Hệ thống sản phẩm đa dạng
Đây chính là một trong những yếu tố thành công của loại hình bảo hiểm nông nghiệp tại Tây Ban Nha. Hiện, tất cả rủi ro trong sản xuất nông nghiệp ở quốc gia này đều được bảo hiểm bởi các công ty tư nhân với 3 dạng hợp đồng: bảo hiểm cho một loại rủi ro duy nhất, bảo hiểm đa rủi ro, bảo hiểm mọi rủi ro, trong đó hợp đồng đa rủi ro phổ biến hơn cả. Người tham gia bảo hiểm có thể là cá nhân hoặc một nhóm nông dân (dưới dạng hợp tác xã hoặc các tổ chức nghề nghiệp…) và việc tham gia bảo hiểm là hoàn toàn tự nguyện. Nông dân Tây Ban Nha có thể lựa chọn tới 58 loại sản phẩm khác nhau, trong đó, tất cả các cây trồng đều được bảo hiểm, ngoài ra còn có 3 sản phẩm bảo hiểm vật nuôi và 5 sản phẩm bảo hiểm nuôi trồng thủy sản.
|
Chương trình bảo hiểm mùa màng đa rủi ro của Hoa Kỳ bảo hiểm cho 70 loại cây trồng.
|
Tại Tây Ban Nha, hệ thống bảo hiểm nông nghiệp được bắt đầu với vai trò chủ quản của Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Lương thực. "Chân rết" bên dưới bộ là ENESA, cơ quan thuộc bộ với chức năng chính là cụ thể hóa các kế hoạch hàng năm đối với bảo hiểm nông nghiệp, trong đó chỉ rõ mô hình kỹ thuật của hệ thống (như mức trợ cấp phí bảo hiểm, sản lượng được bảo hiểm, tiêu chuẩn canh tác tối thiểu…). ENESA cũng tiến hành trợ cấp phí bảo hiểm, giám sát việc thực hiện kế hoạch và làm "trọng tài" trong các vụ tranh chấp quản lý các doanh nghiệp bảo hiểm là AGROSEGURO, hội các công ty tư nhân tham gia đồng bảo hiểm. Hàng năm, ENESA chủ trì việc ban hành các kế hoạch bảo hiểm. Trên cơ sở đó, AGROSEGURO ấn định các điều kiện cụ thể cho từng sản phẩm bảo hiểm, ấn định mức phí cho các khu vực khác nhau tương ứng với mức độ rủi ro và chi phí quản lý của từng vùng. Căn cứ vào đó, các công ty bảo hiểm thành viên cấp đơn bảo hiểm cho khách hàng. Điều đáng lưu ý là phí bảo hiểm được Chính phủ nước này hỗ trợ trên 40%.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, từ những năm 1990, nước này đã thu hút được 35% nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Tổng số tiền trợ cấp phí bảo hiểm, trợ cấp chi quản lý và tiền bồi thường của Chính phủ Hoa Kỳ trong giai đoạn này đã lên tới 10 tỷ USD. Đặc biệt, sau khi Luật sửa đổi Bảo hiểm mùa màng 1994 ra đời, mức độ tham gia bảo hiểm tăng nhanh, cả về số lượng người tham gia, diện tích được bảo hiểm, số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm. Theo luật này, bảo hiểm mùa màng được kết hợp cùng với chương trình trợ cấp thiên tai để hình thành nên chương trình Bảo hiểm mùa màng đa rủi ro (MPCI). Phạm vi bảo hiểm của MPCI chủ yếu là các rủi ro có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm lũ, lụt, mưa đá, gió lớn, độ ẩm cao và các thảm họa khác. Chương trình này có đối tượng bảo hiểm là khoảng 70 loại cây trồng chính.
MPCI được xây dựng trên cơ sở thống kê sản lượng thu hoạch thực tế của từng hộ nông dân, từng trang trại riêng biệt. Sản lượng làm cơ sở tính phí bảo hiểm là sản lượng thực tế bình quân quá khứ trên mảnh đất của người được bảo hiểm từ 4 đến 10 năm.
