trợ ngay. Còn khi góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất thì phần thu lại phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, không đảm bảo được phần vốn góp của người dân khi doanh nghiệp giải thể.
|
Theo Nông thôn ngày nay
Nguồn:http://danviet.vn/79912p1c34/gop-von-bang-gia-tri-quyen-su-dung-dat-nong-dan-van-thiet.htm