Hiện, có ba chương trình bảo hiểm mùa màng đa rủi ro đang được triển khai tại Hoa Kỳ.
Bảo hiểm rủi ro thảm họa (Catastrophic Risk Protection: CAT). Theo đó, CAT bảo hiểm cho 50% sản lượng thực tế bình quân quá khứ ở mức 55% giá thị trường dự kiến. Giá tham chiếu là mức giá dự kiến trong suốt thời gian thu hoạch do Công ty bảo hiểm mùa màng liên bang (FCIC) thông báo. Đối với mỗi tổn thất thuộc phạm vi bảo hiểm, nông dân sẽ nhận được khoản tiền bồi thường tương ứng với 27,5% tổng doanh thu dự kiến. Một ưu đãi rất lớn trong chương trình CAT là phí bảo hiểm được Chính phủ tài trợ toàn bộ.
Bảo hiểm toàn phần với mức sản lượng và mức giá có thể được bảo hiểm cao hơn CAT. Để tham gia bảo hiểm, nông dân phải đóng phí bảo hiểm và chi phí quản lý, đồng thời Nhà nước cũng thực hiện tài trợ một phần phí bảo hiểm.
Cuối cùng là bảo hiểm rủi ro nhóm (Group Risk Plan: GRP). Chương trình bảo hiểm này dựa trên cơ sở sản lượng thu hoạch bình quân chung của cả hạt (tương đương cấp tỉnh ở Việt Nam) mà không dựa vào sản lượng thu hoạch thực tế của từng hộ nông dân. Nếu sản lượng thu hoạch của hạt trong năm thấp hơn mức được bảo hiểm, người được bảo hiểm sẽ được nhận tiền bồi thường, bất kể sản lượng thu hoạch của họ có bị giảm sút hay không.
Những năm qua, bảo hiểm nông nghiệp tại Nhật Bản được triển khai thực hiện khá thành công, không chỉ về số lượng người tham gia, số đối tượng được bảo hiểm mà cả về doanh số phí thu được. Đồng thời, kết quả thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cũng chứng tỏ sự hỗ trợ rất tích cực của Nhà nước. Chính phủ nước này hàng năm đóng góp trên dưới 50% phí bảo hiểm và 50% tiền bồi thường cho bảo hiểm nông nghiệp. Hệ thống bảo hiểm thực hiện bảo hiểm cho hầu hết các loại cây trồng và vật nuôi, trừ rau, hoa và gia cầm. Không những thế, các tổ chức bảo hiểm tương hỗ ở nước này còn nhận bảo hiểm cho cả nhà cửa, tài sản của nông dân.
Chính phủ quy định bảo hiểm bắt buộc trên toàn quốc đối với lúa gạo, lúa mỳ và lúa mạch vì đây là những cây trồng quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp Nhật Bản. Quy định bắt buộc có tác dụng ngăn ngừa sự lựa chọn bất lợi và giúp nông dân ổn định sản xuất, đời sống khi rủi ro xảy ra trên diện rộng.
|
Nhiều loại cây trồng ở Ấn Độ được bảo hiểm.
|
Philippines thực hiện chương trình bảo hiểm mùa màng toàn diện. Chính phủ nước này đã thành lập Tổng công ty bảo hiểm mùa màng Philippines (Philippines Crop Insurance Corporation: PCIC). PCIC được phép huy động vốn thông qua trái phiếu với quy mô bằng 5 lần so với vốn pháp định. Bên cạnh đó, Chính phủ Philippines còn lập ra Quỹ dự trữ thiên tai do Bộ Tài chính quản lý. Thời gian đầu, PCIC bảo hiểm cho người nông dân trồng lúa, sau đó là bảo hiểm các loại cây trồng, các ngành sản xuất trong nông nghiệp cũng như bảo hiểm các loại tài sản không thuộc ngành nông nghiệp như máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và cơ sở hạ tầng có liên quan. Phí bảo hiểm được chia sẻ giữa nông dân, Chính phủ và các tổ chức tín dụng (nếu nông dân vay vốn). Đối với người vay vốn, ngân hàng, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trợ giúp phí bảo hiểm ở mức 2% đối với lúa và 3% đối với ngô. Phần phí còn lại được chia sẻ theo tỷ lệ 40/60: nông dân 40%, Chính phủ 60%
Cần có vai trò của Nhà nước
Bí quyết các nước triển khai thành công là có sự đóng góp tích cực của Nhà nước không chỉ trong việc hỗ trợ phí bảo hiểm mà còn kịp thời ban hành các chính sách, cơ chế hỗ trợ thỏa đáng, dựa trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên. Đơn cử như Canada, Chính phủ điều tiết hoạt động bảo hiểm nông nghiệp bằng cách quy định khung pháp lý về bảo hiểm nông nghiệp. Trên cơ sở đó, chính quyền mỗi tỉnh sẽ có những điều chỉnh riêng nhằm tạo ra các chương trình bảo hiểm đặc thù, phù hợp với thực tế địa phương mình.
Hay như ở Ấn Độ, bên cạnh sự tài trợ của Chính phủ liên bang, các chính quyền bang cũng tham gia trợ giúp về tài chính cho chương trình bảo hiểm nông nghiệp.
Ở Nhật Bản, Chính phủ không chỉ đóng vai trò là người nhận tái bảo hiểm cuối cùng mà còn hỗ trợ một phần phí bảo hiểm và một phần chi phí quản lý cho các nhà bảo hiểm. Hệ thống bảo hiểm nông nghiệp ở Nhật Bản được cấu trúc theo ba cấp. Tại các tỉnh, bảo hiểm nông nghiệp được tổ chức và thực hiện thông qua các hiệp hội tương hỗ giảm nhẹ rủi ro nông nghiệp cấp tỉnh. Đối với rủi ro xảy ra trên diện rộng và vượt khả năng bồi thường của các tỉnh thì chúng sẽ được tái bảo hiểm cho hiệp hội tương hỗ giảm nhẹ rủi ro nông nghiệp cấp quận (trên cấp tỉnh) và cuối cùng có thể sẽ được tái bảo hiểm cho Chính phủ trung ương qua tài khoản đặc biệt, tái bảo hiểm nông nghiệp.
Ở các quốc gia trên, ngoài chức năng quản lý, Nhà nước còn trực tiếp đứng ra tổ chức các hoạt động bảo hiểm nông nghiệp với các mức độ khác nhau; tiến hành tài trợ cho bảo hiểm nông nghiệp với hình thức khá linh hoạt và phong phú như: Tài trợ phí bảo hiểm, chi phí quản lý hoặc tiền bồi thường trong trường hợp xảy ra tổn thất mang tính thảm họa. Nhà nước cũng đóng vai trò là người nhận tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp.
Từ những bài học kinh nghiệm trên, các chuyên gia cho rằng, nếu chúng ta muốn triển khai bảo hiểm nông nghiệp thành công, Nhà nước cần hỗ trợ phí bảo hiểm cho nông dân trong khoảng 5 năm; có các văn bản pháp lý để doanh nghiệp được tạo điều kiện thuận lợi khi làm việc với các tỉnh, huyện trong quá trình triển khai; hạch toán phí bảo hiểm nông nghiệp độc lập khỏi các bảo hiểm truyền thống. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ khi xây dựng sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, tránh việc nhận bảo hiểm ồ ạt đại trà theo kiểu "bảo hiểm mọi rủi ro, mọi đối tượng". Và để bảo hiểm nông nghiệp có nguồn kinh phí vững mạnh, ngoài phí bảo hiểm của người dân, cần có sự đóng góp của doanh nghiệp.
Chúng ta đang trong quá trình triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp với nhiều băn khoăn, bất cập. Chính vì vậy, kinh nghiệm triển khai từ các nước có thể là bài học quý cho Việt Nam, để bảo hiểm nông nghiệp thực sự đi vào cuộc sống, trở thành một phần không thể thiếu trong nền nông nghiệp hiện đại.
Theo Kinh tế nông thôn